Cần sự bứt phá cho ngành tôm nước lợ
Ngày 14/2, tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025.
Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng.
![Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Nguyên Du)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51479542/c38b71fd43b3aaedf3a2.jpg)
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: Nguyên Du)
Theo Cục Thủy sản, xuất nuôi tôm nước lợ năm 2024 đạt vượt kế hoạch đề ra với diện tích nuôi đạt 749,8 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2024 đạt 1.290,5 nghìn tấn, tăng 15,3 % so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024 cả nước sản xuất và ương dưỡng được 159 tỷ con tôm, trong đó tôm giống thẻ chân trắng 109,8 tỷ con, tôm sú 49,2 tỷ con, đạt 103,55% so với năm 2023. Các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm là Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau chiếm khoảng 90% tổng cơ sở sản xuất và 60% sản lượng giống.
![Đoàn cán bộ Bộ NN&PTNT tham quan nuôi tôm công nghệ cao của công ty TN HHMTV Long mạnh, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Nguyên Du)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51479542/24ba94cca6824fdc1693.jpg)
Đoàn cán bộ Bộ NN&PTNT tham quan nuôi tôm công nghệ cao của công ty TN HHMTV Long mạnh, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Nguyên Du)
Năm 2025, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; Tôm giống khoảng 140-150 tỷ con (trong đó: tôm thẻ chân trắng 100 - 110 tỷ con và tôm sú 30 - 40 tỷ con). Diện tích nuôi tôm đạt 750.000 ha; Sản lượng tôm các loại 1,3 – 1,4 triệu tấn, trong đó tôm sú 350 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 1.050 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu 4,0-4,3 tỷ USD.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam cho biết, xuất khẩu tôm 2024 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với 2023. Nhu cầu thị trường tăng, sức mua phục hồi, tồn kho từ Mỹ, EU giảm. Giá tôm xuất khẩu có xu hướng tăng trong nửa cuối năm. Việt Nam xuất khẩu tôm sang 107 thị trường. Trong đó thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông tăng 11%-39%, thị trường Hàn Quốc giảm 3% thị trường nhỏ Canada, Anh, Australia tăng từ 4% - 33%.
![Năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với 2023. (Ảnh: Nguyên Du).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51479542/7bb2cac4f88a11d4489b.jpg)
Năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với 2023. (Ảnh: Nguyên Du).
Trong năm 2025, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết trong sản xuất tôm; chi phí đầu tư đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong cạnh tranh về giá với các nước Ecudor và Ấn độ. Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu tôm nguyên liệu, xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi 2 vụ kiện CVD và AD. Thị trường Trung Quốc nhu cầu phục hồi mạnh hơn, nhưng giá thấp…Nếu có động lực hỗ trợ và tháo gỡ những bất cập nội tại trong sản xuất, chế biến và chuỗi giá trị, xuất khẩu tôm có thể đạt tới mục tiêu trên.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp cũng đã có nhiều tham luận, trao đổi, đánh giá kết quả sản xuất, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ và bàn các giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống, tôm thương phẩm; bảo vệ môi trường, xây dựng các vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh, nhất là các vấn đề về liên kết, chế biến tôm nhằm giảm giá thành sản xuất.
![Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyên Du)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51479542/c5bb73cd4183a8ddf192.jpg)
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Nguyên Du)
Chia sẻ tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng cho hay, Bạc Liêu là tỉnh đứng đầu khu vực ĐBSCL và là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao (chiếm hơn 50% của vùng ĐBSCL và khoảng 22% cả nước). Trong năm 2024, sản xuất được 38 tỷ post tôm sú giống và tôm canh trắng và 900 triệu con tôm càng xanh giống. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 đạt 1,18 tỷ USD, đạt 101,87% KH, tăng 18% so với cùng kỳ.
![Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2025 ngành tôm có thể đối mặt với nhiều khó khăn.(Ảnh: Nguyên Du)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51479542/ef7258046a4a8314da5b.jpg)
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2025 ngành tôm có thể đối mặt với nhiều khó khăn.(Ảnh: Nguyên Du)
“Giá tôm nguyên liệu trong giai đoạn hiện nay biến động theo chiều hướng giảm sâu, trong khi giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao gây khó khăn rất lớn cho người nuôi tôm”, ông Thăng chia sẻ.
Theo nhìn nhận của thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật nuôi tôm chưa có sự bứt phá, tôm giống bố mẹ một năm phải nhập 260.000 cặp, có những cơ sở sản xuất tôm giống nhiễm bệnh vẫn được chấp thuận. Điều kiện sản xuất tôm giống chưa hiện đại, chưa đạt chuẩn như các nước trong khu vực và quốc tế do đó tốc độ tăng trưởng còn hạn chế, việc tiêu tốn nhiều thức ăn cho tôm còn cao do vậy thiếu sức cạnh tranh với tôm Ecudor và Ấn độ .
![Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.(Ảnh: Nguyên Du )](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_113_51479542/016eb51887566e083747.jpg)
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.(Ảnh: Nguyên Du )
Để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và tạo ra sự bứt phá ngành tôm phát triển bền vững các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh.
“Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, Logistic, cần phải tổ chức lại tổ chức sản xuất, các khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại phải song hành với nhau. Chỉ có giải quyết các vấn đề này một cách đồng bộ, chặt chẽ mới tạo ra cạnh trạnh tốt hơn thị trường tôm trên thế giới, đưa ngành tôm bứt phá đạt được mục tiêu đưa ngành tôm đạt được mục tiêu 10 tỷ USD”, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.