Cô giáo mầm non 'bắc cầu' đưa STEM về vùng cao qua trò chơi dân gian

Đã gần 20 năm qua, cô giáo Đỗ Thị Loan theo đuổi ước mơ làm thế nào vừa gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, vừa tạo cơ hội để các em nhỏ vùng cao của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được tiếp cận, vui chơi, phát triển toàn diện theo những phương pháp khoa học, hiện đại.

Cô giáo Đỗ Thị Loan cùng học sinh Trường mầm non Kim Nọi trải nghiệm trò chơi dân gian "ô ăn quan" trong góc STEM của lớp.

Cô giáo Đỗ Thị Loan cùng học sinh Trường mầm non Kim Nọi trải nghiệm trò chơi dân gian "ô ăn quan" trong góc STEM của lớp.

Trong số các điểm trường mầm non tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), có một ngôi trường dù xa xôi nhưng luôn ngập tràn trong những sắc màu rực rỡ cùng cơ sở vật chất khang trang, được trang bị nhiều mô hình học tập STEM thú vị được làm nên từ bàn tay của chính những cô giáo tại đây. Đó là Trường mầm non Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải).

"Cây sáng kiến" trong sự nghiệp "trồng người"

Đến với ngôi trường nhỏ xinh nhưng luôn rộn rã tiếng cười trẻ thơ này, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên với những hoạt động bổ ích, hấp dẫn trẻ thơ tại đây như: "Ngày Tết quê em", "Trung thu cho em", "Cháu yêu chú bộ đội"... được lồng ghép khéo léo vào các trò chơi đậm chất dân gian, cổ truyền dân tộc.

Có được thành quả trên là nhờ sự tâm huyết, nỗ lực không ngừng của tập thể giáo viên nhà trường. Trong đó, có phần đóng góp không nhỏ từ Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Nọi, cô giáo Đỗ Thị Loan, người đã có gần 20 năm kinh nghiệm, đồng thời là "cây sáng kiến" trong sự nghiệp "gieo chữ, trồng người" ở một trong những địa bàn xa xôi nhất huyện vùng cao tỉnh Yên Bái.

Được biết, trong các năm học gần đây, cô Đỗ Thị Loan liên tục gặt hái thành công với các sáng kiến "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng cao”, "Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người địa phương” và "Áp dụng giáo dục STEM vào giảng dạy”. Tại mỗi thời điểm, những sáng kiến của cô Loan đã mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Một trò chơi trong khuôn khổ hoạt động "Cháu yêu chú bộ đội" tổ chức ngay tại khuôn viên điểm trường chính Trường mầm non Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái).

Một trò chơi trong khuôn khổ hoạt động "Cháu yêu chú bộ đội" tổ chức ngay tại khuôn viên điểm trường chính Trường mầm non Kim Nọi (xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái).

Trong số này, năm học 2020-2021, sáng kiến "Giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương” đã được áp dụng rộng rãi tại các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Lục Yên của tỉnh Yên Bái, với các hướng đi chủ đạo là việc trang trí lớp học để học sinh nhận diện được trang phục dân tộc; xây dựng góc giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh trải nghiệm may, mặc quần áo dân tộc thiểu số cho búp bê; tổ chức hoạt động múa dân vũ, thành lập một số câu lạc bộ dân vũ trong nhà trường như khèn, xòe, sênh tiền...

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, cô Đỗ Thị Loan cho biết: Trò chơi dân gian được xem là di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng văn hóa truyền thống Việt Nam, gắn liền với sự tồn tại, phát triển của cộng đồng người Việt trong nhiều giai đoạn khác nhau và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa những năm gần đây đã khiến trò chơi dân gian ít có cơ hội phát triển.

"Ngày nay, trong cuộc sống có rất nhiều trò chơi mới lạ, thu hút các em nhỏ tham gia. Đáng lo nhất là sự phát triển của những trò chơi mang tính kích động bạo lực, xa lạ với bản chất nhân văn, nhân hậu của người Việt Nam. Từ đó, tôi đã tìm cách phát huy một số trò chơi dân gian mà các em học sinh có thể dễ dàng tiếp cận không chỉ trong những giờ học trên lớp, mà còn cả ở các dịp lễ hội, ngày Tết cổ truyền, ngày nghỉ", nữ hiệu trưởng sinh năm 1984 nói.

Giữ gìn, phát huy văn hóa dân gian nơi rẻo cao

Xuất phát từ những trăn trở trên, trong năm học 2022-2023, cô giáo Đỗ Thị Loan đã nghiên cứu, thử nghiệm 4 mô hình gắn với sáng kiến "Một số giải pháp giữ gìn và phát huy hiệu quả tổ chức trò chơi dân gian trong trường mầm non" tại chính ngôi trường mầm non Kim Nọi nơi công tác đã hàng chục năm qua.

Bốn giải pháp gồm: Xây dựng và thực hiện kế hoạch lồng ghép tổ chức trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi mầm non, vùng miền trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục; Đa dạng hóa các hoạt động tập thể có lồng ghép trò chơi dân gian cho trẻ; Tạo môi trường cho trẻ được tham gia trò chơi dân gian mọi lúc, mọi nơi; Tạo cầu nối đưa trẻ về với trò chơi dân gian trong trường mầm non.

Các em nhỏ vùng cao hào hứng tham gia chơi "bịt mắt bắt dê". Trong ảnh, cô Đỗ Thị Loan (áo đen) cùng tập thể giáo viên nhà trường cùng hướng dẫn, cổ vũ để các em thêm phần sôi nổi.

Các em nhỏ vùng cao hào hứng tham gia chơi "bịt mắt bắt dê". Trong ảnh, cô Đỗ Thị Loan (áo đen) cùng tập thể giáo viên nhà trường cùng hướng dẫn, cổ vũ để các em thêm phần sôi nổi.

Cụ thể, cô giáo vùng cao đã chủ động phối hợp giáo viên nhà trường và các đơn vị liên quan tìm hiểu các trò chơi dân gian đặc trưng của từng vùng miền, phù hợp với các độ tuổi mầm non, đồng thời thêm vào các yếu tố sáng tạo để xây dựng thành những hoạt động bổ ích, lồng ghép vào chương trình hoạt động tập thể của nhà trường.

Bên cạnh đó, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã xây dựng những khoảng không gian phù hợp, hấp dẫn để học sinh có thể tham gia trò chơi mọi lúc, mọi nơi trong khi đến trường; đồng thời, phát động phong trào "Một tuần một trò chơi dân gian" đến toàn bộ 100% phụ huynh học sinh nhằm tạo cầu nối, đưa các trò chơi dân gian về mỗi gia đình.

"Nội dung phong trào được thiết kế đơn giản, lồng ghép vào buổi họp phụ huynh đầu năm và không tốn nhiều thời gian của các gia đình. Qua nhóm liên lạc trên mạng xã hội của mỗi lớp, giáo viên sẽ gửi tài liệu hướng dẫn một số trò chơi dân gian để ông bà, bố mẹ và người thân trong gia đình nắm, biết cách chơi cùng con em. Trong quá trình chơi, gia đình sẽ quay clip gửi lại nhóm. Hằng ngày, trong giờ đón và trả học sinh, cô giáo sẽ cho các con xem lại những clip này qua TV tại lớp học", cô Đỗ Thị Loan giải thích.

Phụ huynh, học sinh trên địa bàn thành phố Yên Bái cùng tham gia những trò chơi dân gian trong khuôn khổ sáng kiến của cô Đỗ Thị Loan.

Phụ huynh, học sinh trên địa bàn thành phố Yên Bái cùng tham gia những trò chơi dân gian trong khuôn khổ sáng kiến của cô Đỗ Thị Loan.

Bằng những cách làm đơn giản nhưng thiết thực, sáng kiến của cô hiệu trưởng giàu lòng yêu trẻ vùng cao, tâm huyết với văn hóa dân gian đã khiến các bậc phụ huynh thay đổi nhận thức về công tác giáo dục mầm non, ngày càng tin tưởng, yên tâm gửi con em đến trường.

Đối với các giáo viên chủ nhiệm, các mô hình không chỉ góp phần tạo điều kiện nâng cao công tác chuyên môn, mà còn tạo thêm cảm hứng, sự thuận tiện trong giảng dạy.

Quan trọng hơn cả, qua những trò chơi dân gian đầy màu sắc, học sinh ở ngôi trường mầm non Kim Nọi đã trở nên hoạt bát, tự tin, mạnh dạn hơn trong cuộc sống hằng ngày, đồng thời tiếp thu được kho tàng kiến thức dân gian lý thú từ chính dân tộc của mình cũng như nhiều dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S.

Năm học 2023-2024 vừa qua, cô Đỗ Thị Loan đã mạnh dạn đề xuất và được phê duyệt áp dụng thử nghiệm sáng kiến của mình tại 15 trường mầm non ở 6 tỉnh trên cả nước, gồm Điện Biên, Đắk Nông, Sơn La, Lai Châu và Thái Bình với tổng cộng 3.500 học sinh.

Từ năm học 2010-2011 đến nay, đã nhiều năm liên tiếp cô giáo Đỗ Thị Loan đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh; nhiều lần được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam... vì những thành tích xuất sắc, cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục.

NGỌC VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-giao-mam-non-bac-cau-dua-stem-ve-vung-cao-qua-tro-choi-dan-gian-post859976.html
Zalo