Thời cơ vàng để tinh gọn bộ máy
Trong chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những phát biểu, dẫn chứng vô cùng thuyết phục.
![Tổng Bí thư Tô Lâm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_207_51480790/01c0f6c9c4872dd97496.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tổng Bí thư cho biết, trong quá trình nghiên cứu, hiệu quả điều hành của bộ máy nhà nước được đặc biệt quan tâm. Về việc hợp nhất một số Bộ, ngành, Tổng Bí thư nói rõ, trên thế giới chỉ còn Việt Nam duy trì một số cơ quan được đánh giá không phù hợp mô hình trong bối cảnh mới. Thực tế có những chồng chéo khi một số cơ quan cùng được giao nhiệm vụ nghiên cứu và hoạch định đường lối, chính sách kinh tế; tổng hợp các vấn đề kinh tế, xã hội. "Hiện thu - chi nước ngoài do một Bộ quản lý, còn nội địa thì một Bộ khác quản lý. Sao lại có chuyện vô lý như thế mà không điều chỉnh", Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Tổng Bí thư đưa ra một dẫn chứng khác, là câu chuyện một huyện tại Hà Nội thu ngân sách một năm gần 30.000 tỷ đồng, bằng một số tỉnh cộng lại. Ví dụ này cho thấy cấp huyện không thể có đất đai, tiềm năng, tài nguyên như một tỉnh; nhưng có thể vẫn khuyến khích được sản xuất kinh doanh để có nguồn thu lớn. Vì vậy, cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong cơ chế quản lý, điều hành để các địa phương phát huy được tiềm năng, lợi thế của mình. Cần trao cho lãnh đạo tỉnh, thành quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời hệ thống luật, quy định cần rà soát, sửa đổi, bổ sung để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư. Có như vậy các tỉnh, thành mới có thể phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Tổng Bí thư cho biết thêm, trước khi quyết định việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước, một số ý kiến cho rằng nên để việc này sau Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới để tránh những va chạm, tâm tư. Nhưng Tổng Bí thư khẳng định: "Tôi bảo để sau Đại hội thì càng không làm được. Vừa Đại hội xong, vừa bầu, vừa biểu quyết thì ai làm khác được, rất khó khăn. Vì vậy, đây là thời cơ vàng của chúng ta. Làm xong thì bước vào Đại hội mới tính toán được".
Những dẫn chứng Tổng Bí thư đưa ra như nêu trên được dư luận cả nước đánh giá là rất thiết thực, thuyết phục cả về mặt lý luận và thực tiễn. Tinh gọn bộ máy nhà nước đã bước vào giai đoạn nước rút, nên chúng ta càng phải quyết tâm đồng lòng, đồng sức hơn nữa, gạt bỏ một số trở ngại, vướng mắc, tâm tư. Tất cả nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và từng cán bộ, đưa đất nước ngày càng phát triển và người dân được thụ hưởng những thành quả phát triển ấy.