Nỗ lực cho hành trình xanh hóa hàng không

Nhằm giải quyết bài toán giảm phát thải khí, hiện các hãng hàng không đang tích cực chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Máy bay của Vietnam Airlines. Ảnh: BNEWS

Máy bay của Vietnam Airlines. Ảnh: BNEWS

Phát triển giao thông xanh là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền kinh tế xanh. Vậy nên, để thực sự đóng vai trò là đòn bảy thúc đẩy phát triển kinh tế, ngành giao thông vận tải đang tập trung nhiều giải pháp chuyển đổi theo hướng bền vững, đặc biệt với ngành hàng không khi đây được đánh giá là một trong những lĩnh vực khó giảm phát thải carbon nhất trong hoạt động vận tải.

Theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Giao thông vận tải), hiện nay, nhu cầu năng lượng phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch, chiếm trên 95% nhu cầu. Trong đó, ngành giao thông vận tải đứng vị trí thứ 2, chiếm 16,5% trong các ngành tiêu thụ năng lượng, chỉ sau công nghiệp với 54,1%. Về phát thải khí nhà kính, ngành giao thông vận tải chiếm khoảng 18% của toàn ngành năng lượng và vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,77% trong giai đoạn 2014 - 2021.

Trong bối cảnh Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050, việc nhu cầu năng lượng phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành giao thông vận tải nói chung và hàng không nói riêng.

Nhằm giải quyết bài toán giảm phát thải khí, hiện các hãng hàng không đang tích cực chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Loại nhiên liêu này được sản xuất từ dầu thải, phụ phẩm nông nghiệp, sinh khối gỗ, rác thải đô thị..., tạo ra lượng khí thải thấp hơn 80% so với các loại có gốc nhiên liệu hóa thạch.

Từ ngày 1/1/2025, tất cả chuyến bay của hãng hàng không Vienam Airlines khởi hành từ các sân bay châu Âu đều sử dụng SAF. Các chuyến bay này sẽ sử dụng nhiên liệu SAF với tỷ lệ ít nhất 2%. Tỷ lệ này sẽ tăng dần lên lên 6%, 20%, 70% tương ứng vào các năm 2030, 2035, 2050.

Đặc biệt, đối với các chuyến bay khởi hành từ nước Anh, Vietnam Airlines cũng sử dụng SAF với tỷ lệ ít nhất 2% từ năm 2025 và nâng dần lên 10%, 22% tương ứng năm 2030, năm 2040.

Đại diện Vietnam Airlines cho hay, giá nhiên liệu hàng không bền vững hiện nay cao hơn từ 2 đến 3 lần so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống, thậm chí có thời điểm cao gấp 5 đến 6 lần. Ước tính, chi phí khai thác các đường bay đến, đi từ châu Âu của Vietnam Airlines sẽ tăng thêm khoảng 4,8 triệu USD mỗi năm khi sử dụng nhiên liệu SAF. Đây là nỗ lực của hãng trong hành trình xanh hóa ngành hàng không vì một tương lai bền vững.

Bên cạnh nỗ lực sử dụng SAF, Vietnam Airlines đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon như: khai thác, sử dụng đội máy bay thế hệ mới, tăng cường áp dụng các giải pháp vận hành khai thác máy bay như tối ưu đường bay, lịch bay và tối ưu trọng lượng chất xếp để giảm tiêu hao nhiên liệu…

Hàng hàng không Vietjet cũng khai thác chuyến bay đầu tiên sử dụng SAF. Tổng giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương chia sẻ, Vietjet cam kết tiếp tục góp phần giảm lượng khí thải carbon trong ngành hàng không và phát triển bền vững. Hãng sẽ phối hợp với các đối tác nghiên cứu, phát triển, cung cấp và sử dụng SAF, theo mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26.

Những chuyến bay sử dụng SAF của Vietjet thực hiện từ Việt Nam đi Melbourne (Australia) và Seoul (Incheon, Hàn Quốc) do Công ty cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) tra nạp. Dự kiến chi phí sản xuất SAF sẽ giảm góp phần đảm bảo nhiên liệu SAF trên các chuyến bay thương mại của hãng.

Tại nhiều quốc gia, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã chuyển sang sử dụng SAF. Tuy nhiên, với Việt Nam, với việc giá thành cao lại một lần nữa đặt ra thách thức cho việc sử dụng SAF khi chi phí nhiên liệu chiếm đến xấp xỉ 30% chi phí của hãng hàng không.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành hàng không, các chuyên gia cho rằng cần sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về nhiên liệu hàng không bền vững, có các cơ chế pháp lý phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để tối ưu hóa và tiết giảm chi phí vận hành chuỗi cung ứng nhiên liệu bền vững.

Ông Kelvin Lee, Phó giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) khẳng định mục tiêu giảm phát thải bằng 0 rất quan trọng và là mục tiêu lớn mà 320 hãng hàng không thành viên thuộc IATA hướng đến; trong đó, có các hãng hàng không Việt Nam.

Theo đại diện IATA, để tăng sản lượng cung cấp SAF và khả năng cạnh tranh giá của SAF so với nhiên liệu hàng không truyền thống, các quốc gia cần thực hiện các biện pháp khuyến khích được ưu tiên trước; trong đó, tạo lập một thị trường hoạt động thông qua các chính sách khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị mới tham gia và đa dạng hóa hoạt động sản xuất SAF, ủng hộ sáng tạo đổi mới, giảm giá thành, hỗ trợ cơ sở sản xuất dùng công nghệ mới. Sau đó, cần có các chính sách bắt buộc để đạt được tầm nhìn trung và dài hạn nhằm tăng tốc sản xuất và sử dụng SAF.

Hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực hàng không đã được quy định tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.

Theo đó, mục tiêu từ năm 2035, ngành hàng không sẽ sử dụng tối thiểu 10% nhiên liệu bền vững cho một số chuyến bay ngắn; 100% phương tiện chở khách và phương tiện khác trong sân bay đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn từ năm 2050 sẽ sử dụng 100% năng lượng xanh, nhiên liệu hàng không bền vững cho tàu bay để giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/no-luc-cho-hanh-trinh-xanh-hoa-hang-khong/363255.html
Zalo