Nuôi dạy con nhẹ nhàng - thách thức của các bậc cha mẹ
Nuôi dạy con nhẹ nhàng được xem là một phương pháp hữu ích để nuôi dạy nên những đứa trẻ hạnh phúc, độc lập và tự tin. Thế nhưng, để theo đuổi phương pháp này, các bậc cha mẹ gặp không ít thách thức.
![Kỷ luật và yêu thương sẽ tạo nên nền tảng vững chắc giúp trẻ hạnh phúc hơn. Ảnh minh họa: CTV](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_445_51487424/4d402f4f1c01f55fac10.jpg)
Kỷ luật và yêu thương sẽ tạo nên nền tảng vững chắc giúp trẻ hạnh phúc hơn. Ảnh minh họa: CTV
Khi “thương cho roi, cho vọt” không còn phù hợp
Theo các chuyên gia về trẻ em, ngày nay việc sử dụng đòn roi dạy con không còn phù hợp vì sự hiểu biết của trẻ về bảo vệ thân thể ngày càng đầy đủ; cảm xúc của trẻ nhạy cảm hơn so với các thế hệ trước.
Chia sẻ về sự khác biệt trong đời sống gia đình trước đây và hiện tại, ông Võ Văn Sơn (TP Tuy Hòa) cho biết: “Tôi thuộc thế hệ 8X đời đầu và nhận thấy rõ rằng, ngày xưa mặc dù các gia đình đông con, vật chất có thể thiếu thốn nhưng đa phần ông bà, cha mẹ làm nông hoặc lao động tự do nên thường có mặt ở nhà. Trẻ lớn lên cùng cha mẹ, được gia đình liên tục kèm cặp và dạy dỗ nên quen nếp. Dù thỉnh thoảng nghịch dại, bị đánh nhưng trẻ vẫn cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ. Trong khi đó ngày nay, vì cuộc sống bận rộn, cha mẹ không có nhiều thời gian cho con, việc bộc lộ yêu thương cũng hạn chế hơn nên trẻ ít cảm nhận được tình cảm cha mẹ dành cho mình, dẫn đến khi bị đánh mắng, trẻ rất dễ tổn thương”.
Trước thực tế đó, các phương pháp nuôi dạy trẻ theo cách nhẹ nhàng ngày càng được áp dụng rộng rãi trong đời sống. Trong các tài liệu nói về phương pháp này, cuốn sách “Kỷ luật không nước mắt” của GS.TS Tâm thần học người Mỹ Peter L. Stavinoha cùng nhà báo chuyên về mảng nuôi dạy con Sara Au, cung cấp những nguyên tắc cơ bản trong việc nuôi dạy con nhẹ nhàng vừa được First News phát hành bản tiếng Việt được nhiều cha mẹ đón nhận.
Phương pháp giáo dục không nước mắt dựa trên sự tôn trọng, đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái. Thay vì sử dụng hình phạt, quát mắng hay bạo lực, phương pháp này tập trung vào việc hướng dẫn, giải thích và thiết lập ranh giới rõ ràng cho hành vi của trẻ.
Là người chịu khó tìm tòi, học hỏi các phương pháp nuôi dạy con tiến bộ, chị Nguyễn Thị Kim Hân (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Trong quá trình nuôi dạy con, tôi cũng như bao bà mẹ khác nhiều lúc tức giận vì thái độ, hành động và lời nói của con. Thế nhưng, nếu đánh mắng con thì sau đó tôi cảm thấy thất vọng và bất lực. Không muốn điều này xảy ra nên tôi tham khảo nhiều sách báo và cuối cùng chọn áp dụng phương pháp rèn kỷ luật cho con. Tất nhiên, tất cả hoạt động, tôi đều giải thích lý do vì sao phải làm; hướng dẫn cách làm cho tới khi các con hiểu và biết làm; cuối cùng là trao đổi về hình thức kỷ luật khi con làm sai. Con sai sẽ được nhắc nhở, cảnh cáo và sau đó nếu tiếp tục phạm lỗi sẽ phải chịu phạt”.
Căng thẳng khi theo đuổi cách nuôi dạy con nhẹ nhàng
Để nuôi dạy con nhẹ nhàng, các chuyên gia cho rằng cần dựa trên bốn nguyên tắc: Đồng cảm, hiểu biết, tôn trọng và thiết lập ranh giới. Trong đó, nhẹ nhàng không có nghĩa là dễ dãi mà phải có ranh giới rõ ràng, nói không khi cần và giữ kỷ luật với con mình đến cùng. Cách nuôi dạy con nhẹ nhàng đòi hỏi cha mẹ phải thiết lập và giữ kỷ luật trong một quá trình lâu dài, nghiêm ngặt nên đôi lúc khiến nhiều người mệt mỏi.
Chị Nguyễn Thị Đào (TP Tuy Hòa) mong muốn nuôi dạy con cái theo cách nhẹ nhàng hơn nhằm bù đắp lại cách nuôi dạy khắc nghiệt mà cha mẹ chị đã sử dụng khi chị còn nhỏ. Dù vậy, chính chị cũng khẳng định bản thân gặp không ít khó khăn khi sử dụng phương pháp này. “Tôi cố gắng khép mình vào kỷ luật để nêu gương, cũng cố gắng chia sẻ, nắm bắt cảm xúc của con. Thế nhưng, việc liên tục phải vừa nghiêm khắc, vừa phải kiên nhẫn giải thích lúc con “làm mình làm mẩy” nhiều lúc khiến tôi căng thẳng”, chị Đào cho biết.
Chị Đinh Thị Sim (TX Đông Hòa) đã áp dụng phương pháp này với đứa con trai đầu. Kết quả, đúng là đứa trẻ hạnh phúc, độc lập và tự tin thật nhưng đôi khi con cũng rất cứng đầu và có phần hơi yếu đuối. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng vì quen được đối xử nhẹ nhàng nên những điều con không muốn làm, những thức ăn tốt cho sức khỏe nếu con không muốn ăn, con sẽ tuyệt đối không hợp tác dù ba mẹ có giải thích. Nghiêm trọng hơn, chỉ cần ba mẹ to tiếng, con sẽ khóc. Chị Sim cho biết, vẫn ủng hộ phương pháp này trong nuôi dạy con nhưng chỉ áp dụng trong giới hạn hợp lý.
“Tôi chọn lọc những gì phù hợp, thay vì cố gắng áp dụng toàn bộ. Tôi nhận ra, việc nuôi dạy con không đồng nghĩa với việc để trẻ quyết định mọi thứ và ba mẹ chỉ nhẹ nhàng với con khi con cũng nhẹ nhàng với mình”, chị Sim nói.
Việc thực hành kỷ luật tích cực để dạy con nhẹ nhàng cần rất nhiều thời gian cũng như kiến thức về sự phát triển thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ. Thế nên, trong quá trình nuôi dạy con, nếu quá mệt mỏi, cha mẹ nên tạm dừng để nghỉ ngơi và xem xét lại. Nếu cảm thấy cách mình đang áp dụng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, cha mẹ có thể uyển chuyển tiếp cận một số phương pháp khác hoặc kết hợp nhiều phương pháp cho phù hợp với môi trường sống, cá tính của trẻ, nền nếp của gia đình.