'Cỗ vua ban' ngày Tết

Nếu ngày Tết truyền thống của dân tộc trong dân gian không thể thiếu những mâm cỗ trong mỗi gia đình, thì trong cung đình cũng thường có nghi lễ ban yến cho bề tôi ngày Tết.

Theo sử sách nước ta, thời Lý về trước chỉ chép những sự kiện thật lớn, có khi cả năm chỉ có một sự kiện, nên khá sơ sài. Chỉ từ thời Trần mới thấy có những lần sử chép về việc triều đình tổ chức lễ thiết triều ngay đúng ngày Chính đán (mùng 1 Tết), như vào năm Nguyên Phong thứ 8 (1258), quân dân Đại Việt vừa đánh đuổi xong quân Mông Cổ khi chúng xâm lược nước ta lần thứ nhất, thì vào đúng Chính đán diễn ra sự việc này. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Mùa xuân, tháng Giêng, ngày mồng 1, vua ngự chính điện, cho trăm quan vào chầu. Trăm họ yên nghiệp như cũ”.

Chuyện vua ban yến cho các quan văn võ lần đầu được chép ở “Toàn thư” vào thời Lê sơ, đời Vua Lê Thái Tông, năm Ất Mão, niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 2 (1435). Bộ sử này viết: ”Vua ban yến trong 5 ngày cho các quan văn - võ trong ngoài, phát tiền cho các quan văn - võ nhậm chức bên ngoài theo các thứ bậc khác nhau”. Tuy nhiên, sự kiện diễn ra sau ngày mùng 4 Tết, vì trong ngày mùng 4, triều đình nhà Lê tiếp sứ nước Ai Lao là San Mạc, Sát Mẫu, khi họ “đem đồ uống rượu bằng vàng bạc và hai con voi sang cống”.

Một buổi yến tiệc đãi các quan tổ chức trong điện Cần Chánh, đời Vua Khải Định. Ảnh tư liệu.

Một buổi yến tiệc đãi các quan tổ chức trong điện Cần Chánh, đời Vua Khải Định. Ảnh tư liệu.

Đến năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thái Hòa năm thứ 7, đời Vua Lê Nhân Tông (1449), “Toàn thư” tiếp tục ghi rằng: “Mùa xuân, tháng Giêng, ban yến cho các quan. Múa nhạc Bình Ngô phá trận". Đến năm Bính Tý, niên hiệu Diên Ninh năm thứ 3 (1456), lại chép sự kiện, có ngày tháng rõ ràng là ngày mồng 3 Tết: “Ban đại yến cho các quan, Lạng Sơn Vương (Lê) Nghi Dân dự yến”. Có chép chi tiết sự xuất hiện của Lê Nghi Dân, vì sau đó, vào năm Diên Ninh thứ 6 (1459), Lê Nghi Dân sát hại Vua Lê Nhân Tông để tự mình lên ngôi vua.

Vua Lê Thánh Tông có lẽ không thích yến tiệc nên trong suốt thời gian trị vì của nhà vua, không thấy sử ghi về việc ban yến cho bề tôi. Thậm chí, năm Hồng Đức thứ 14 (1483), trong dòng sử đầu tiên của năm đó ghi: “Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 13, cấm yến tiệc công làm cỗ bàn tiếm lễ!”.

Sang thời Lê trung hưng, vào sáng ngày Chính đán, chúa Trịnh đều dẫn các quan văn - võ vào làm lễ chúc thọ Vua Lê, sau đó, các hoạt động ăn Tết chủ yếu diễn ra ở phủ chúa Trịnh, trong đó, có việc chúa mở yến tiệc đãi các quan. Bên cạnh được hưởng yến, các quan còn được chúa thưởng tiền, với đơn vị “tiền quý” (mỗi quan phải có đủ 600 đồng, trong khi ngoài dân chúng tiêu “tiền gián”, mỗi quan chỉ có 360 đồng). Mức thưởng cho quan Nhất phẩm là 5 quan tiền quý; Nhị phẩm được 4 quan; Tam phẩm được 3 quan; Tứ phẩm được 2 quan; Lục, Thất phẩm được 1 quan rưỡi; Bát, Cửu phẩm và quan văn - võ Phó tri, Thiêm tri, Câu kê được 1 quan...

Ở Đàng Trong, quy định ban yến cho các ban bắt đầu từ thời chúa Nguyễn Ánh, nhưng đầu tiên là ở nghi lễ quan trọng nhất, là sinh nhật chúa. Bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” cho biết, vào năm Tân Hợi, (1791) mùa xuân, tháng Giêng, lấy ngày Thánh đản (ngày 15) làm tiết Vạn Thọ. Trong lễ này, sau lễ cáo Thái miếu, vấn an Quốc mẫu, các quan chúc thọ chúa, có mục “Cho các quan vào Phương điện (điện hình vuông) ăn yến. Từ đấy hằng năm lấy làm lệ thường”.

Lệ ban yến cho bách quan vào ngày Tết Nguyên đán ở triều Nguyễn có lẽ bắt đầu từ đời Vua Minh Mạng. Sử triều Nguyễn ghi lời dụ của vị vua này năm Minh Mạng thứ 7 (1826) về việc ban thưởng cho quan lại nhân Tết Nguyên đán: “Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn Tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn - võ hàm chánh Nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng Nhất phẩm 10 lạng; tòng Tam phẩm 4 lạng; chánh Tứ phẩm 3 lạng... Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội... đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc”.

Lệ ban yến cho các quan duy trì trong các dịp lễ, tết lớn từ đó, gồm tiết Nguyên đán, Vạn Thọ, Đoan dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch), Trung thu (Rằm tháng 8), hay các dịp ngũ tuần đại khánh, lục tuần, thất tuần đại khánh của hoàng thái hậu. Việc ăn yến chỉ đình chỉ khi nhà nước có quốc tang, các hoạt động yến tiệc đều bãi bỏ. Như sau khi Vua Gia Long qua đời, Vua Minh Mạng lên ngôi, năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mạng thứ nhất (1820), sau khi tôn thụy cho Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, nhà vua ban bạc thay ăn yến cho các quan ở kinh và ở ngoài.

Lời chiếu của nhà vua cho trăm quan viết rằng: “Lúc mới lên ngôi vua, tất phải ra ơn cho khắp, yến hưởng bầy tôi, để mừng vua sáng tôi lành, mà tin trên hòa dưới thuận... Phép thường là việc tôn sùng báo đáp, đều đã lần lượt làm xong, nhưng âm nhạc còn lặng, cung kiếm chưa nguội, trẫm còn đau thương, há phải là lúc vua tôi yến tiệc vui mừng! Lễ không thể vượt mà việc lại không thể bỏ. Vậy, cho bạc thay yến theo thứ bậc khác nhau. (Trên Nhất phẩm bạc 20 lạng; chánh Nhất phẩm 15 lạng; tòng Nhất phẩm 10 lạng; chánh Nhị phẩm 8 lạng; tòng Nhị phẩm 6 lạng; chánh Tam phẩm 3 lạng; tòng Tứ phẩm 2 lạng. Quan ở kinh từ Tứ phẩm trở lên, quan ngoài từ Tam phẩm trở lên)”.

Yến tiệc của triều Nguyễn đãi các quan thường được tổ chức ở điện Cần Chánh. Những năm đầu triều Minh Mạng, triều đình còn làm giàn hoa ngoài sân điện để xếp bàn cho các quan ngồi tiệc. Sau đó, nhà vua dụ bảo Bộ Lễ: “Trẫm nghĩ lễ yến hưởng các đế vương đời trước phần nhiều làm ở trên điện. Nay, lòng điện rộng rãi, can gì phải làm rạp cho nhọc nhân công. Từ nay gặp ngày khánh điển thì cho yến ở trên điện là được rồi”.

Chi tiết về việc bố trí chỗ ngồi khi mở yến trong điện Cần Chánh cho ghi trong “Đại Nam thực lục”, năm Minh Mạng thứ 18 (1837), theo lời tâu của Bộ Lễ: “2 nhà giải vũ hai bên tả - hữu điện Cần Chánh, mỗi cái 5 gian đều lát ván tám, trên trải chiếu. Gian chính giữa giải vũ bên tả để sẵn án sơn đỏ để làm nơi đóng ấn quốc bảo, các gian hai bên tả - hữu thì đường quan ngồi. Còn các Lang trung, Khoa đạo, Viên ngoại lang cho chí bọn lại điển đều ngồi ở những tấm ván kê sát đất. Xét ra, ban bậc của triều đình có quan hệ đến sự quan chiêm của mọi người. Lang trung, Viên ngoại, Khoa đạo là quan Tứ, Ngũ phẩm ở Kinh, nay ở nơi công sở lại ngồi chung với lại dịch thì coi không được nhã. Vậy xin các hàng ván lát ở gian chính giữa và hai bên tả nhất, hữu nhất cho đến thềm gạch cao lên để có phân biệt cao thấp với 2 hàng ván lát tả nhị, hữu nhị. Gian chính giữa để án sơn đỏ đóng ấn, còn đâu thì tiếp đến chiếu ngồi của hoàng tử, các tước công. Hai gian tả nhất, hữu nhất thì đường quan các nha ngồi, hai gian tả nhị, hữu nhị thì Lang trung, Viên ngoại, Khoa đạo ngồi. Còn ngoài ra, từ Chủ sự, Tư vụ, Bát, Cửu phẩm thư lại đều trải chiếu ngồi xuống đất”.

Bên cạnh ban yến và bạc thưởng trong các dịp lễ, tết, Vua Minh Mạng còn quy định thưởng thêm cho các quan tơ lụa theo thứ bậc khác nhau. Về thành phần được dự yến trong các dịp lễ, tết, “Đại Nam thực lục” cho biết năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), nhà vua dụ Bộ Lễ rằng: “Lệ cũ định, hằng năm, tiết Nguyên đán, ban yến, ban thưởng, văn võ từ chánh Ngũ phẩm trở lên được dự. Tiết Vạn Thọ, ban yến, văn võ từ tòng Ngũ phẩm trở lên được dự. Tiết Đoan dương, lễ cày tịch điền, ban yến, văn từ thự lang trung, võ từ thự phó vệ úy trở lên được dự. Còn như thuộc viên ở Nội các đều được dự một loạt. Đó là đặc cách ra ơn. Nhưng, nghĩ trong các lễ vui mừng, ăn yến ban thưởng, đều có quan hệ đến điển lễ. Ở triều đình phải quy định theo phẩm trật, nếu chưa đáng dự mà cho dự thì có nên không?

Vậy nay, định lại: Phàm các lễ tiết đều chiếu lệ trước, theo phẩm mà dự. Còn như các thuộc viên ở Nội các, Viện Cơ mật và thự viên Ngoại lang thuộc bộ, khoa đạo, thự hàm thuộc viện Đô sát, đối với lễ tiết nào mà nguyên phẩm chưa đáng dự đều không được dự”.

Sau đó, vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837), đúng vào mùng 1 Tết Nguyên đán, nhân năm đó có khánh lễ của hoàng thái hậu: “Các quan văn võ ở kinh, tự chánh Ngũ phẩm trở lên, cùng ban hằng năm các địa phương đến hội, đều cho ăn yến và thưởng cho có cấp bậc”.

Các quan ở kinh đô trong danh sách được dự yến, nếu phải đi công cán, cũng sẽ có phần bù đắp. Lệnh của vua ban xuống cũng năm 1837 nêu rõ: “Chuẩn cho các quan văn võ ở kinh, văn từ chánh Thất phẩm tư vụ, võ từ chánh Lục phẩm suất đội trở lên, viên nào mà ngày khánh tiết không được dự ăn yến thưởng cho, viên nào do bộ hậu bổ, cùng là đi làm việc công, đi thú mãn về mà còn chưa về đến kinh, đều chiểu theo phẩm cấp cho tiền lương 2 tháng. Người nào về để tang hết hạn nghỉ hoặc bị ốm ở chỗ trú ngụ đều cấp cho tiền lương 1 tháng”.

Theo sách “Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ”, cỗ bàn của triều đình gồm cỗ cúng ở các miếu, điện thờ tổ tiên nhà vua trong những ngày lễ trọng đại như Tết Nguyên đán, các dịp lễ tết khác, cỗ yến đãi các quan hay tiếp sứ thần Trung Hoa và ban yến các cho các vị tân khoa đỗ tiến sĩ do cơ quan Quang Lộc Tự chịu trách nhiệm, sắp xếp, kiểm tra và các sở Lý Thiện, Thượng Thiện trực tiếp nấu nướng. Sách này cho biết, cỗ bàn trong các dịp yến tiệc được chia thành các loại khác nhau. Cỗ hạng lớn gồm 161 phẩm vị, cỗ ngọc soạn có 30 đĩa, cỗ quý có 50 phẩm vị, cỗ điểm tâm có 12 vị. Tuy nhiên, chi tiết các món ăn trong yến tiệc cung đình đến nay không được ghi chép chi tiết.

Mặc dù vậy, từ các món ẩm thực cung đình còn lưu truyền đến ngày nay, có thể biết “cỗ vua” chắc chắn sẽ rất xa hoa, ngon lành và cũng không kém phần... tốn kém.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/co-vua-ban-ngay-tet-i756307/
Zalo