Sản phụ ngừng tuần hoàn hơn 30 phút trên bàn sinh mổ

Sản phụ ngừng tuần hoàn hơn 30 phút ngay trên bàn sinh mổ, tỉ lệ sống sót và hồi phục gần như bằng không.

Ngày 14-2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) cho biết đã cứu sống một sản phụ ngừng tuần hoàn hơn 30 phút với 4 lần sốc điện phá rung.

Bệnh nhân là chị LTK (34 tuổi, ngụ Thanh Hóa) mang thai lần 3, thai 38 tuần, được chẩn đoán trước mổ là bị rau (nhau) tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược trên nền tăng huyết áp thai kỳ.

Trước đó, chị N đã đẻ thường 1 lần, mổ lấy thai 1 lần và cũng có tăng huyết áp thai kỳ.

Khi vào phòng mổ lấy thai, chị N được gây mê nội khí quản, kiểm soát hô hấp và huyết động chặt chẽ, đặt đường truyền lớn đề phòng các nguy cơ.

Sau đó, chị N bất ngờ rơi vào cơn nguy kịch do tắc mạch ối - biến chứng sản khoa cực kỳ nguy hiểm, không có dấu hiệu báo trước. Biến chứng này tỉ lệ mắc rất thấp từ 1-12/100.000 ca sinh nhưng nguy cơ tử vong rất cao.

Bé trai nặng 4,3kg chào đời an toàn. Nhưng chỉ vài giây sau khi lấy thai, sản phụ bất ngờ tím tái, SpO₂ giảm nhanh. Dù được phát hiện và xử trí tích cực ngay nhưng tình trạng diễn biến cấp tính, sản phụ ngừng tuần hoàn nhanh chóng.

Ngay lập tức, bệnh viện kích hoạt báo động đỏ huy động toàn bộ nhân lực cấp cứu và các chuyên gia hàng đầu.

 Sản phụ ngừng tuần hoàn hơn 30 phút sau khi được mổ lấy thai. Ảnh: BVCC

Sản phụ ngừng tuần hoàn hơn 30 phút sau khi được mổ lấy thai. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Bạch Minh Thu, Phụ trách khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, một trong những người trực tiếp tham gia cấp cứu, cho biết bệnh nhân N đã được cấp cứu ngừng tim trong hơn 30 phút với 4 lần sốc điện phá rung.

"Tôi đã công tác gần 30 năm nhưng đây là một trong những ca cấp cứu ngừng tuần hoàn dài nhất mà tôi từng chứng kiến. Tỉ lệ bệnh nhân có thể sống sót và hồi phục gần như bằng không", bác sĩ Thu nói.

Ê-kip cấp cứu đã thực hiện ép tim ngoài lồng ngực liên tục, thông khí kiểm soát với xy 100%, sử dụng vận mạch trợ tim, truyền các chế phẩm máu khẩn cấp.

Sau hơn 30 phút, kỳ tích đã xảy ra. Bệnh nhân có tái lập tuần hoàn tự nhiên, tim bắt đầu đập có hiệu quả, huyết áp dần ổn định.

Sau khi qua cơn nguy kịch, sản phụ tiếp tục được điều trị tích cực, dùng các thuốc vận mạch - trợ tim liều cao, toan chuyển hóa nặng, rối loạn đông máu khó kiểm soát. Sản phụ cũng bắt đầu có dấu hiệu suy giảm chức năng các tạng sau ngừng tim.

Sau một thời gian điều trị tích cực, sản phụ dần tỉnh lại, tri giác tốt dần, các rối loạn được kiểm soát và được dừng an thần, dừng vận mạch, cai thở máy.

Sau khi toàn trạng bệnh nhân ổn định, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Việt Đức đánh giá mức độ tổn thương và chức năng của các tạng từ thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, gan mật, thận tiết niệu và các cơ quan chức năng khác.

Sau khi đã đủ điều kiện, bệnh nhân được cai thở máy và rút ống nội khí quản.

Chia sẻ về ca bệnh hi hữu này, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, khẳng định đây không chỉ là một kỳ tích y khoa mà còn là minh chứng rõ nét cho sự chuyên nghiệp, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện.

"Tắc mạch ối là biến chứng hiếm gặp, tỉ lệ tử vong lên tới 85% tùy từng trường hợp, diễn biến đột ngột, không có dấu hiệu báo trước", bác sĩ Ánh cho hay.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/san-phu-ngung-tuan-hoan-hon-30-phut-tren-ban-sinh-mo-post834305.html
Zalo