Tết Nguyên đán - lời ước hẹn sum họp của mỗi gia đình
Tết Nguyên Đán không chỉ là khởi đầu mới mà còn mang ý nghĩa nối kết, sum họp thiêng liêng. Mỗi độ xuân về, người Việt lại nôn nao trở về, gửi gắm hy vọng và yêu thương trong không khí đoàn viên ấm áp.
Tết Nguyên Đán được xem là lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất trong năm đối với người Việt Nam. Đây không chỉ là dịp khép lại một năm cũ và chào đón năm mới, mà còn là thời khắc thiêng liêng để mỗi người hướng về cội nguồn, gia đình và những giá trị văn hóa truyền thống.
PV PLO đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thị Quốc Minh, giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, để tìm hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Tết Nguyên Đán đối với người Việt.
. Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, nguồn gốc Tết Nguyên đán và chữ “Tết Nguyên đán” bắt nguồn từ đâu?
+ Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh: Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, hay chỉ gọi đơn giản là “Tết” - là Tết lớn nhất trong năm, diễn ra vào mùa xuân, thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới. Vì vậy, ngày Tết rất quan trọng, luôn được gửi gắm nhiều ước mơ, hi vọng cho một năm mới khang ninh, phúc lộc, bình an...
Trong tiếng Việt, Tết là dịp hội hè, cũng là dịp lễ vui vẻ, bát tiết của Việt Nam không phải là Lập xuân, Xuân phân... mà là những ngày Tết có cúng lễ, gồm: Nguyên đán, Thượng nguyên, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Thường tân, Đông chí.
Trong tám ngày Tết ấy, Nguyên đán là ngày tết đầu năm, cho nên gọi là Tết Cả, cùng với các tết khác, ở các đình, chùa, đền, miếu đều có cúng lễ linh đình, ở các nhà thờ họ, các nhà riêng đều có làm cỗ bàn cúng lễ và hội họp vui vẻ.
Hai chữ "Nguyên đán" là một danh từ chữ Hán, theo sách cổ, sau thời nguyên thủy người ta đã biết định ra thế nào là một năm, lấy ngày thứ nhất của một năm gọi là Nguyên đán. "Nguyên" nghĩa là đầu; "đán" nghĩa là buổi sớm; "Nguyên đán" là buổi sớm đầu năm…
Còn về nguồn gốc Tết ở Việt Nam bắt đầu từ bao giờ, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác định chính xác cả.
Theo sự tích "Bánh chưng, bánh dày", Tết (Nguyên đán) có thể đã xuất hiện từ thời các vua Hùng, với truyền thuyết về chàng Lang Liêu và bánh chưng.
. Thưa Tiến sĩ, Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa như thế nào trong văn hóa và đời sống của người Việt?
+ Tết là sự khởi đầu. Tết đến cũng là sự khởi đầu mới. Và dù không ai định nghĩa nhưng Tết cũng mang hàm ý là sum họp, bởi thế nên những ngày sát Tết lòng ta cứ nôn nao, rạo rực khi nghe câu hát “Đường về nhà là vào tim ta dẫu nắng mưa, gần xa...”; “Tết này con sẽ về, dẫu ở đâu con cũng sẽ về...”. Đó là ý nghĩa lớn nhất của Tết, mà mỗi lần Xuân về Tết đến, người Việt lại cùng nhau hướng tới.
Vào khoảnh khắc thiêng liêng nhất của năm là giao thừa, người người trong lòng đều dấy lên niềm mong cầu chân thành, gửi vào từng đợt ánh pháo sáng rực trên bầu trời, gửi vào nén hương trầm dâng trời phật tổ tiên ông bà, mong một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Món quà của "Chúa Xuân" trao tặng cho thế gian là mùi mực thắm, là nét thơ xuân, là chút mưa bay lất phất đợt áp Tết, là cái se lạnh của gió tháng Giêng, là sự tấp nập nơi các phiên chợ rực rỡ sắc hoa, là điệu nhạc tình xuân buồn vui thương nhớ mong cầu, là những đôi nam thanh nữ tú sánh vai nhau tình tứ dạo phố phường... Ở đó, ta còn cảm nhận được sự đổi thay của người, của mình và của Tết.
. Thưa Tiến sĩ, làm thế nào để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của Tết Nguyên Đán trong bối cảnh hiện đại?
+ Tết bây giờ có "lắc momo", có "giựt lì xì", "có mừng tuổi online"... Nhưng dù vậy, những phong lì xì đỏ đầu năm, những câu chúc xuân cũng vẫn được chăm chút. Phong vị Tết chính là ở đấy. Quà Tết là ở đấy. Tình xuân của "Chúa Xuân" chính là ở đấy. Tết dành cho hết thảy mọi người, ai cũng có Tết!
Với những người Việt Nam ở nước ngoài, họ đều có một tâm trạng chung là luôn đau đáu nhớ hương vị, không khí đoàn viên mỗi khi tết đến, xuân về nơi quê nhà yêu dấu. Nên dù sống ở đâu trên khắp thế giới, những người con Việt Nam vẫn luôn giữ gìn và trao truyền cho thế hệ sau hiểu hơn về những phong tục, tập quán đón tết của ông cha; hướng dẫn từ việc gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ gia tiên cho đến việc đi chúc tết, lì xì đầu năm...
Những người phụ nữ Việt Nam thì thích diện những bộ áo dài truyền thống để vẻ đẹp quê hương luôn ngời lên nơi đất khách. Rồi họ cũng thường hẹn nhau để ăn uống, tâm sự, kể chuyện gia đình quê quán. Ai ai cũng dấy lên trong lòng một niềm yêu thương và hi vọng mãnh liệt trong năm mới. Nhờ vậy, tết xa mà hóa gần, thắt chặt thêm tình cảm đồng hương đồng bào... Tết thêm phần ấm áp, trọn vẹn yêu thương.
Vì tất cả những điều đó, chúng ta cần phải luôn luôn ý thức bảo tồn và phát huy một cách tích cực những hệ giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Mỗi một người thực hiện tốt là một bông hoa đẹp, sẽ góp phần điểm tô cho vườn hoa mùa Xuân của đất nước.
.Xin cảm ơn bà.