EU lên kế hoạch cung cấp gói viện trợ quân sự lớn chưa từng có cho Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) được cho là đang xây dựng một gói viện trợ quốc phòng với quy mô lớn chưa từng có nhằm hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Liên bang Nga.
![Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 18/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_294_51509046/4ed9289f06d1ef8fb6c0.jpg)
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 18/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông tin trên đã được tờ Berliner Zeitung của Đức đăng tải vào ngày 18/2 khi trích dẫn phát ngôn của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Theo đó, Ngoại trưởng Đức đã ám chỉ về một khoản viện trợ có quy mô lớn chưa từng có thể có giá trị tới 700 tỷ euro (732,2 tỷ USD).
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cũng dường như nhận ra tính nhạy cảm của kế hoạch. Theo Bloomberg, sáng kiến chi tiêu trên sẽ chỉ được công bố cụ thể sau cuộc bầu cử tại Đức được lên lịch vào ngày 23/2 nhằm tránh gây tranh cãi không đáng có trước giờ bỏ phiếu.
Theo báo The Kyiv Post của Ukraine, khoản kinh phí 700 tỷ euro nếu được viện trợ sẽ vượt quá tổng số viện trợ nước ngoài cho Ukraine cộng lại kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga – Ukraine vào năm 2022. Theo một trong số các cơ quan kiểm toán của Ukraine, tính đến hết tháng 9/2024, Kiev đã nhận gần 183 tỷ USD từ Washington tính đến tháng 9 năm 2024.
Số tiền này cũng vượt qua thỏa thuận đất hiếm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất đối với Ukraine, được cho là vào khoảng 500 tỷ USD để trả lại khoản viện trợ trước đây của Washington cho Kiev dưới thời chính quyền của Tổng thống Biden. Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine ước tính đạt 189 tỷ USD trong năm 2024.
Trong ngày 17/2, một số nguyên thủ các quốc gia châu Âu đã nhóm họp tại Paris (Pháp) để thảo luận cách thức phối hợp ứng phó sau khi các quan chức Mỹ thúc giục “lục địa già” có hành động cụ thể.
Trước đó, khi trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg tại Hội nghị An ninh Munich, Ngoại trưởng Đức cho biết: "Chúng tôi sẽ đưa ra một gói lớn, chưa từng thấy trước đây. Cũng giống như chúng ta đã có các gói tài chính cho khủng hoảng đồng euro hoặc COVID-19, giờ đây chúng ta cần một gói cho an ninh châu Âu. Điều này sẽ sớm diễn ra".
Tuyên bố này được đưa ra trong thời điểm sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine và châu Âu trở nên không chắc chắn hơn bao giờ hết. Với những phát biểu trong những tuần gần đây, Washington đã ám chỉ về việc sẽ giảm bớt sự hiện diện của mình tại châu Âu.
Phát biểu trên kênh truyền hình của Bloomberg, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovile Sakaliene nhấn mạnh rằng châu Âu phải chuẩn bị cho sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh an ninh hiện nay. Bà cho biết: “Nhận ra rằng không phải Mỹ sẽ bảo vệ châu Âu, mà chính châu Âu tự bảo vệ mình với sự giúp đỡ của Mỹ có nghĩa là tất cả chúng ta đều phải hành động nhanh chóng, kể cả Đức”.
Ngoại trưởng Đức Baerbock nói thêm rằng hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua sức mạnh, tuyên bố "điều này đòi hỏi sự đảm bảo an ninh cứng rắn và lâu dài cho Ukraine, một NATO vững mạnh và tiến triển trong các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine. Là người châu Âu và người Đức, chúng tôi kiên quyết ủng hộ Ukraine, về mặt quân sự, nhân đạo và tài chính”.
Bà Baerbock cho biết kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, các quốc gia châu Âu đã đã cung cấp khoảng viện trợ hơn 140,16 tỷ USD cho Ukraine, trong đó riêng Đức đóng góp gần 46 tỷ USD.
Bà cũng nhấn mạnh rằng sự thống nhất của châu Âu chính là sức mạnh lớn nhất của khu vực này. “Bất chấp những khác biệt, chúng ta cùng nhau tiến về phía trước, từ Paris đến Munich. Là người châu Âu, chúng ta phải chịu trách nhiệm lớn hơn cho an ninh của chính mình. Với mối đe dọa hiện hữu mà chúng ta phải đối mặt, cần có một nỗ lực tập thể lớn để bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của chúng ta”.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng nói rõ rằng trước lập trường của Tổng thống Mỹ Trump thì châu Âu sẽ phản ứng bằng cách tăng chi tiêu quân sự.
“Nếu chúng ta, người châu Âu, không chi nhiều cho quốc phòng ngay bây giờ. Chúng ta sẽ buộc phải chi nhiều hơn gấp 10 lần nếu chúng ta không ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Là Thủ tướng Ba Lan, tôi có quyền nói to và rõ ràng, vì Ba Lan đã chi gần 5% GDP cho quốc phòng. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy”, ông Tusk viết trên mạng xã hội X.
Khi đến Paris, bà von der Leyen đã nhắc lại sự cấp bách này khi viết rằng “chúng ta cần có tư duy khẩn cấp” và “chúng ta phải tăng cường phòng thủ ngay bây giờ”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng lên tiếng ủng hộ cơ chế khẩn cấp của EU cho phép tăng mạnh chi tiêu quốc phòng - một đề xuất được Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen thúc đẩy tại Hội nghị An ninh Munich trong tuần trước.
Theo kế hoạch này, các quốc gia EU sẽ được miễn trừ khỏi các giới hạn về nợ và thâm hụt khi tài trợ cho chi tiêu quân sự. Đây là một sự thay đổi căn bản trong chính sách tài chính của EU, vì trước đây các ngoại lệ như vậy là không thể theo quy định của khối.
Gói quốc phòng mới trị giá hàng tỷ euro này có thể được tài trợ thông qua khoản nợ chung của EU, tương tự như quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố rằng châu Âu sẵn sàng dẫn đầu trong việc cung cấp các bảo đảm an ninh cho Ukraine sau "hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp" tại Paris.