Giáo sư Lê Văn Hóa: Trọn đời vì khoa học

Nhiều lần về nước, Giáo sư Lê Văn Hóa luôn nhấn mạnh việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam là điều rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước và hy vọng được đóng góp về đào tạo chuyên gia về lĩnh vực này.

Giáo sư Lê Văn Hóa phát biểu trong buổi Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân Quê hương 2025, ngày 19/1. (Ảnh: Thành Long)

Giáo sư Lê Văn Hóa phát biểu trong buổi Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân Quê hương 2025, ngày 19/1. (Ảnh: Thành Long)

Là chuyên gia vật lý hạt nhân đã sống tại Mỹ hơn 6 thập niên, Giáo sư Lê Văn Hóa đã tham gia và khởi xướng nhiều hoạt động, dự án, đóng góp xây dựng đất nước. Mới đây, ở độ tuổi 84, ông vẫn về nước tích cực tham dự các hoạt động trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2025.

Cầu nối hợp tác khoa học

Quê gốc ở Quảng Nam, ông Lê Văn Hóa giành được học bổng du học Mỹ khi đang học tập tại Đại học Sài Gòn. Từ những thập niên 1960-1980, ông theo đuổi nhiều ngành khác nhau như Vật lý hạt nhân, Vật lý chất rắn, Bức xạ y học, Pháp luật, Kinh tế chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Rockurst, Đại học Saint Louis, Đại học Washington, Đại học Northeastern Illinois và Đại học Northwestern.

Đặc biệt, sau một thời gian trợ giảng tại Đại học Tổng hợp Florida (1964-1966), ông được bổ nhiệm làm Trợ lý Giáo sư về ngành Xạ trị ung thư tại Đại học Y khoa, bang Illinois, Chicago và kiêm nhiệm vị trí Giám đốc Phòng thí nghiệm Betatron của Đại học này.

Năm 1975, ông được mời sang giảng dạy và làm nghiên cứu tại Đại học Y khoa Chicago của Viện Khoa học y tế (UHS/CMS) với cấp hàm Phó Giáo sư, sau đó là Giáo sư thực thụ và Chủ nhiệm bộ môn Vật lý y học phóng xạ và hạt nhân tại Trường Đào tạo sau đại học và sau tiến sĩ của Viện.

Tại đây, ông đã đào tạo cho bộ môn này hàng trăm sinh viên sau đại học, phần đông là thạc sĩ về Vật lý y học hạt nhân và phóng xạ, hướng dẫn nhiều sinh viên làm nghiên cứu cho luận án tiến sĩ trong lĩnh vực y học.

Trong giai đoạn 1990-2000, Giáo sư Hóa đã đưa một số cán bộ trẻ tuổi, các bác sĩ y khoa và tiến sĩ trong nước sang làm nghiên cứu và đào tạo trong chương trình sau tiến sĩ tại UHS/CMS, đồng thời giới thiệu một số giáo sư sang Việt Nam tham dự hợp tác khoa học.

Ngoài ra, ông tham gia lựa chọn và phê bình những báo cáo khoa học được gửi đến và phát hành trong Tạp chí Dược học và Tạp chí Vật lý Y khoa của Mỹ. Vị giáo sư người Việt là tác giả và đồng tác giả của hơn 130 báo cáo công bố khoa học trong các lĩnh vực Vật lý hạt nhân và Phóng xạ y tế, Sinh học bức xạ…

Sau chuyến về thăm quê đầu tiên vào năm 1977, Giáo sư Lê Văn Hóa cùng với Giáo sư Edward Cooperman ở Đại học bang California, Fullerton và Giáo sư Arthur Galston ở Đại học Yale sáng lập Ủy ban Hoa Kỳ về hợp tác khoa học với Việt Nam trong năm 1978 và được đề cử làm Tổng thư ký của Ủy ban này. Tiếp đó, ông là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ Hoa Kỳ - Việt Nam, tổ chức phi chính phủ thành lập năm 1992 để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục và kinh tế giữa hai nước.

Từ năm 1997, ông cùng với Giáo sư Lê Thế Trung và các nhà khoa học Việt Nam hàng đầu khác tổ chức nhiều hội nghị quốc tế liên quan đến các vấn đề về khoa học, y tế và kinh tế - xã hội, làm cầu nối một số trường đại học trong nước với các trường đại học ở Mỹ...

Không xem mình là Việt kiều

Sống xa quê hương nhưng Giáo sư Lê Văn Hóa luôn ý thức mình là một người Việt Nam. Ông bảo: “Tôi chưa bao giờ xem mình là một Việt kiều. Một khi sinh ra là người Việt Nam thì mình không thể nào mất bản chất đó được”.

Đặc biệt, dù nghiên cứu lĩnh vực Vật lý hạt nhân, nhưng ông từng bảo vệ luận án thạc sĩ về “Những đặc trưng truyền thống của cuộc Cách mạng Việt Nam tháng Tám 1945” tại Đại học Northeastern Illinois (1981-1983).

Khi lựa chọn đề tài này, ông muốn chứng minh cuộc Cách mạng tháng Tám có tính kế thừa lịch sử truyền thống, là sự nối tiếp tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã có từ ngàn xưa.

Ông đã dùng phương pháp phân tích khoa học khách quan bằng những luận chứng lịch sử ngay từ thời kỳ lập quốc của các vua Hùng, trải qua nhiều triều đại phong kiến cùng bối cảnh lịch sử mấy nghìn năm văn hiến của Việt Nam.

Sau đó, do niềm đam mê đối với khoa lịch sử và chính trị kinh tế học, ông tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ trong sáu năm (1983-1989) và tập trung nghiên cứu, tìm tòi tư liệu để có thể hoàn thành luận án về “Nền tảng văn hóa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh” tại Đại học Northwestern.

Với trọng tâm nghiên cứu về tính cách nhân văn trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, luận án của ông cho thấy được nguồn gốc, tư tưởng cách mạng của nhà cách mạng danh tiếng đương thời này trong việc giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ, đi đến nền độc lập vững vàng trong tinh thần dân tộc. Người đã áp dụng rất hữu hiệu chủ nghĩa Marx-Lenin để làm chiến thuật và chiến lược cho việc tổ chức cách mạng thành công mà không làm xáo trộn căn bản văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Năm 1995, một người bạn của Giáo sư làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đọc luận án và mong muốn được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Cuốn sách về luận án này do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành được xuất bản năm 1996 và tái bản nhiều lần sau đó.

Thời điểm phù hợp

Ngay từ những năm 2011, 2012, Giáo sư Lê Văn Hóa đã được mời về quê hương tham gia tư vấn cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đến nay, lĩnh vực điện hạt nhân vẫn được Việt Nam quan tâm trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng.

Ở thời điểm hiện tại khi Chính phủ đang đề xuất loạt cơ chế đặc thù xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để đạt mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm năm tới, Giáo sư cho rằng việc đầu tư ban đầu cho điện hạt nhân là khá tốn kém nhưng có thể duy trì hiệu quả về lâu dài và Việt Nam có thể nhìn vào kinh nghiệm của các nước để rút ra bài học.

Ông cũng chỉ ra một số ưu điểm như năng lượng điện hạt nhân không chỉ để phát triển điện mà có thể áp dụng vào rất nhiều vấn đề như nông nghiệp, y tế, cách lọc nước biển...; điện hạt nhân tạo ra việc làm cho thị trường lao động…

Theo ông, với vị trí địa lý hẹp và có đường biển dài, Việt Nam không nên phát triển dự án quy mô lớn và đường đi xa, nên phát triển đi dọc theo đường bờ biển với những nhà máy nhỏ; cần có phương án đề phòng sóng thần khi phát triển Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…

Giáo sư Lê Văn Hóa khẳng định việc phát triển dự án điện hạt nhân thời gian này là phù hợp với Việt Nam, không chỉ bởi xu hướng toàn cầu mà còn giúp nước ta đạt được mục tiêu kép: vừa tăng trưởng kinh tế vừa đáp ứng mục tiêu Net Zero.

Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là nước ta hiện chưa có nhiều chuyên gia về điện hạt nhân và việc đào tạo cán bộ về lĩnh vực này chưa nhận được sự quan tâm thích đáng.

Bởi vậy, trong cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân Quê hương 2025, ông bày tỏ hy vọng được đóng góp về lĩnh vực đào tạo cán bộ, chuyên gia điện hạt nhân cho Việt Nam.

PHƯƠNG LINH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giao-su-le-van-hoa-tron-doi-vi-khoa-hoc-304189.html
Zalo