Cánh đồng gương từng là tương lai của năng lượng mặt trời đóng cửa chỉ sau 11 năm
Nhìn từ xa, nhà máy điện mặt trời Ivanpah, khai trương vào đầu năm 2014, trông như một hồ nước lấp lánh giữa sa mạc Mojave. Tuy nhiên, biểu tượng của tương lai năng lượng mặt trời ở Mỹ này chuẩn bị đóng cửa sau 11 năm.
Vào tháng 1, đồng sở hữu nhà máy NRG Energy tuyên bố chấm dứt hợp đồng với các công ty điện lực. Nếu được cơ quan quản lý phê duyệt, việc đóng cửa sẽ bắt đầu từ đầu năm 2026, với khả năng địa điểm này sẽ được chuyển đổi sang một công nghệ năng lượng mặt trời mới.
![Ivanpah - Nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. (Ảnh: GI/Getty)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_197_51481824/0753b2b481fa68a431eb.jpg)
Ivanpah - Nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. (Ảnh: GI/Getty)
Với một số người, Ivanpah là biểu tượng lãng phí tiền thuế và gây hại môi trường, khi các nhóm bảo vệ thiên nhiên từ lâu đã chỉ trích tác động của nó đến động vật hoang dã. Nhưng với những người khác, thất bại này chỉ là một phần của quá trình tìm kiếm giải pháp tối ưu cho năng lượng sạch.
Khi ra đời, công nghệ của Ivanpah – năng lượng mặt trời tập trung hay năng lượng mặt trời nhiệt – được kỳ vọng là một đột phá.
Hệ thống này hoạt động bằng cách sử dụng hàng trăm nghìn tấm gương điều khiển bằng máy tính, gọi là "heliostats", để theo dõi mặt trời và hội tụ ánh sáng vào ba tòa tháp cao khoảng 137 mét. Trên đỉnh mỗi tháp là một nồi hơi chứa nước. Nhiệt lượng cực lớn từ ánh sáng mặt trời biến nước thành hơi, làm quay tuabin để tạo ra điện.
![Nhà máy năng lượng mặt trời Ivanpah trị giá 2,2 tỷ đô la nằm ở sa mạc Mohave, California. (Ảnh: Redux)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_197_51481824/e5135df46eba87e4deab.jpg)
Nhà máy năng lượng mặt trời Ivanpah trị giá 2,2 tỷ đô la nằm ở sa mạc Mohave, California. (Ảnh: Redux)
Một lợi thế quan trọng của công nghệ này là khả năng lưu trữ nhiệt, giúp tiếp tục sản xuất điện ngay cả vào ban đêm hoặc khi trời nhiều mây, mà không cần đến pin.
Dự án Ivanpah từng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ Mỹ, với khoản bảo lãnh vay 1,6 tỷ USD từ Bộ Năng lượng và hợp đồng mua điện dài hạn từ Pacific Gas & Electric Company cùng Southern California Edison.
Năm 2014, nhà máy bắt đầu hoạt động thương mại, trở thành nhà máy nhiệt điện mặt trời lớn nhất thế giới, trải rộng trên 5 dặm vuông sa mạc liên bang. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ khi đó, Ernest Moniz, ca ngợi đây là biểu tượng cho sự tiến bộ trong ngành năng lượng sạch.
Điều gì khiến Ivanpah thất bại?
Thứ nhất, công nghệ quá phức tạp và không đạt hiệu suất như mong đợi. Chuyên gia Jenny Chase từ BloombergNEF nhận định rằng việc vận hành những nhà máy kiểu này rất khó khăn, do kết hợp các bộ phận cơ khí phức tạp với sự phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời chính xác.
Tuy nhiên, yếu tố lớn nhất khiến Ivanpah gặp khó khăn chính là sự sụt giảm mạnh về chi phí của năng lượng mặt trời quang điện (PV). Chase cho biết vào thời điểm Ivanpah được xây dựng, không ai ngờ rằng công nghệ PV sẽ trở nên rẻ như vậy và pin lưu trữ cũng có những bước tiến đáng kể.
Ban đầu, giá điện của Ivanpah rất cạnh tranh khi hợp đồng được ký vào năm 2009. Nhưng theo thời gian, công nghệ mới đã tạo ra những lựa chọn rẻ hơn và linh hoạt hơn. Do đó, vào tháng 1, NRG đã đạt thỏa thuận với PG&E để chấm dứt hợp đồng mua điện sớm hơn kế hoạch, giúp tiết kiệm đáng kể cho người dân California.
Tuy nhiên, đối với những người chỉ trích, sự sụp đổ của Ivanpah chỉ chứng minh rằng dự án này không nên tồn tại ngay từ đầu. Julia Dowell từ tổ chức Sierra Club gọi đây là "sự lãng phí tài chính và thảm họa môi trường", khi việc xây dựng đã phá hủy môi trường sống tự nhiên của loài rùa sa mạc đang bị đe dọa.
![Nhà máy Ivanpah dự kiến sẽ bắt đầu đóng cửa vào năm 2026. (Ảnh: GI)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_197_51481824/c34004a737e9deb787f8.jpg)
Nhà máy Ivanpah dự kiến sẽ bắt đầu đóng cửa vào năm 2026. (Ảnh: GI)
Một vấn đề nghiêm trọng khác là tác động đến chim hoang dã. Nhiều báo cáo ghi nhận tình trạng chim bị thiêu rụi giữa không trung do sức nóng từ các tấm gương, làm gia tăng sự phản đối từ các nhóm bảo vệ môi trường.
Một số ý kiến còn sử dụng Ivanpah để lập luận rằng các dự án năng lượng tái tạo không nên nhận tài trợ từ chính phủ. Quan điểm này càng được củng cố khi chính quyền Donald Trump tạm dừng phê duyệt các dự án năng lượng sạch mới trên đất liên bang.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đầu tư vào nhiều loại công nghệ sạch là điều cần thiết. Giáo sư Kenneth Gillingham từ Đại học Yale nhấn mạnh rằng vào thời điểm Ivanpah được xây dựng, rất khó để biết công nghệ nào sẽ hiệu quả nhất. Ông cho rằng điều quan trọng là tiếp tục đổi mới, ngay cả khi một số công nghệ bị thay thế theo thời gian.