Không sợ đầu tư nhiều, chỉ sợ đầu tư không hiệu quả
Một trong những yếu tố quan trọng để Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 đó là các chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư.
Chiều 14/2 tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Đa số ý kiến cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ.
![Toàn cảnh phiên họp tổ 4 chiều ngày 14/2](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51480090/cff8fdb4cffa26a47feb.jpg)
Toàn cảnh phiên họp tổ 4 chiều ngày 14/2
Theo các đại biểu, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Các đại biểu đã phân tích những cơ hội tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025, đó là phục hồi kinh tế các quý trong năm 2024 ở mức khá, quý sau tăng cao hơn quý trước, đây là đà phục hồi tích cực cho năm 2025.
Huy động tối đa nguồn tài chính trong dân
Trong phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu trưởng đạt 8% trở lên thì việc huy động tối đa nguồn lực tài chính trong nhân dân phải chú trọng đến tăng lãi suất ngân hàng, mua trái phiếu Chính phủ.
![Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam góp ý tại tổ chiều 14/2](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51480090/7aa64bea79a490fac9b5.jpg)
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam góp ý tại tổ chiều 14/2
Tuy nhiên, giải pháp trên sẽ kéo theo tăng lãi suất khi cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ phải linh động tìm các giải pháp hợp lý và hiệu quả để vừa huy động nguồn tiền từ trong nhân dân nhưng vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Thị Yến – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra.
Qua phân tích một số kết quả đã đạt được trong năm 2024 về dịch vụ, sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo, nông lâm - ngư nghiệp - thủy sản, chỉ số giá tiêu dùng CPI … đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng với mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra trong năm 2025 là hoàn toàn có cơ sở và có thể đạt được.
![Đại biểu Nguyễn Thị Yến- Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý tại tổ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51480090/6ed859946bda8284dbcb.jpg)
Đại biểu Nguyễn Thị Yến- Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý tại tổ
Tuy nhiên, về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2025, trước đó Quốc hội đã ra quyết nghị là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5% với quy mô nền kinh tế là 500 tỷ USD, giờ Chính phủ đề xuất mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên nhưng quy mô vẫn giữ nguyên 500 tỷ USD thì cần phải xem xét lại chỉ tiêu này.
Không sợ đầu tư nhiều, chỉ sợ đầu tư không hiệu quả
Trước khi tiến hành thảo luận tại tổ, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương đại biểu Trần Văn Lâm – ĐBQH Bắc Giang cho biết: Chính phủ đã cân nhắc các yếu tố để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên.
Theo đại biểu, Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi về thị trường xuất khẩu nhất là những thị trường trọng điểm đang phục hồi tốt; khả năng tăng trưởng xuất khẩu tiềm năng tốt hơn thời gian trước. Cùng với đó, một loạt các chính sách kích cầu tiêu dùng cũng đã phát huy tác dụng.
Đại biểu Trần Văn Lâm nhận định, thời gian tới các kênh tiêu dùng kể cả tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng Chính phủ.. cũng sẽ có triển vọng phục hồi trong điều kiện chúng ta giữ được các yếu tố đặc biệt ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lạm phát ở mức hợp lý.
"Một yếu tố quan trọng đó là đầu tư, Quốc hội vừa rồi đã quyết một loạt các dự án đầu tư quy mô lớn và Chính phủ cũng quyết liệt trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư xây dựng dựng cơ bản. Tiền ngân sách được “bơm” vào nền kinh tế thông qua đầu tư các dự án, gia tăng dư nợ tín dụng ngân hàng để tăng mức độ đưa nguồn tín dụng vào thị trường. Điều này đã tạo ra sức cầu và động lực lớn để chúng ta tăng trưởng đầu tư. Có lẽ đây là yếu tố mang tính chất quyết định lớn nhất trong thúc đẩy tăng trưởng ở mức độ cao hơn để đạt mục tiêu 8%"- đại biểu Trần Văn Lâm khẳng định và lưu ý, từ nay đến cuối năm 2025, chúng ta phải triển khai hiệu quả các dự án, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, cung nguồn lực và tiền vào nền kinh tế
Đối với đầu tư tư, hiện chúng ta đang hoàn thiện hệ thống luật pháp theo hướng phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong triển khai dự án, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án tốt hơn và nhanh hơn.
![Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Thu Hường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51480090/ad20996cab22427c1b33.jpg)
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Thu Hường
Theo quan điểm của đại biểu, muốn thúc tăng trưởng thì phải nới chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, tức phải tăng tiền ra để đầu tư. Nhưng quan trọng nhất của đầu tư là phải hiệu quả.
Như vậy vấn đề then chốt nằm ở khâu chất lượng các dự án, các công trình, hiệu quả phát huy của các công trình, các dự án sau đó. Nếu như các khoản đầu tư này mang lại lợi ích thực sự, nó tạo ra động lực cho tăng trưởng nền kinh tế lâu dài thì sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững.
Nếu đầu tư vào các công trình kém hiệu quả hoặc sau này không phát huy hiệu quả sẽ tạo ra sự lãng phí, mang lại gánh nặng cho nền kinh tế cả hiện tại và trong lâu dài, kìm hãm sự phát triển.
“Chúng ta không sợ đầu tư nhiều,chỉ sợ đầu tư không hiệu quả”- đại biểu Trần Văn Lâm khẳng định.
Năm 2025 là bước "tập dượt" cho mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình
Theo đại biểu Trần Lưu Quang, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - đoàn TP Hải Phòng, liên quan đến chỉ tiêu 8%, mục tiêu sâu xa chúng ta sẽ tăng trưởng 2 con số từ năm 2026 trong liên tục nhiều năm, những nước có sự phát triển và vượt qua bẫy thu nhập trung bình như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông… nên khái niệm 8% chúng ta bàn để chúng ta tập dượt, bước lên một con số mới để chúng ta đạt mục tiêu của năm 2030 và 2045 là một nước phát triển có thu nhập cao.
![Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi họp tổ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51480090/9ee5aba999e770b929f6.jpg)
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi họp tổ
"Chúng ta phải vượt được bẫy thu nhập trung bình, hiện nay trên thế giới đâu đó có khoảng 5-7 nước vượt được chủ yếu các nước Đông Á, châu Á trong đó có 4 nước như đã nêu ở trên. Do vậy chúng ta phải chuẩn bị một số việc"- đại biểu Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Thứ nhất, về đường lối phát triển phải mạch lạc. Chúng ta có Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hay tinh gọn bộ máy để có một bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…;
Thứ hai, quan trọng nhất là tháo gỡ thể chế; Thứ ba, nhận diện rõ ràng các giải pháp; Thứ tư, chúng ta phải chạy thử xem những điều chúng ta nghĩ có được không?
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, tựu chung lại để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo chủ yếu nằm ở 3 mũi đột phá: Thể chế, nguồn lực và hạ tầng.