Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm: Hiểu rõ để thực hiện đúng

Ngày 30.12.2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm (DT, HT). Thông tư số 29 chính thức có hiệu lực từ ngày 14.2.2025 và đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Thông tư số 29 và hướng dẫn triển khai của tỉnh, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT về các nội dung trong quy định mới này.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Quang Trí trả lời phỏng vấn Báo Hà Giang.

Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Quang Trí trả lời phỏng vấn Báo Hà Giang.

Phóng viên (Pv): Thưa đồng chí Bùi Quang Trí, Thông tư số 29 ra đời quy định về DT, HT đang được dư luận rất quan tâm, đặc biệt là giáo viên và phụ huynh học sinh. Xin đồng chí cho biết những điểm mới quy định trong Thông tư này?

Đồng chí (Đ/c) Bùi Quang Trí: DT, HT là nhu cầu của xã hội. Trên thực tế, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT đã có những quy định, hướng dẫn về quản lý, tổ chức DT, HT. Tuy nhiên, DT, HT là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường, nhu cầu lớn, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên các văn bản trước đây chưa đủ chế tài quản lý.

Ngày 30.12.2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29 thay thế Thông tư số 17 năm 2012 cho phù hợp với xu thế hiện nay, cũng như quan điểm đổi mới Chương trình GDPT 2018, mục tiêu là quản lý tốt hơn đối với hoạt động DT, HT.

Thông tư số 29 có nội dung mới cần quan tâm: Về quan điểm, DT, HT là hoạt động dạy học bổ trợ ngoài thời lượng trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học giáo dục trong chương trình GDPT, GDTX. Thông tư quy định hoạt động DT, HT trong và ngoài nhà trường và không dạy thêm đối với học sinh Tiểu học, chỉ dạy kỹ năng sống, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao.

Đối với hoạt động DT, HT trong nhà trường: Nhà trường được phép tổ chức DT, HT nhưng phải xây dựng kế hoạch giáo dục, không xen kẽ thời khóa biểu dạy học chính khóa, không cắt xén chương trình giáo dục để đưa vào dạy thêm, không dạy trước chương trình; dạy thêm trên nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc và chỉ áp dụng dạy thêm cho học sinh có kết quả môn học cuối học kỳ chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và không thu tiền của học sinh; nguồn kinh phí tổ chức DT, HT trong nhà trường sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Quảng Ngần (Vị Xuyên) trong giờ học.

Học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Quảng Ngần (Vị Xuyên) trong giờ học.

Đối với DT, HT ngoài nhà trường: Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động DT, HT phải đăng ký kinh doanh, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan; phải công khai trụ sở, môn học, thời lượng, thời gian, danh sách người dạy, mức thu tiền của người học. Người dạy phải có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn phù hợp. Giáo viên đang dạy tại các nhà trường phải báo cáo thủ trưởng, người đứng đầu. Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh mà giáo viên đó đang được phân công giảng dạy trực tiếp trong trường theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập không được tham gia quản lý, điều hành tổ chức DT, HT nhưng có thể tham DT, HT ngoài nhà trường.

Thông tư số 29 cũng quy định rõ người đứng đầu cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về DT, HT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Pv: Đồng chí đánh giá như thế nào về sự ra đời của Thông tư số 29?

Đ/c Bùi Quang Trí: Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29 là rất cần thiết và kịp thời. Thông tư giúp quản lý tốt các hoạt động DT, HT, chứ không cấm. Chúng ta cần hiểu rõ và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn. Thông tư ra đời khắc phục những hạn chế của các quy định cũ; xóa bỏ tình trạng DT, HT tràn lan và hiện tượng tiêu cực trong hoạt động DT, HT như dư luận xã hội phản ánh là không mang tính tự nguyện. Thông tư phù hợp với Chương trình GDPT 2018 theo quan điểm Giáo dục không chỉ là truyền dạy kiến thức mà phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Đồng thời khẳng định Chương trình giáo dục hiện nay hoàn toàn phù hợp. Nếu giáo viên làm hết trách nhiệm, học sinh tích cực học tập, phát huy năng lực, sở trường thì kiến thức phổ thông trên lớp đã đáp ứng được nền tảng trí tuệ cho học sinh. Quy định không thu tiền học sinh học thêm trong nhà trường cũng giảm áp lực, gánh nặng tài chính cho gia đình, xã hội.

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện, học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng, Bộ GD&ĐT không cấm. Thông tư số 29 quy định rõ những hoạt động DT, HT nào đúng quy định, hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện.

Pv: Để thực hiện tốt Thông tư số 29, Sở GD&ĐT có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Bùi Quang Trí: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về công tác tuyển sinh, DT, HT và để thực hiện Thông tư số 29 hiệu quả, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, quy định về DT, HT của địa phương; chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp, quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Sở GD&ĐT sẽ trực tiếp tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý và đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Đối với các nhà trường và thầy, cô giáo, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, giúp học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; không làm gián đoạn và buông lỏng việc bổ trợ kiến thức cho học sinh chưa đạt kết quả học tập và học sinh cuối cấp chuẩn bị tham gia các kỳ thi, tốt nghiệp. Đối với phụ huynh học sinh và xã hội, cần hiểu rõ lĩnh vực giáo dục nói chung và vấn đề DT, HT không chỉ nỗ lực của ngành Giáo dục mà còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát, đồng hành của phụ huynh và xã hội; phụ huynh không nặng nề về thành tích học tập của con, hãy yên tâm và tin tưởng vào vai trò của giáo dục nhà trường, chung tay vì một nền giáo dục với chất lượng toàn diện. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm và làm đúng quy định thì những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề.

Pv: Xin cảm ơn đồng chí!

BIỆN LUÂN (Thực hiện)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202502/thong-tu-so-29-cua-bo-gddt-ve-day-them-hoc-them-hieu-ro-de-thuc-hien-dung-3cb4558/
Zalo