Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều nơi tạm dừng dạy thêm, chờ văn bản hướng dẫn
Nhiều sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm.
Ngày 14-2, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Nhiều nhà trường, thầy cô đã ngừng dạy thêm.
Các sở GD&ĐT cũng có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện thông tư này.
Các sở GD&ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm Thông tư 29
Ngày 11-2, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản gửi phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP về việc triển khai Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm.
Tại văn bản, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Phòng GD&ĐT, các trường, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29.
Các đơn vị, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Thông tư 29; đồng thời báo cáo, thông tin kịp thời về sở những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước đó, nhiều trường ở Hà Nội đã tạm ngừng dạy thêm. Một số trường dự kiến bố trí kinh phí để bồi dưỡng các nhóm đối tượng theo quy định, gồm nhóm có kết quả học tập chưa đạt ở môn cuối học kỳ liền kề; các em được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
![Hôm nay, 14-2, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Ảnh minh họa: TT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51475440/6881427c7032996cc023.jpg)
Hôm nay, 14-2, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Ảnh minh họa: TT
Cùng ngày, UBND tỉnh Nam Định cũng ban hành văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh tăng cường công tác thông tin, thường xuyên rà soát, nắm bắt, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tuyển sinh THCS, THPT và quy định về dạy thêm, học thêm.
UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh tăng cường công tác thông tin, thường xuyên rà soát, nắm bắt, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế tuyển sinh THCS, THPT và quy định về dạy, học thêm; yêu cầu xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm theo quy định; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các quy định về tuyển sinh và quy định về dạy, học thêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT.
Ngày 12-2, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về việc thực hiện các quy định tại Thông tư 29. Theo đó, từ ngày 14-2, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phân loại đối tượng học sinh, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 đảm bảo hiệu quả.
Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc giao Phòng Giáo dục phổ thông tham mưu thành lập Tổ xây dựng Quyết định của UBND tỉnh quy định về dạy thêm, học thêm; dự thảo Quyết định; hướng dẫn triển khai thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu xây dựng Nghị quyết HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường cho 3 đối tượng học sinh theo quy định tại Thông tư 29.
Ngày 13-2, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cũng có văn bản đề nghị các đơn vị trực tổ chức thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư 29. Giáo viên các cơ sở giáo dục công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo (bằng văn bản) với hiệu trưởng/giám đốc, nêu rõ các nội dung về thời lượng, thời gian, địa chỉ và hình thức dạy thêm.
Các cơ sở giáo dục phải quản lý chặt chẽ việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đúng quy định; báo cáo việc giáo viên của trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Tương tự, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết đang phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư 29 đảm bảo đúng quy định.
Sở GD&ĐT Đắk Lắk yêu cầu các trường phải hoàn trả các khoản tiền đã thu trước đây để phục vụ việc dạy thêm, học thêm của học sinh tương ứng với thời gian không thực hiện; kịp thời thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm… theo quy định.
Ông Trần Ngọc Cẩm, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, cho biết các trường, giáo viên trên địa bàn đã tạm ngừng việc dạy thêm.
“Nhiều giáo viên lo lắng vì dừng dạy thêm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc ôn tập để học sinh củng cố kiến thức, bước vào kỳ thi lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình và chờ chỉ đạo mới để thực hiện đúng quy định” - ông Cẩm nói.
Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa cũng dự kiến thời gian tới có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện dạy thêm, học thêm để các cơ sở giáo dục trực thuộc triển khai. Hiện nay, các nhà trường, thầy cô trên địa bàn hai tỉnh này đã tạm thời ngừng tổ chức dạy thêm.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có văn bản hướng dẫn
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, Thông tư 29 quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ không cấm. Quy định rõ những hoạt động nào đúng quy định và không đúng quy định, để chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…
"Để thời gian trong trường không chỉ là thời gian học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết.
![Học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết. Ảnh minh họa: TT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51475440/1bdc3621046fed31b47e.jpg)
Học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết. Ảnh minh họa: TT
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết Bộ sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các sở GD&ĐT tham mưu và ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.
Bộ GD&ĐT cũng đã tham mưu với Văn phòng Thủ tướng có công điện gửi các tỉnh về việc thực hiện vấn đề này, trong đó có nội dung UBND các tỉnh, thành phố bố trí kinh phí nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, tổ chức các hội nghị triển khai chuyên đề để phổ biến, hướng dẫn đến các đối tượng liên quan để thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện đúng các quy định.
Các sở GD&ĐT tiếp tục ban hành hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 và tham mưu cho địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp cho phát triển giáo dục.
Khoản 3, Điều 4 Thông tư 29 quy định: “Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định giáo viên công lập không được tự đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm tại nhà.
Hiện Sở GD&ĐT TP.HCM đang tham mưu UBND TP.HCM để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Như vậy, cá nhân không phải là giáo viên trong biên chế của các trường công lập có thể đăng ký kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm.