Gập gềnh Lũng Pu

Lũng Pu, cụm dân cư với 35 nóc nhà ngự trên đỉnh núi cao chót vót thuộc thôn Nà Lạn, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn. Gần 40 năm kể từ khi những hộ đồng bào dân tộc Mông đầu tiên di cư từ huyện Na Rì sang, nơi đây vẫn là vùng trũng khó khăn nhất với 100% cư dân là hộ nghèo.

 Con đường tới trường của học sinh Lũng Pu.

Con đường tới trường của học sinh Lũng Pu.

Video: Gian nan đường lên Lũng Pu.

Được sự quan tâm của Nhà nước, vừa qua điện lưới quốc gia đã được đầu tư cho đồng bào nơi đây. Tuy nhiên cái khó nhất hiện nay vẫn là giao thông trắc trở, người dân chủ yếu vẫn phải đi bộ, để đến được trung tâm khoảng cách gần nhất cũng phải mất gần 2km đường mòn vượt núi không phương tiện xe nào có thể qua được.

Tâm tư của người dân Lũng Pu về nỗi gian nan về giao thông.

Lũng Pu, tiếng Tày có nghĩa là “thung lũng cua”, bởi thung lũng này nằm trên đỉnh núi cao. Thường ở những nơi núi đá cao, hiểm trở xuất hiện nhiều cua đá. Trưởng cụm dân cư Lũng Pu, anh Hầu Văn Hùng cho biết: “Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên di cư từ khu vực đỉnh đèo Khau Pi, huyện Na Rì sang đây định cư từ những năm 1985. Chừng ấy năm, từ một vài hộ gia đình, giờ đây cụm dân cư này đã có 35 hộ với hơn 100 nhân khẩu. Người thì đông hơn nhưng ruộng nương, đất rừng vẫn vậy, không mở rộng thêm được. Bao bọc các nếp nhà ở đây chỉ toàn núi đá cheo leo. Người dân sống chủ yếu bằng những thứ tự túc như trồng ngô, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà nhưng quy mô nhỏ lẻ".

Anh Hùng kể: "Có hộ gia đình trồng ngô đầu tư nuôi đàn lợn mong kiếm thêm thu nhập, nuôi cả 2 năm trời, trọng lượng kha khá nhưng rất khó bán vì chẳng ai lặn lội vào tận đây mua. Hồi giữa năm 2024, không may dịch tả châu Phi xảy ra, lợn ốm chết, người dân mất trắng, tiếc đứt ruột vì thiệt hại. Giờ những ai còn trẻ đều đi làm ăn xa bỏ lại gia đình, con cái ở lại để có thu nhập”.

 Núi đá cheo leo, cách duy nhất để người dân Lũng Pu ra trung tâm là đi bộ.

Núi đá cheo leo, cách duy nhất để người dân Lũng Pu ra trung tâm là đi bộ.

Vào những ngày giá rét đỉnh điểm của mùa đông năm nay, nhiệt độ buổi sáng sớm ở Lũng Pu thường chỉ 5-6 độ C, sương giăng mịt mùng. Thế nhưng hơn 20 em học sinh Trường Tiểu học Hiệp Lực từ lớp 1 đến lớp 5 ở cụm dân cư này vẫn phải dậy sớm đi bộ xuống núi để tới trường. Ngoài ra còn có 10 em học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Lãng Ngâm, trong đó có 02 em ngày nào cũng đi về trong ngày.

Hành trang trên lưng các em nhỏ là chiếc cặp gồm sách, bút và cả gói cơm mang cho bữa trưa. Em Lý Quốc Khánh, học sinh lớp 2 dáng người thấp bé nhưng khá nhanh nhẹn, bố mẹ đi làm ăn xa phải ở với bà. Hằng ngày từ tờ mờ sáng, khi sương trên núi còn bao phủ em và các bạn ở đây phải vượt qua những mỏm núi đá cao lởm chởm, những con dốc cheo leo thẳng đứng để đến cho kịp giờ học. Vì nhà trường chưa tổ chức được bán trú nên các em phải mang cơm nhà đi, gói cơm đến trưa đã lạnh ngắt, khô khốc là thứ hàng ngày em và các bạn ở Lũng Pu lót dạ bữa trưa để lấy sức cho học buổi chiều. Hết giờ học những đôi bàn chân nhỏ bé lại nhọc nhằn cất bước vượt núi trở về nhà.

“Mặc dù đường đến trường khó khăn là vậy nhưng các em vẫn kiên nhẫn, ít khi nghỉ học, trừ những hôm mưa quá to, đường trơn trượt”, cô giáo Hoàng Vân Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Lực cho biết.

 Học sinh Lũng Pu ngày 2 buổi đi bộ vượt núi gần 2km để đi học.

Học sinh Lũng Pu ngày 2 buổi đi bộ vượt núi gần 2km để đi học.

Lũng Pu có điểm trường Mầm non với 20 cháu, độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Cô giáo Hoàng Kim Thị, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hiệp Lực cho biết: “Nhà trường luân phiên cử 02 giáo viên lên điểm trường này. Năm học này có 02 cô giáo Gia Thị Ngâm và Đinh Thị Thoa dạy tại điểm trường Lũng Pu. Các cô nhà đều ở xa, tận các xã Cẩm Giàng và Vũ Muộn (Bạch Thông), nhưng hằng ngày vẫn phải đi lại vì điểm trường này không có chỗ ở. Sáng sớm đi mấy chục cây số đến trung tâm xã, gửi xe ở dưới rồi leo núi gần 2km lên điểm trường để kịp giờ dạy. Khó khăn nhất đối với các cô là quãng đường hằng ngày đi lại thật sự vất vả, mất nhiều thời gian, sức lực. Trời tạnh ráo còn đỡ, trời mưa đường trơn bám vào vách núi mà đi vẫn không nổi.

Đường sá gập ghềnh không chỉ ảnh hưởng đến việc dạy và học mà còn cả đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Chứng kiến cảnh bà cụ 90 tuổi chống gậy đi bộ vượt núi xuống trạm xá khám bệnh nhiều người không khỏi ái ngại.

Cụ Dương Thị Trắng năm nay 90 tuổi, ở Lũng Pu cho biết mấy ngày hôm nay thấy mệt, đau bụng, không có cách nào vẫn phải chống gậy đi bộ xuống trạm xá để khám. Ở tuổi gần đất xa trời cụ chỉ mong có con đường thuận tiện để con cháu được hưởng, chứ đời các cụ vất vả nhiều quá.

 Cụ Dương Thị Trắng, năm nay 90 tuổi phải chống gậy xuống núi đến trạm xá để khám bệnh.

Cụ Dương Thị Trắng, năm nay 90 tuổi phải chống gậy xuống núi đến trạm xá để khám bệnh.

Ông Long Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực thông tin: “Cái khó nhất của Lũng Pu hiện nay là con đường. Ngoài con đường mòn theo chân núi lên chừng gần 2km không thể đầu tư nâng cấp, mở rộng được vì địa hình quá hiểm trở, thì Lũng Pu còn có con đường mòn khác nhưng rất xa trường học, chợ, trạm xá. Từ Lũng Pu tới những nơi trung tâm này phải mất gần 10km. Xã đã kiến nghị cấp trên đầu tư con đường này để tháo gỡ khó khăn các hộ dân. Có đường người dân nơi đây mới giải quyết được những khó khăn nội tại, có cơ hội phát triển kinh tế thoát nghèo. Đường mòn này tuy xa nhưng còn có thể mở rộng để xe máy đi lại được. Thực tế Lũng Pu là vùng trũng, việc triển khai các chương trình của Nhà nước rất khó khăn do đường xá đi lại khó khăn”.

Người dân phấn khởi vì đã có điện, giờ mong mỏi Nhà nước quan tâm đầu tư con đường để đời sống đi lên.

Hạ tầng giao thông được coi là “huyết mạch”, là “chìa khóa” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Sau bao năm sống trong thiếu thốn, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Lũng Pu đã có điện lưới quốc gia. Nay ước mơ về con đường luôn là niềm khắc khoải, mong đợi đối với người dân nơi đây. Vì con đường Là động lực quan trọng để thay đổi cuộc sống, cơ hội thoát nghèo của mấy chục nếp nhà đồng bào dân tộc Mông trên đỉnh núi này./.

Phương Thảo

Phương Thảo - Dương Long

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/gap-genh-lung-pu-post69224.html
Zalo