TP Huế với những cách làm sáng tạo trong chuyển đổi số và Đề án 06

TP Huế là một trong số các địa phương được Chính phủ, Bộ Công an đánh giá cao trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo.

Nhiều nhóm tiện ích, giải pháp triển khai hiệu quả

Thời gian qua, tuổi trẻ Công an TP Huế đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong nhiệm vụ chuyển đổi số, thể hiện rõ trong triển khai Đề án 06. Thiếu tá Lê Viết Phương, Trưởng ban Thanh niên Công an tỉnh cho biết, thanh niên Công an tỉnh đã xung kích trong tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các ứng dụng theo Đề án 06 và thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nổi bật, thực hiện chủ trương của Chính phủ về cao điểm chiến dịch cấp, đổi thẻ CCCD gắn chíp điện tử, tuổi trẻ Công an TP Huế đã thành lập đội hình thanh niên tình nguyện gồm 120 đoàn viên, thanh niên về các địa phương, hỗ trợ Công an cơ sở thực hiện nhiệm vụ cấp CCCD tại 25 điểm. Đồng thời, tham mưu huy động lực lượng thanh niên các địa phương đồng hành, phối hợp cùng lực lượng Công an tham gia nhiệm vụ cấp CCCD gắn chíp cho nhân dân trên địa bàn, góp phần cùng Công an TP Huế đạt và vượt chỉ tiêu cấp CCCD do Bộ Công an giao.

Hiện, TP Huế đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhóm tiện ích, nhiệm vụ Đề án 06, phối hợp Bộ Công an triển khai 46 mô hình Đề án 06 nhằm cụ thể hóa và quá trình triển khai, nhiều mô hình mang lại kết quả cao. Điển hình, TP Huế đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID kể từ ngày 22/4/2024. Công an TP Huế đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an triển khai phần mềm quản trị nội dung - CMS trên ứng dụng VNeID phục vụ tuyên truyền Đề án 06, các quy định của pháp luật, chính sách của địa phương và quảng bá hình ảnh, văn hóa, đặc sản của tỉnh trên ứng dụng VNeID… Đồng thời, gắn việc xây dựng “đô thị thông minh”, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh TP Huế với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư để phân tích dữ liệu, dự báo tình hình phục vụ chỉ đạo điều hành và xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số...

Hệ thống camera an ninh ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc (Huế) góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Hệ thống camera an ninh ở xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc (Huế) góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Đối với hạ tầng số, hiện, mạng diện rộng trên toàn địa bàn thành phố được kết nối 100% cấp xã qua mạng truyền số liệu trong cơ quan Đảng và Nhà nước; sẵn sàng để thí điểm kết nối nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; đã kết nối, tích hợp 12/17 dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai và thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo 4/7 nền tảng số dùng chung.Đến nay, đã có 100%doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nộp thuế điện tử; 100% điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định; hơn 67% hộ gia đình có địa chỉ số…

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TP Huế, qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU về chuyển đổi số và chương trình chuyển đổi số quốc gia; một số mô hình, cách làm hay được triển khai hiệu quả, trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn. Đơn cử, như Công ty TNHH MTV Dịch vụ vệ sinh công nghiệp Không Gian Sạch là một trong những doanh nghiệp nhỏ tại TP Huế áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Với ứng dụng dọn dẹp EClean được phát triển riêng, công ty này đã thay đổi cách quản lý và cung cấp dịch vụ dọn dẹp nhà cửa. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng về máy điện thoại thông minh, tự đăng ký lịch làm vệ sinh nhà cửa khi cần mà không qua trung gian hay mất phí môi giới…

Khác với trước đây, mỗi lần đến đi khám chữa bệnh, bà Hoàng Thị Minh trú tại phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy, TP Huế) phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, CCCD và một số giấy tờ liên quan, sau đó phải đợi làm thủ tục mất nhiều thời gian, chưa kể nếu quên mang thẻ BHYT thì không thể khám bệnh được. Kể từ thi Đề án 06 được triển khai, bà Minh chỉ cần xuất trình CCCD là có thể vào khám ngay.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tập trung phát triển chính quyền số, các chủ thể kinh tế số và xã hội số ở nông thôn là 3 trụ cột của chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở TP Huế nhằm từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, phục vụ lợi ích của người dân… Xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) là 1 trong 2 xã được chọn xây dựng mô hình điểm xã thông minh ở Huế. Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết, ngoài việc nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền Internet, hệ thống wifi đã phủ khắp cơ quan, các điểm công cộng, các thôn; toàn xã hiện có 29 camera của các thôn được tích hợp vào hệ thống camera an ninh trên địa nhằm giám sát địa bàn, góp phần đảm bảo ANTT từng thôn, xóm. Hiện, trên địa bàn xã Vinh Hưng có 1.632/2.115 hộ gia đình có tài khoản ngân hàng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt hóa đơn điện, nước, truyền hình, Internet, học phí, dịch vụ công...

Bên cạnh đó, các hoạt động ban hành văn bản đi và xử lý văn bản đến đều được xã thực hiện trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành, 100% văn bản đi được ký số theo quy định. UBND xã Vinh Hưng đã sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến và báo cáo số từ xã đến huyện và thành phố. Cùng với chính quyền số, Vinh Hưng đã xây dựng thành công mô hình hợp tác xã số, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số và từng bước triển khai một số dịch vụ kinh tế số. Ngoài ra, công tác tư vấn sức khỏe từ xa cho nhân dân và áp dụng các giải pháp mạng xã hội trong trao đổi, phổ biến các thông tin y tế đạt tỷ lệ trên 70%...

“Việc phủ sóng wifi và hệ thống Internet để tiếp nhận và xử lý công việc cho người dân trên hệ thống điện tử đã tạo thuận lợi, giúp người dân tiết kiệm nhiều thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính...”, anh Trần Sơn Phụng, ở thôn Phụng Chánh 1 (xã Vinh Hưng) cho hay.

Tại phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 diễn ra vào đầu tháng 2/2025, Bộ TT&TT đã công bố kết quả Chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) xếp thứ 3 trong toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2022. Theo đó, Bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) được Bộ TT&TT công bố gồm 3 cấp: chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, chỉ số chuyển đổi số cấp bộ và chỉ số chuyển đổi số cấp quốc gia. Đối với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tp-hue-voi-nhung-cach-lam-sang-tao-trong-chuyen-doi-so-va-de-an-06-i759182/
Zalo