Thái Bình chú trọng phát triển khoa học và công nghệ
Thực hiện chủ trương của Trung ương về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, Thái Bình chú trọng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), góp phần xây dựng một nền kinh tế hiện đại, hội nhập, thiết thực thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
![Các sản phẩm bật lửa của Công ty TNHH Hoa Việt đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2024](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_72_51473356/d7948d92bcdc55820ccd.jpg)
Các sản phẩm bật lửa của Công ty TNHH Hoa Việt đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2024
Đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến
KH&CN đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình, đặc biệt trong việc chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình canh tác mới và giống cây trồng giá trị cao không chỉ nâng cao năng suất, mà còn tăng thu nhập cho người nông dân, như xây dựng bộ dữ liệu về đặc tính nông học, đa dạng di truyền và tuyển chọn các cây đầu dòng phục vụ nhân giống.
Cụ thể, các mô hình sản xuất hoa tuylip, hoa đồng tiền, hoa ly chất lượng cao trong nhà lưới; sản xuất hoa lay ơn, hoa ly, hoa cúc ngoài đồng ruộng là các mô hình đã và đang được triển khai tại tỉnh Thái Bình.
Trong chăn nuôi, đã tiếp tục nghiên cứu quy trình sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số đối tượng nuôi mới như tôm thẻ chân trắng; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm mật ong rừng sú vẹt Thái Bình.
Thái Bình cũng chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các ngành công nghiệp và dịch vụ. Các giải pháp công nghệ như hệ thống điều khiển thông minh (hệ thống cống ngăn mặn và điều tiết nước) trong nông nghiệp và chế biến đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Năm 2024, tỉnh tổ chức 10 hội nghị phổ biến quy định pháp luật về đo lường, đảm bảo đo lường theo Đề án 996, hướng dẫn áp dụng truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, 7 doanh nghiệp đã được tư vấn, đánh giá và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, trong đó một doanh nghiệp đoạt giải Vàng (Tập đoàn Thái Bình Seed) và 4 doanh nghiệp nhận Giải thưởng Chất lượng quốc gia (gồm Công ty TNHH Hoa Việt, Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Đại Nghĩa, Công ty cổ phần Thương mại Dược Vật tư y tế Khải Hà).
Năm 2024, Thái Bình có 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Việc triển khai Đề án truy xuất nguồn gốc tiếp tục được đẩy mạnh, hỗ trợ 30 doanh nghiệp, tổ chức cập nhật dữ liệu sản phẩm lên cổng thông tin của tỉnh.
Hoạt động thực thi hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) diễn ra hiệu quả với 169 lượt tư vấn về quản lý nhà nước, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Tăng cường phát triển khoa học và công nghệ
Năm 2025, Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh phát triển KH&CN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm triển khai và tổng kết các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới tổ chức bộ máy chính trị, trong đó có KH&CN.
Triển khai thực hiện Chương trình, Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Các mô hình KH&CN thành công và sản phẩm sáng tạo sẽ được giới thiệu rộng rãi qua các hội nghị, triển lãm và các sàn giao dịch.
Các mô hình công nghệ thông minh tiếp tục được triển khai để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong đó có Dự án trọng điểm “Xây dựng khu thực nghiệm sinh học công nghệ cao”, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển giống cây trồng và vật nuôi mới.
Việc kết nối nghiên cứu khoa học và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra những bước tiến vững chắc cho Thái Bình. KH&CN tiếp tục là động lực quan trọng giúp Thái Bình phát triển bền vững và hội nhập, trở thành tỉnh phát triển mạnh trong khu vực.