Xây dựng, phát triển văn hóa - 'Sức mạnh mềm' hội nhập

Hội tụ 47 dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam sinh sống đã góp phần làm cho văn hóa Lâm Đồng đa dạng, phong phú, nhiều bản sắc. Bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa đó cũng là tiếp tục nuôi dưỡng, bổ sung yếu tố văn hóa nội sinh, tạo ra 'sức mạnh mềm' trong tiến trình hội nhập của tỉnh.

Nhìn lại một thập kỷ qua, việc “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên vùng đất Nam Tây Nguyên sẽ cho ta thấy “bức tranh văn hóa Lâm Đồng” đến thời điểm này.

Trang phục của người đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên không thể thiếu trong các lễ hội

Trang phục của người đồng bào dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên không thể thiếu trong các lễ hội

XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

Sự phát triển toàn diện các giá trị và sức mạnh văn hóa, con người phù hợp xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, định hướng trong suốt quá trình phát triển. Theo đó, quan tâm xây dựng các chuẩn mực văn hóa lãnh đạo trong Đảng, quản lý, công sở, trong giao tiếp, văn hóa kinh doanh cũng như văn hóa gia đình. Nhiều hội thảo khoa học được tổ chức nhằm làm rõ hơn góc độ tiếp cận, xây dựng văn hóa con người Lâm Đồng một cách toàn diện.

“Văn hóa là hồn cốt dân tộc” và “văn hóa còn thì dân tộc còn” đã khái quát đầy đủ vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống con người như ngọn hải đăng “soi đường quốc dân đi” tới tương lai.

Việc xây dựng con người Việt Nam nói chung, con người Lâm Đồng nói riêng đảm bảo hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ và ở hầu hết mọi mặt hoạt động văn hóa, giáo dục trở thành nhân tố bồi đắp giá trị cốt lõi này. Các hoạt động tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn, biểu dương các gương điển hình trong việc thực hiện hiệu quả nội dung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới cũng được Lâm Đồng tổ chức thực hiện.

Bên cạnh các lễ hội dân gian, thực hành nghi lễ truyền thống được phục dựng ở các buôn làng… các hội thi sân khấu hóa, hội nghị sơ, tổng kết các cuộc thi cùng nhiều lễ hội cấp xã, huyện, tỉnh và ngày hội văn hóa thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được duy trì định kỳ, thường xuyên. Lâm Đồng cũng tạo cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật, nhất là những nghệ nhân, văn nghệ sĩ, những người trực tiếp tạo ra các sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có nhiều tác phẩm đạt chất lượng… Hàng năm các tác giả, văn nghệ sĩ của tỉnh xuất bản hơn 50 đầu sách cá nhân, các tuyển tập văn, thơ; công bố, giới thiệu từ 5.000 đến 8.000 tác phẩm văn học; tổ chức và tham gia từ 6 đến 10 trại sáng tác, có từ 3.000 đến 5.000 tác phẩm văn học, nghệ thuật gồm các thể loại mỗi năm được ra đời.

Không gian diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên - di sản thế giới vừa góp phần bảo tồn văn hóa vừa phát huy giá trị trong thu hút khách du lịch tới Lâm Đồng trong những năm qua

Không gian diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên - di sản thế giới vừa góp phần bảo tồn văn hóa vừa phát huy giá trị trong thu hút khách du lịch tới Lâm Đồng trong những năm qua

TẠO LẬP MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA LÀNH MẠNH

Để tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh, Lâm Đồng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trọng tâm là xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh; nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa; tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Hầu hết các địa phương, đơn vị đều xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với các danh hiệu thi đua xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh. Có thể kể ra các danh hiệu đó là “gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”, “xã - phường văn hóa”, “cơ quan, đơn vị văn hóa”... Thông qua đó đã tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, hướng người dân ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, có lối sống văn hóa, quan hệ hòa thuận trong gia đình, kỷ cương của xã hội được đề cao; đồng thời, xây dựng các quy tắc ứng xử qua việc hướng dẫn thực hiện các hương ước, quy ước. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh.

Việc đưa các nội dung giáo dục đạo đức vào trong các hoạt động giáo dục được triển khai thực hiện đồng bộ ở các ngành học, bậc học, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Xây dựng mô hình gia đình kiểu mẫu “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Từ đó ngày càng nhiều gương điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Hiện toàn tỉnh có 91,5% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 95% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 100% xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 88,5% phường, thị trấn đạt “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 98% cơ quan, đơn vị được công nhận “Đạt chuẩn văn hóa”...

Mặt khác, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống nhằm phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức rộng khắp góp phần khôi phục, bảo tồn và duy trì các trò chơi dân gian truyền thống của các dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 84 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó 55 lễ hội đang được duy trì thường xuyên; đồng thời tiến hành phục dựng các lễ hội gồm: Lễ hội Pơthi, lễ hội Nhô Wèr , lễ Bok Chu - bur, các nghi thức cúng lúa rẫy, đưa lúa về kho, lễ sạ lúa, lễ bắt chồng và hình thành các câu lạc bộ đàn hát dân ca của người dân tộc thiểu số.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao và nếu như năm 2014, kinh phí chi cho sự nghiệp văn hóa 42,6 tỷ đồng thì năm 2024 là 68,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao với tổng số vốn trên 1.117 tỷ đồng.

Đặc biệt, TP Đà Lạt, Lâm Đồng được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc, cùng với chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch với quy mô cấp tỉnh, khu vực và cấp quốc gia được tổ chức thường xuyên như Festival Hoa Đà Lạt, Lễ hội Văn hóa cồng chiêng, Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh... đã thu hút đông đảo Nhân dân cả nước, hấp dẫn cả du khách trong khu vực và quốc tế.

Văn hóa truyền thống các dân tộc gốc Tây Nguyên Lâm Đồng luôn được bảo tồn, phát huy

Văn hóa truyền thống các dân tộc gốc Tây Nguyên Lâm Đồng luôn được bảo tồn, phát huy

THAY LỜI KẾT

Kết luận tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đánh giá: "Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 89 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá toàn diện”. Sự toàn diện đó được Quyền Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra đó là: Nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu của xã hội; nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được quan tâm thực hiện. Nhiều tấm gương trong phong trào thi đua yêu nước, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được biểu dương, lan tỏa trong đời sống xã hội.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 - 2024, Lâm Đồng đã bố trí ngân sách đầu tư 13.865 tỷ đồng xây dựng các thiết chế văn hóa. Hiện toàn tỉnh có 137/142 thiết chế văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.321/1367 thôn, tổ dân phố, trong đó 872 thôn và 495 tổ dân phố) có nhà sinh hoạt cộng đồng.

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202501/xay-dung-phat-trien-van-hoa-suc-manh-mem-hoi-nhap-b0b2564/
Zalo