Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tính pháp chế trong quá trình tổ chức thực hiện
Chiều 14.2, thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, hiện nay Quốc hội đang đổi mới công tác lập pháp, tháo gỡ thể chế rất triệt để, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478824/2a3661565318ba46e309.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh
Tạo nền tảng vững chắc để đạt được tăng trưởng hai con số
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Theo các đại biểu, năm 2024, nền kinh tế nước ta tiếp tục khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách, giải pháp điều hành được nâng lên giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là nền tảng, động lực quan trọng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025 để thực hiện các mục tiêu của Đề án. Các đại biểu tin tưởng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478824/ac71cd11ff5f16014f4e.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng, năm 2025 là cột mốc rất quan trọng, đặc biệt đây là năm nước rút, về đích, hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030, hướng tới hoàn thành thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 2021 - 2030, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đại biểu cho rằng, các giải pháp ngắn hạn cần được triển khai khẩn trương. Các bộ, ngành, địa phương cần phát huy sự chủ động, đổi mới sáng tạo, đột phá và quyết tâm cao để triển khai kịp thời, hiệu quả.
![Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478824/e5968bf6b9b850e609a9.jpg)
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh
Trong đó, cần hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung cắt giảm thực chất thủ tục đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị thế giới, chính sách của các nước, tìm kiếm, chủ động kiến tạo và khai thác hiệu quả các cơ hội cho tăng trưởng, phát triển.
Ngoài ra, cần tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa vào khai thác các công trình trọng điểm, mở ra không gian phát triển mới.
![ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478824/ab70dc10ee5e07005e4f.jpg)
ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Về nhiệm vụ dài hạn, để tạo nền tảng cho năm 2025 tăng trưởng 8% và những năm tiếp theo tăng trưởng hai con số, có ý kiến cho rằng, cần tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bứt phá như: hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cùng với đó, Chính phủ cần bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội để chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 một cách linh hoạt, hiệu quả.
Lấy đầu tư công lan tỏa, dẫn dắt đầu tư tư nhân
Theo ĐBQH Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), một trong những động lực tăng trưởng chính của năm 2025 là đầu tư công. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, do vấn đề hiệu suất giảm dần của vốn cũng như dư địa đầu tư công không còn nhiều, đầu tư công sẽ khó duy trì được vai trò động lực chính cho nền kinh tế. Do đó, bài toán đặt ra là phải lấy đầu tư công lan tỏa, dẫn dắt đầu tư tư nhân, qua đó phát triển các doanh nghiệp trong nước.
![ĐBQH Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_592_51478824/5a8f24ef16a1ffffa6b0.jpg)
ĐBQH Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ 12. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu cũng cho rằng, năng lực nội sinh của nền kinh tế, mà đại diện là thành phần kinh tế tư nhân vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, cần tận dụng đầu tư công và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để tạo động lực cho khu vực kinh tế trong nước, khơi thông nguồn lực, xóa bỏ cơ chế “xin - cho", có giải pháp cụ thể để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công.
"Đồng thời, cần có chính sách để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều hơn hàng hóa, dịch vụ trong nước; từ đó nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam", đại biểu Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, hiện nay Quốc hội đang thực hiện tư duy đổi mới trong công tác lập pháp, tháo gỡ thể chế rất triệt để theo chủ trương của Bộ Chính trị và những đề xuất của Chính phủ trong thực hiện hiệu quả cơ chế phân cấp, phân quyền.
Nhất trí với các giải pháp các ĐBQH đề ra, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương và tính pháp chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Với việc tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền rất mạnh mẽ, nếu không tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương thì việc thực thi các cơ chế rất dễ xảy ra vi phạm và có thể gây ra hậu quả, để lại hệ lụy sau này.
"Thời gian tới phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực để không vấp phải các bài học của những vụ đại án gây thất thoát lượng lớn ngân sách nhà nước cũng như liên quan đến cán bộ", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.