Vì sao dư luận đồng tình với luồng ý kiến giải tán phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện?
Lý do chính dư luận cho rằng, hiệu trưởng các nhà trường mầm non và phổ thông đủ sức thực hiện các nhiệm vụ mà hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện đang làm. Như vậy, giải thể cơ quan cấp huyện này là hợp lý.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_601_51478861/9a05f166c3282a767339.jpg)
Đề xuất giải tán Phòng Giáo dục và Đào tạo được một diễn đàn của các giáo viên đề xuất vào cuối năm 2017. Vào thời điểm đó, đề xuất này nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội, trong đó đa số giáo viên các bậc học đều đồng tình, ủng hộ.
Mới đây, khi việc sáp nhập tinh gọn bộ máy được xúc tiến rốt ráo, việc giải tán Phòng Giáo dục và Đào tạo lại tiếp tục được đề cập trở lại.
Một giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoàn toàn tán thành với quan điểm này trong thực tiễn dạy và học hiện nay.
Thứ nhất, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Hòa chung với tinh thần sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, ban, ngành và địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết dự kiến cơ cấu tổ chức của cơ quan này là 19 đơn vị, giảm 4 đơn vị so với hiện nay. Vậy nên, thiết nghĩ, việc cơ cấu lại tổ chức của Sở/ Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương để hoạt động sao cho hiệu quả cũng cần được tính toán khoa học.
Thứ hai, việc giải tán Phòng Giáo dục và Đào tạo là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trước hết, ước tính cả nước có khoảng 700 Phòng Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương. Về mặt hành chính, Phòng Giáo dục và Đào tạo thừa hành chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, gây chồng chéo. Còn nhân sự, tài chính đều do Ủy ban nhân huyện tuyển dụng, quản lí.
Tiếp đến, mỗi Phòng Giáo dục và Đào tạo có khoảng 15 biên chế nhân cho khoảng 700 sẽ ra con số khoảng hơn 10.000 lãnh đạo và chuyên viên. Nếu Phòng Giáo dục và Đào tạo không còn tồn tại, số nhân sự này sẽ về các cơ sở làm công tác quản lí, giảng dạy. Ai không đủ năng lực làm việc sẽ được tinh giản biên chế, tạo sự cạnh tranh chuyên môn giữa các giáo viên.
Tiếp đến, về mặt chuyên môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo bám theo các kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo để các kế hoạch được thực hiện đồng bộ, thống nhất. Trong khi đó, hiệu trưởng có thể làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân về việc thi đua khen thưởng giáo viên; thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức;… mà không cần qua cấp trung gian là Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, không ít giáo viên cho rằng, Phòng Giáo dục và Đào tạo thường "đẻ" ra nhiều cuộc thi chưa thực sự cần thiết khiến thầy cô giáo ngập đầu trong công việc. Ví dụ, bậc trung học phổ thông chỉ có cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh thì bậc trung học cơ sở lại có thêm cấp huyện.
Thứ ba, thực tiễn dạy học cho thấy, chỉ cần Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chuyên môn chung cho các cấp học từ mầm non đến phổ thông là hợp lí. Như vậy, cơ quan quản lí giáo dục chỉ cần phân cấp phân quyền thêm cho hiệu trưởng trong việc tự chủ về nhân sự và chuyên môn, không nên ôm đồm.
Một giáo viên khác ở ở Thành phố Hồ Chí Minh còn nêu ý kiến, cùng với việc giải tán Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cũng cần tính đến chuyện tinh giản hiệu trưởng và kế toán. Theo đó, một hiệu trưởng và kế toán hoàn toàn có thể làm công tác quản lí, chuyên môn nghiệp vụ ở 2-3 trường trong cùng một địa bàn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.
Tuy vậy, sự tồn tại của Phòng Giáo dục và Đào tạo đang bị chi phối bởi hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2001; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV, Thông tư liên tịch Số: 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trược thuộc trung ương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
Vì vậy, nếu giải tán Phòng Giáo dục và Đào tạo thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tham mưu Bộ Nội vụ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì mới có cơ sở thực hiện.