Thỏa thuận Mỹ - Nga về Ukraine đặt châu Âu vào thế khó

Các lãnh đạo châu Âu đang gấp rút tìm cách phản ứng sau khi Mỹ và Nga bắt tay chuẩn bị cho lộ trình kết thúc chiến tranh Ukraine theo cách có lợi cho hai quốc gia này thông qua đàm phán.

Mỹ - Nga đàm phán ở Riyadh: Điều gì đang diễn ra?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về Ukraine, đồng thời điều chỉnh chính sách của Washington đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương, khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại.

Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc gặp với phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergey Lavrov dẫn đầu nhằm tìm kiếm giải pháp kết thúc cuộc chiến tại Ukraine.

Cuộc họp diễn ra tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út), chỉ vài ngày sau khi Trump điện đàm với Putin và đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình mà không có sự tham gia của các đồng minh châu Âu.

Các nhà ngoại giao Mỹ và Nga tham gia cuộc họp ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Các nhà ngoại giao Mỹ và Nga tham gia cuộc họp ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Trump cũng tuyên bố có thể sẽ gặp Tổng thống Nga Putin tại Saudi Arabia. Ngay sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này và Nga ngày 18/2 đã nhất trí giải quyết các vấn đề gây cản trở trong quan hệ Mỹ - Nga và bắt đầu xây dựng lộ trình chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.

Thông tin này đã làm dấy lên lo ngại từ các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, người cảnh báo rằng Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà không có sự tham gia của họ.

"Không có quyết định nào về Ukraine mà không có Ukraine. Châu Âu phải có ghế trên bàn đàm phán khi các quyết định liên quan đến châu Âu được đưa ra".

Ông Zelenskyy phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.

Chương trình nghị sự của cuộc đàm phán Mỹ - Nga tại Riyadh

Ngoại trưởng Rubio cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff đã thảo luận với Ngoại trưởng Lavrov và phái đoàn Nga.

Ngoài việc tìm cách khôi phục quan hệ Mỹ - Nga, các cuộc đàm phán tại Riyadh được cho là nhằm chuẩn bị cho một cuộc gặp giữa Trump và Putin trong tương lai. Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, mục tiêu chính của cuộc gặp là “khôi phục toàn bộ quan hệ Nga - Mỹ”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov tại cuộc họp ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov tại cuộc họp ở Riyadh, Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc đàm phán tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nêu rõ Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov nhất trí lập một cơ chế tham vấn để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quan hệ song phương với mục tiêu thực hiện các biện pháp cần thiết để bình thường hóa hoạt động của các phái bộ ngoại giao hai nước.

Trước tiên, Washington và Moskva sẽ hợp tác để đảm bảo các phái bộ ngoại giao hai nước có thể hoạt động. Các quan chức Nga - Mỹ cũng nhất trí đặt nền móng cho hợp tác trong tương lai về các lĩnh vực địa chính trị, kinh tế và đầu tư sau khi xung đột tại Ukraine chấm dứt. Hai bên cũng đạt đồng thuận về việc lập một đội ngũ cấp cao hành động nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt.

Vì sao châu Âu và Ukraine lo ngại khi bị gạt ra khỏi hội nghị Riyadh?

Tổng thống Zelenskyy, trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hôm thứ Hai, một lần nữa khẳng định Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Nga mà không có sự tham gia của họ.

Các lãnh đạo châu Âu cũng bày tỏ quan ngại khi bị loại khỏi cuộc đàm phán và yêu cầu được tham gia vào quá trình thương lượng.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ ủng hộ một nền hòa bình áp đặt”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố sau khi Trump tự ý tiếp cận Putin vào tuần trước.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: X/@ZelenskyyUa

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: X/@ZelenskyyUa

Trump sau đó trấn an rằng Zelenskyy sẽ được tham gia vào các cuộc đàm phán, nhưng không đưa ra lời giải thích cụ thể. Đặc phái viên Mỹ về Ukraine, Keith Kellogg, cũng nhấn mạnh rằng Washington sẽ không áp đặt bất kỳ thỏa thuận nào lên Kiev. Kellogg dự kiến sẽ đến Kiev trong chuyến công du kéo dài ba ngày.

Về phần mình, Ukraine - quốc gia đã mất gần 20% lãnh thổ và hàng nghìn sinh mạng trong cuộc chiến - mong muốn một thỏa thuận đảm bảo các lợi ích an ninh hợp pháp của họ.

“Chúng tôi muốn có một nền hòa bình bền vững tại Ukraine. Để đạt được điều đó, Nga phải chấm dứt các hành động gây hấn và điều này phải đi kèm với những đảm bảo an ninh đáng tin cậy cho Ukraine”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trên mạng xã hội X

Châu Âu phản ứng ra sao trước sự thay đổi của Trump về Ukraine và NATO?

Sự thay đổi chính sách đột ngột của Trump đã khiến các lãnh đạo châu Âu vội vàng tìm cách ứng phó.

Hôm Chủ Nhật, đặc phái viên Kellogg tuyên bố châu Âu sẽ không có ghế trong bàn đàm phán hòa bình cho Ukraine. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO là “phi thực tế.”

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) và đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg trong cuộc gặp ngày 18/2. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) và đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg trong cuộc gặp ngày 18/2. Ảnh: Reuters.

Phù hợp với lập trường lâu nay của Trump rằng châu Âu cần tăng cường chi tiêu cho NATO, ông Hegseth nhấn mạnh rằng các nước châu Âu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về tài chính và quân sự đối với Ukraine. Ông cũng tuyên bố rằng Mỹ sẽ không triển khai quân đội tới Ukraine sau khi đạt được thỏa thuận với Nga.

Hôm thứ Hai, các lãnh đạo châu Âu đã tập trung tại Paris để thảo luận về chiến lược đối phó. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo Đức, Đan Mạch, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan cùng các quan chức NATO và Liên minh châu Âu.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte đăng trên X: “Chúng tôi đã sẵn sàng.”

Trong những năm gần đây, châu Âu đã hỗ trợ Ukraine hơn 140 tỷ USD, vượt mức 120 tỷ USD mà Mỹ đã chi từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2/2022.

Lãnh đạo các nước châu Âu và EU tại cuộc họp thượng đỉnh ở Paris, Pháp ngày 17/2. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo các nước châu Âu và EU tại cuộc họp thượng đỉnh ở Paris, Pháp ngày 17/2. Ảnh: AFP.

Timothy Ash, chuyên gia tại Chatham House, nhận định rằng châu Âu “đang nhận ra Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy.” Nhiều nhà quan sát coi động thái của Trump là một sự phản bội đối với đồng minh.

Nỗi lo lớn nhất của châu Âu là nguy cơ Nga tiếp tục mở rộng hành động quân sự ngoài Ukraine. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ là bên bảo đảm an ninh cho châu Âu thông qua NATO. Tuy nhiên, Trump muốn châu Âu tự gánh vác nhiều hơn. Một số nguồn tin cho biết Mỹ đang cân nhắc rút một phần quân khỏi châu Âu.

Hiện chỉ có 23 trong số 32 thành viên NATO thực hiện cam kết chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng - một thỏa thuận được đưa ra từ năm 2014. Trump muốn con số này tăng lên 5%.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm thứ Hai đăng trên X: “Châu Âu cần một cú hích lớn về quốc phòng.”

Liệu châu Âu có thể đảm bảo an ninh cho Ukraine?

Tuần trước, một số nguồn tin châu Âu tiết lộ rằng Washington đã gửi một bảng câu hỏi đến các nhà lãnh đạo châu Âu, đề nghị họ nêu rõ những cam kết an ninh có thể dành cho Ukraine.

Theo Anatol Lieven, Giám đốc Chương trình Á - Âu tại Viện Quincy, chỉ có Washington và Moscow mới có thể thương lượng về các vấn đề quan trọng như tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Tại hội nghị Paris, các lãnh đạo châu Âu không đạt được sự đồng thuận về việc có nên triển khai quân đội tới Ukraine sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình hay không.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thụy Điển đã gợi ý về khả năng gửi quân, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng đây là một vấn đề “hoàn toàn quá sớm để bàn đến.”

Chuyên gia Keir Giles của Chatham House cho biết: “Châu Âu cần có cuộc thảo luận nghiêm túc về mục tiêu của mình, ngay cả khi họ chưa sẵn sàng hành động.”

Dương Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thoa-thuan-my-nga-ve-ukraine-dat-chau-au-vao-the-kho-303888.htm
Zalo