Cái chết bí mật của Suleiman vĩ đại
Nhiều tin đồn đã lan truyền, nhưng các chiến thuật khéo léo của Đại Tể tướng đã xua tan mọi nghi ngờ. Không ai biết chắc chắn Vương chủ còn sống hay đã chết.
Không lâu sau, pháo đài bị nổ tung, chôn vùi 3.000 binh lính trong đống đổ nát. Nhưng Suleiman không bao giờ biết chuyện pháo đài đã thất thủ hay việc Gyula đã bị Tể tướng Pertev Pasha của ông bắt giữ. Ông đã qua đời vào đêm ngày 5-6 tháng 9 trong lều của mình. Chỉ có các bác sĩ của ông và Đại Tể tướng Sokullu Mehmed Pasha có mặt vào thời điểm đó.
Không có cuộc khủng hoảng kế vị nào xảy ra vì Selim lúc này là người thừa kế ngai vàng duy nhất (xem Phụ lục 4). Nhưng quân đội đang tham gia chiến dịch và nếu binh sĩ biết tin Quốc vương của họ đã băng hà thì các hoạt động chiến sự hẳn sẽ phải dừng lại. Các thủ lĩnh sẽ không thể duy trì kỷ luật. Những người lính bộ binh Porte cũng sẽ ngay lập tức yêu cầu được nhận quà thăng ngôi mà họ vẫn được nhận được mỗi khi có sự thay đổi quốc vương.
Sokullu Mehmed Pasha đã tính đến tất cả những điều này. Ông ngay lập tức gửi một sứ giả đến gặp Selim, người đang giữ chức Thống đốc ở Kutahya, và trong khi chờ đợi sự xuất hiện của hoàng tử, ông đã giữ bí mật tuyệt đối về cái chết của Quốc vương. Ông chỉ thông báo với người thư ký cực kỳ đáng tin cậy của mình là Feridun Bey và cho tướng lĩnh cầm cờ hiệu Cafer của Quốc vương, có lẽ vì ông này có tài bắt chước chữ viết tay của Suleiman đến mức hoàn hảo.
![Tranh vẽ tang lễ bí mật của Suleiman. Ảnh: atlasobscura.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_19_119_51509491/a32610793e37d7698e26.jpg)
Tranh vẽ tang lễ bí mật của Suleiman. Ảnh: atlasobscura.
Lấy căn bệnh của Quốc vương (điều đã khiến Vương chủ không thể di chuyển trong vài tuần qua) làm cái cớ, ông cấm tất cả mọi người, kể cả các tể tướng, đến lều của Quốc vương. Sokullu thậm chí còn “khử” luôn vị bác sĩ vì ông này đã biết quá nhiều. Các hoạt động chiến sự vẫn được tiếp tục như thể do chính Suleiman chỉ đạo, người đã đưa ra mệnh lệnh bằng văn bản - thực chất là do Cafer giả mạo - cho các chỉ huy quân đội của mình.
Vào ngày 8 tháng 9, Divan đã gặp và gửi thư chiến thắng có chữ ký tới các Thống đốc tỉnh, Hãn vương của Crimea, Vua của Ba Tư và các quốc vương quan trọng ở châu Âu (xem Phụ lục 12). Tiền thưởng đã được trao. Nhân danh chủ nhân của mình, Sokullu đã gửi đầu của Zriny đến Thống đốc Buda để ông ta gửi đến Hoàng đế Maximilian.
Ông tuyên bố rằng Quốc vương muốn các công sự ở Szeged nhanh chóng được sửa chữa và chủ động thúc đẩy việc xây dựng một nhà thờ Hồi giáo ở đó. Ông nói thêm rằng Suleiman mong muốn được đến thăm nơi đó khi chân ông đã bớt sưng, để ông có thể cảm ơn Chúa vì chiến thắng của mình. Những người lính còn bận tâm các thứ khác và không nghi ngờ gì - kỷ luật vẫn được duy trì mà không gặp trở ngại gì.
Bốn mươi ba ngày đã trôi qua như thế, rồi Sokullu ra lệnh khởi hành. Người ta vẫn tin rằng Quốc vương vẫn đang di chuyển trong một chiếc kiệu kín. Biên niên sử Peçevi cho biết:
“Thỉnh thoảng, Sokullu đến gần ngai vàng, giả vờ báo cáo với Quốc vương. Ông ta cũng khiến người khác có cảm tưởng là ông ta sẽ thảo luận về bản báo cáo với Quốc vương sau khi ông ta đã đọc nó. Quản lý kho vũ khí Cafer, người sau này trở thành con rể của Đại Tể tướng, túc trực bên cạnh người đã khuất và phản hồi thư trả lời... Nhiều tin đồn đã lan truyền, nhưng các chiến thuật khéo léo của Đại Tể tướng đã xua tan mọi nghi ngờ. Không ai biết chắc chắn Vương chủ còn sống hay đã chết...”
Một bức tranh thu nhỏ minh họa biên niên sử về chiến dịch Szeged của Feridun cho chúng ta thấy cỗ xe bốn bánh của Quốc vương được kéo bởi hai con ngựa, đi bên cạnh là Đại Tể tướng và theo sau là các chỉ huy quân đội.
Trong khi đó, Selim đã rời Kutahya và không dừng lại ở Constantinople, cố gắng đón được đoàn tang lễ. Ông đã gặp đoàn người ở gần Belgrade. Sokullu sau đó đã tiết lộ tin tức về cái chết của Quốc vương cho các chức sắc cấp cao và gọi những người đọc kinh Koran đến và yêu cầu họ bắt đầu cầu nguyện cho người đã khuất trước lều hoàng gia. “Khi bài nguyện vang lên từ những người bên phải: ‘Mọi sự thống trị trần gian rồi sẽ tàn lụi, mọi người đều có giờ phút cuối cùng của mình’ thì những người bên trái đáp lời: ‘Chỉ có Đấng Vĩnh hằng mới không bị thời gian chạm đến hay bị cái chết khuất phục,’ toàn quân hòa chung một tiếng kêu than thảm thiết...
Sáng hôm sau, trước khi mặt trời mọc, lễ tang bắt đầu diễn ra.” Các bộ trưởng và nhân vật lãnh đạo quan trọng đều đeo băng quấn màu đen, cận vệ riêng của Quốc vương thì bỏ mũ đội đầu và mặc một thứ giống như chiếc tạp dề màu xanh lam. Toàn quân khóc thương trong im lặng. Khi mặt trời mọc, Selim xuất hiện, mặc đồ màu đen từ đầu đến chân. Ông tiến về phía cỗ xe và giơ tay lên cầu nguyện trời cao.
Thầy giáo riêng của ông kiêm người chủ trì buổi lễ đã sẵn sàng làm lễ. Các Tể tướng đứng bên phải, những nhân vật lãnh đạo đứng bên trái, và giáo sĩ báo giờ cầu nguyện Hồi giáo (muezzin1) đọc lời cầu nguyện cho người chết. Khi buổi lễ kết thúc, tân vương lại giơ tay lên trời rồi rút vào lều của mình.
Đó là lúc quân đội bắt đầu phản đối. Những người lính kêu lên: “Quốc vương chưa nói gì về quà tặng của chúng tôi!... Chúng tôi sẽ quay lại đón ngài, thưa Quốc vương!” Hai ngày sau, tiền thưởng được phân phát, và mặc dù những người lính vẫn thấy chưa đủ nhưng như vậy cũng có thể trấn an họ và đoàn xe tiếp tục lên đường.
Trong bức tranh Lịch sử của Suleiman, do nhà tiểu họa Loqman tô vẽ, chiếc quan tài dài được bao quanh bởi các chức sắc đang ngồi trên lưng ngựa, đi trước là đoàn bộ binh xếp thành hàng dày đặc; phía sau xe tang là các đội kỵ binh cấp tỉnh, tay cầm thương.
Ngày Selim tiến vào thủ đô, nhiều sự cố nghiêm trọng đã xảy ra. Đêm trước đó, những người lính bộ binh Porte đã tụ họp quanh các thùng rượu và khi đoàn rước rời đi, nhiều người trong số họ đã say khướt và xếp hàng chắn kín bưng toàn bộ lối đi của đoàn rước. Sự hỗn loạn xảy ra sau đó khi Đô đốc trưởng và Tể tướng thứ hai, Pertev Pasha, bị lôi xuống ngựa và tấn công. Sokullu đã thoát được nhờ ném những đồng tiền xu về phía những kẻ bạo loạn.
Khi những kẻ nổi loạn đến Seraglio, họ bắt giữ các tể tướng và kéo họ đến trước mặt Quốc vương, buộc ông phải nhượng bộ và tăng lương cho họ. Khi những rắc rối tiếp tục xảy ra, Đại Tể tướng đã ra lệnh chặt đầu một số người để khôi phục trật tự nhanh chóng. Một trong những quyết định đầu tiên mà Selim đưa ra là sa thải hai Phán quan quân đội (kazasker1), những người đã trình bày với ông “một lời khuyên rất khiêm tốn” rằng họ mong muốn duy trì lệnh cấm uống rượu do Suleiman công bố vài năm trước đó.
Baki, nhà thơ vĩ đại, đã viết một khúc bi thương nổi tiếng về cái chết của Suleiman:
Hỡi ngài, người bị cuốn vào lưới tham vọng và vinh quang, đến bao giờ ngài mới thôi nuôi dưỡng khát vọng về những thứ của trần gian, khát vọng không bao giờ ngừng nghỉ?...
Những kẻ ngoại đạo người Hungary đã cúi đầu trước thanh kiếm lóe sáng của ngài! Người Frank biết rõ lưỡi kiếm sắc bén của ngài!
Mặt trời đã mọc rồi; chẳng lẽ vị vua của thế gian sẽ không thức dậy sau giấc ngủ của mình sao? Ngài sẽ không bước ra khỏi chiếc lều tựa như bầu trời của mình sao? Ánh mắt của chúng ta dõi theo con đường: không có dấu hiệu nào từ ngai vàng, nơi tôn nghiêm của vinh quang! Sắc hồng trên má ngài đã phai nhạt, đôi môi đã khô lại, ngài nằm đó tựa như một cánh hồng bị ép cạn nhựa sống...