Giữ gìn và làm mới Tết Nguyên đán

Những giá trị truyền thống của Tết Nguyên đán tạo thành nét đẹp riêng, mang bản sắc văn hóa của dân tộc mà không ngày lễ nào trong năm có thể thay thế được. Trong xu thế cuộc sống hiện đại, mỗi người, nhất là giới trẻ có nhiều cách giữ gìn và làm mới tết, tạo nên những điều mới mẻ và một hành trình đón xuân nhiều cảm xúc.

Giữ gìn giá trị truyền thống

Tết không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người, mà thiêng liêng hơn cả đó là ngày đoàn viên của mỗi gia đình. Mỗi khi tết đến, xuân về, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều mong được trở về sum họp với gia đình trong những ngày tết. Giá trị truyền thống tốt đẹp của tết được người trẻ gìn giữ.

Tết là dịp giới trẻ sum họp với gia đình và chúc tết họ hàng.

Tết là dịp giới trẻ sum họp với gia đình và chúc tết họ hàng.

Anh Nguyễn Sỹ Dũng, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội cho biết: “Về quê ăn tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành trình về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Vì vậy suốt thời sinh viên, sau đó đi làm, tôi vẫn háo hức được về Cao Bằng ăn tết với gia đình.
Tết Nguyên đán còn là cơ hội để người trẻ kế thừa, phát triển những đạo lý truyền thống. Người trẻ tích cực cùng các thành viên trong gia đình dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm cúng bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, phần mộ của gia đình và dòng họ…, được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. Ba ngày tết “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” là truyền thống đã tồn tại rất lâu, đó là sự phối hợp đậm đà giữa lối sống hiếu lễ với đạo đức “tôn sư, trọng đạo” của các thế hệ người dân, đồng thời là sự tiếp nối theo đạo lý truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”. Cũng từ lối sống đó, vào những ngày tết, người trẻ giữ gìn tục chúc tết nhà bố mẹ, anh em, họ hàng, thầy cô, hàng xóm. Khi đến nhà, người trẻ chúc gia chủ những điều tốt đẹp nhất về sức khỏe và gia đình gặp nhiều may mắn. Đặc biệt, người Cao Bằng có tục lệ “pây tái”, nghĩa là vào ngày mùng hai, các thành viên trong gia đình đều háo hức đi chúc tết bên nhà ngoại với ý nghĩa báo hiếu cha mẹ và tạ ơn ông bà, tổ tiên - những người đã sinh thành, nuôi dạy vợ của mình được như ngày hôm nay. Tục lệ này vẫn được các gia đình trẻ lưu giữ, tạo thành nét văn hóa đặc trưng của quê hương.

Ngày tết còn là dịp người trẻ lưu giữ nhiều phong tục tốt đẹp khác của dân tộc như: ẩm thực truyền thống, tục lấy nước đầu năm, lễ hội xuống đồng đầu năm, đi chùa cầu may, mặc trang phục truyền thống đi du xuân… Đây là những phong tục dường như đã ăn sâu, bám rễ trong đời sống, thành một thói quen trong văn hóa của người Cao Bằng. Vì vậy, giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa của tết cổ truyền là trách nhiệm của mỗi người, đặc biệt là giới trẻ.

Người trẻ “làm mới” Tết Nguyên đán

Cùng với sự vận động, phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, Tết Nguyên đán cũng có những thay đổi nhất định, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Người trẻ muốn tạo ra những trải nghiệm tết của riêng mình, phù hợp với nhu cầu, sở thích và phong cách sống của từng cá nhân đã mang lại sự đa dạng, mới mẻ trong cách thức đón tết của giới trẻ.

Không còn đơn thuần là một ngày tết với những nghi lễ truyền thống, thay vì tập trung toàn bộ thời gian vào việc sum họp gia đình và thăm hỏi người thân như các thế hệ trước, nhiều bạn trẻ xem tết là dịp để “reset” bản thân, đặt ra những mục tiêu mới cho năm tới; hoặc tết là dịp tổ chức các buổi tụ họp bạn bè, hoặc một số bạn trẻ chọn cách dành thời gian đi du lịch, khám phá những vùng đất mới. Chị Vũ Thùy Dung, phường Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: Ngày đầu năm mới, “thức dậy ở một nơi xa” là cách để bạn tìm cho bản thân những cảm xúc, năng lượng và tinh thần mới sau một năm bận rộn với công việc.

Trong bộn bề của cuộc sống, các bạn trẻ không chỉ nghĩ đến những điều kiện vật chất mà còn nghĩ đến những “món ăn” tinh thần và chụp ảnh ngày tết chính là một “món ăn” đầy thú vị. Chị Lan Anh, phường Duyệt Trung đang thực hiện bộ ảnh tết tại Cafe Mộc, vui vẻ nói: Tôi cùng nhóm bạn lên kế hoạch chụp ảnh đã khá lâu, nhưng đến những ngày chuẩn bị đón năm mới mới có thể thực hiện do trong năm mọi người đều bận rộn với những công việc của riêng mình. Những bức ảnh là cách để tôi lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời của mùa xuân bên bạn bè, báo hiệu một năm mới nhiều niềm vui và may mắn.

Tết trồng cây là hoạt động ý nghĩa được nhiều bạn trẻ lựa chọn khởi đầu năm mới.

Tết trồng cây là hoạt động ý nghĩa được nhiều bạn trẻ lựa chọn khởi đầu năm mới.

Mạng xã hội ngày nay trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ, điều này được phát huy trong mọi khía cạnh của cuộc sống, kể cả trong dịp tết. Mỗi hoạt động dịp tết đều được các bạn trẻ hào hứng chia sẻ đến bạn bè, người thân qua Facebook, Zalo, Instagram. Thay vì chỉ gửi thiệp chúc tết truyền thống, nhiều bạn trẻ chọn cách tạo ra những lời chúc, hình ảnh, video chúc tết sáng tạo và chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này không chỉ giúp họ kết nối với bạn bè, người thân ở xa mà còn tạo ra những nội dung thú vị, lan tỏa không khí tết trên không gian mạng.

Tết cổ truyền cũng là dịp giới trẻ thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội, ý thức về bảo vệ môi trường của giới trẻ được thể hiện rõ trong cách họ đón tết. Nhiều bạn trẻ chọn cách trang trí nhà cửa bằng các vật liệu tái chế, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần trong các bữa tiệc. Xu hướng “lì xì không tiền mặt” ngày càng phổ biến, không chỉ vì tính tiện lợi mà còn vì lý do bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhiều hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường được giới trẻ tổ chức trong dịp tết như: dọn dẹp khu phố, trồng cây xanh, quyên góp cho các tổ chức từ thiện...

Cách đón tết qua mỗi thời có thể thay đổi nhưng chắc chắn giá trị, phong tục tết cổ truyền không hề đổi thay. Hơn hết, cách đón tết của người trẻ đang phản ánh một xu hướng tích cực, tôn trọng đối với truyền thống nhưng không ngại thay đổi để phù hợp với thời đại mới tạo nên không khí đón xuân ấm áp, vui vẻ bên gia đình, bạn bè. Những người trẻ vẫn từng ngày nỗ lực để lưu giữ và “làm mới” giá trị tết cổ truyền theo cách của riêng mình, với một diện mạo mới mẻ hơn, nét đẹp văn hóa truyền thống được nối dài và tiếp tục phát huy trong xã hội hiện đại.

Nguyễn Thị Oanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/giu-gin-va-lam-moi-tet-nguyen-dan-3174943.html
Zalo