Chuyên gia: Ông Trump đúng khi loại trừ châu Âu khỏi đàm phán Ukraine
Kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc loại trừ các đồng minh châu Âu khỏi đàm phán Ukraine gây lo ngại nhưng có thể là cách duy nhất để giải quyết xung đột.
Một kế hoạch tiềm tàng của chính quyền ông Trump nhằm loại trừ các đồng minh châu Âu khỏi các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu hoang mang, nhưng theo một chuyên gia, đây có thể là phương án duy nhất để giải quyết xung đột này.
Rebekah Koffler, chuyên gia phân tích tình báo quân sự chiến lược, cựu quan chức cấp cao tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ và tác giả cuốn sách Putin's Playbook, đã chia sẻ rằng lý do ông Trump có thể loại bỏ các đồng minh châu Âu khỏi đàm phán là bởi sự thiếu đồng thuận trong NATO về việc Ukraine có nên gia nhập hay không.
"Một số quốc gia ủng hộ và một số phản đối, vì vậy, sẽ là lãng phí thời gian nếu đưa vấn đề này vào các cuộc đàm phán", Koffler cho biết. Bà cũng nhấn mạnh rằng các đồng minh châu Âu không đóng góp gì đáng kể vào quá trình đàm phán. Theo bà, châu Âu không phải là những người ra quyết định trong vấn đề này.
"Những 'người ra quyết định' duy nhất là (Tổng thống Nga Vladimir) Putin và ông Trump. Và trong trường hợp này, chính ông Putin mới là người nắm giữ tất cả các lá bài, xét về thực tế trên chiến trường và ngoài chiến trường", Koffler giải thích.
![Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: X](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_197_51508317/7548ed38c3762a287367.jpg)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: X
Những bình luận của Koffler được đưa ra khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 17/2 để thảo luận về kế hoạch của ông Trump, người có ý định loại trừ phần lớn các quốc gia châu Âu khỏi các cuộc đàm phán về chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Đây là động thái gây ra sự lo ngại lớn trong một châu lục tin rằng họ có lợi ích quan trọng trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán để xác định các điều khoản của bất kỳ giải pháp hòa bình nào.
Mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ lo ngại, ông Trump vẫn khẳng định rằng Ukraine sẽ tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm kết thúc cuộc xung đột. "Ông ấy sẽ tham gia, đúng vậy", ông Trump nói về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong một phát biểu vào cuối tuần qua.
Khi được hỏi về vai trò của châu Âu trong việc giải quyết xung đột, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga, Keith Kellogg Kellogg đã nói rằng sự tham gia của châu Âu "sẽ không xảy ra", và lý do là việc thêm vào quá nhiều người tham gia có thể làm phức tạp thêm quá trình đàm phán. "Chúng tôi không muốn tham gia vào một cuộc thảo luận nhóm lớn", ông Kellogg chia sẻ.
Bà Koffler cho rằng ông Trump cũng có quan điểm này. Theo bà, ông Trump là người thực tế và hiểu rằng Ukraine đã thua trong cuộc chiến. "Trên thực tế, Ukraine đã thua cuộc chiến ngay từ trước khi nó bắt đầu", bà Koffler nói. "Nga có lợi thế chiến đấu vượt trội so với Ukraine, điều này luôn là sự thật từ đầu".
Bà cũng chỉ trích chính quyền ông Joe Biden và các phương tiện truyền thông chính thống, cho rằng họ đã tạo ra viễn tưởng khi tuyên bố Ukraine có thể thắng cuộc chiến. Bà Koffler khẳng định rằng bất kỳ nhà phân tích tình báo quân sự nghiêm túc nào cũng hiểu rằng cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào ngay từ đầu.
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Joel Rubin, cựu phó trợ lý ngoại trưởng dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, cảnh báo rằng việc loại bỏ các đồng minh châu Âu khỏi các cuộc đàm phán có thể cản trở một thỏa thuận bền vững.
Ông Rubin cho rằng thỏa thuận không có sự tham gia của châu Âu sẽ rất khó thực hiện và không thể dẫn đến một kết quả lâu dài cho cuộc xung đột này. "Việc đưa các nhà lãnh đạo châu Âu vào các cuộc đàm phán có thể sẽ phức tạp hơn ban đầu, nhưng lợi ích từ sự tham gia của họ là chia sẻ chi phí cho bất kỳ cam kết nào phát sinh từ cuộc đàm phán", ông Rubin nói.
Dù vậy, bà Koffler tin rằng ông Trump là nhà lãnh đạo duy nhất có đủ can đảm và khả năng xử lý các cuộc đàm phán khó khăn với ông Putin. "Ông Trump là người duy nhất dám thừa nhận thực tế – ông không sợ bị đổ lỗi về việc thua cuộc chiến và nhường chiến thắng cho ông Putin", bà Koffler chia sẻ.
Theo bà, ông Trump có thể sẽ đề nghị với ông Putin những điều mà ông muốn: Ukraine không gia nhập NATO, Nga giữ quyền kiểm soát miền đông Ukraine và Crimea, không có quân đội Mỹ ở Ukraine, và thậm chí có thể chấp nhận cho Ukraine gia nhập G8.
Tất cả những điều này có thể nhằm cứu vãn phần còn lại của Ukraine và người dân Ukraine, đồng thời thuyết phục ông Putin tham gia vào bàn đàm phán. Tuy nhiên bà Koffler cũng nhấn mạnh rằng ông Putin có thể không chấp nhận bất kỳ điều gì mà ông Trump đề nghị, vì các cuộc đàm phán sẽ cực kỳ phức tạp ngay từ đầu và ông Putin gần như chắc chắn sẽ chơi "cứng rắn".
Trong tình huống này, việc mời các nhà lãnh đạo châu Âu tham gia có thể không có tác dụng và chỉ khiến cho một thỏa thuận hòa bình vốn đã mong manh trở nên khó có thể đạt được.