Hành lang pháp lý cho công nghệ mới

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra các giải pháp để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số bứt phá trong thời gian tới, trong đó giải pháp quan trọng là khẩn trương hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi rào cản. Các doanh nghiệp công nghệ đang mong chờ các hướng dẫn cụ thể về cơ chế thí điểm thử nghiệm công nghệ mới để triển khai việc đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

Phòng thí nghiệm về các công nghệ 4.0 của Tập đoàn Viettel.

Phòng thí nghiệm về các công nghệ 4.0 của Tập đoàn Viettel.

Tại Hội nghị phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa diễn ra mới đây, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, các nhà khoa học của Viện này đã nghiên cứu, phát triển công nghệ chỉnh sửa gen để cải tạo giống cây trồng, nâng cao tính chống chịu và cải thiện các tính trạng quý của cây trồng quan trọng ở Việt Nam.

Thí dụ, như cải thiện chất lượng hạt đậu tương, nâng cao tính kháng bệnh vi-rút trên cây thuốc lá, đu đủ… Công nghệ này Mỹ và Trung Quốc đang đi đầu và họ đã chấp nhận việc sử dụng một số sản phẩm từ chỉnh sửa gen. Việt Nam dù đạt trình độ nghiên cứu tương đương, nhưng hiện trong nước chưa có quy định để các nghiên cứu này được ứng dụng trong sản xuất, phục vụ cộng đồng.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mong mỏi công nghệ này sớm được ứng dụng, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Đó là một thí dụ của việc phát triển công nghệ nhưng chưa thể ứng dụng được do chưa có hành lang pháp lý cho việc thử nghiệm công nghệ mới.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp và cá nhân phát triển công nghệ mới thường gặp khó khăn trong việc triển khai do lo ngại về tính hợp pháp, rủi ro pháp lý và thiếu cơ chế thử nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng gặp thách thức trong việc đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả và tác động của những đổi mới này, gây chậm trễ trong việc ban hành hoặc điều chỉnh chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, việc không có cơ chế thử nghiệm rõ ràng khiến nhiều sáng kiến tiềm năng bị bỏ lỡ hoặc phải thử nghiệm không chính thức, gây rủi ro cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Ngoài ra, trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức tham gia thử nghiệm chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến tâm lý e ngại trong việc triển khai ý tưởng mới.

Tại Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đề cập giải pháp đột phá là thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, trong đó, có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; đồng thời, có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có đề cập việc Nhà nước có các chính sách, cơ chế, ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, đầu tư, thử nghiệm, sản xuất, nuôi dưỡng, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, thu hút nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực đối với công nghệ chiến lược.

Theo các chuyên gia, cơ chế thử nghiệm công nghệ mới sẽ cho phép các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu triển khai các giải pháp sáng tạo trong môi trường thực tiễn, nhưng vẫn có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước. Điều này giúp giảm rủi ro, đồng thời đẩy nhanh quá trình thương mại hóa công nghệ và ứng dụng vào đời sống. Cơ chế này sẽ đặc biệt hữu ích đối với các lĩnh vực công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn và dữ liệu lớn.

Theo Tập đoàn Viettel, chính sách miễn trừ để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới là chủ trương đột phá cho phép các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có rủi ro thiệt hại về kinh tế do các nguyên nhân khách quan. Tính chất của hoạt động đầu tư mạo hiểm là có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, bù đắp được chi phí bỏ ra, thúc đẩy phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới đôi khi không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính. Trong nghiên cứu khoa học, thất bại sẽ không phải là thất bại nếu chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm cho lần sau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ cho rằng, Nhà nước cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho quá trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái này bao gồm các yếu tố như: quỹ đầu tư mạo hiểm, chính sách hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, và môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. Nhà nước cần thiết lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi các doanh nghiệp này chưa có đủ nguồn lực tài chính. Nhà nước có thể chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư tư nhân bằng cách đồng tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đó thu hút và khuyến khích các nhà khoa học, nhà sáng chế tham gia vào quá trình khởi nghiệp, tạo ra nhiều công nghệ đột phá cho phát triển đất nước.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hanh-lang-phap-ly-cho-cong-nghe-moi-post860079.html
Zalo