Có mấy loại vắc xin phòng cúm, giá như thế nào?
Tiêm phòng là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ trước virus cúm. Hiện ở Việt Nam có những loại vaccine phòng cúm nào?
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, cúm là bệnh lý nằm trong nhóm 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở mọi đối tượng. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm cúm mùa cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người trên thế giới, với khoảng 10 triệu ca nhập viện.
Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, bởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi vắc xin cúm đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua.

Ảnh minh họa/Nguồn: Getty
Theo đó, việc chủng ngừa cúm hằng năm mang đến những lợi ích như biện pháp ngăn ngừa bệnh cúm hiệu quả; vắc xin cúm là “chìa khóa” phòng ngừa quan trọng cho những đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là người mắc bệnh mãn tính; chủng ngừa cúm cho bà bầu mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả người mẹ và thai nhi.
Ngoài ra, vắc xin cúm cho mẹ bầu là dạng vắc xin liều đơn, điều chế từ virus bất hoạt, vì vậy vắc xin an toàn cho cả mẹ và bé trong bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ. Lợi ích cuối cùng tiêm phòng cúm không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân, mà còn cho gia đình và cộng đồng, giúp tránh tình trạng quá tải lên hệ thống y tế.
Những ai nên tiêm phòng vắc xin cúm?
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo, ai cũng có thể mắc cúm mùa, không phân biệt độ tuổi, giới tính… đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nhất, được khuyến khích cần tiêm phòng cúm mùa càng sớm càng tốt gồm:
- Người trên 65 tuổi.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai.
- Trẻ em, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi.
- Người có các bệnh lý mãn tính: Hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, ung thư,…
- Người nhiễm HIV/AIDS.
- Người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.
Lựa chọn vắc xin cúm ra sao?
Hiện Việt Nam có 4 loại vaccine cúm bất hoạt, trong đó ba loại tứ giá gồm Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) và một loại tam giá là Ivacflu-S (Việt Nam). Mỗi loại có nguồn gốc, phạm vi phòng bệnh, đối tượng, lịch tiêm và giá tiền khác nhau.
Theo đó, các loại tứ giá giúp phòng ngừa bốn chủng virus cúm mùa gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata và B/Victoria. Các vaccine này có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi, hai mũi cách nhau một tháng, sau đó tiêm nhắc một mũi hàng năm. Trẻ từ 9 tuổi và người lớn chỉ cần duy trì chủng ngừa một lần mỗi năm.
Còn vaccine cúm tam giá (cúm 3 chủng) Ivacflu-S được sản xuất theo công nghệ bất hoạt dạng mảnh. Mũi tiêm có hiệu quả phòng 3 chủng A/H3N2 và A/H1N1, B/Victoria (hoặc B/Yamagata) tùy theo từng mùa. Đây là vaccine được sản xuất tại Việt Nam, có chi phí thấp hơn loại tứ giá. Loại này không sử dụng cho trẻ em, chỉ dùng cho người lớn từ 18 tuổi đến dưới 60 tuổi, gồm một liều tiêm cơ bản và nhắc lại một mũi hàng năm.
Phụ nữ mang thai có thể tiêm phòng cúm trong thai kỳ, tốt nhất vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Ngoài tiêm vắc xin cúm, trẻ em và người lớn nên tiêm thêm các mũi ngừa phế cầu gồm phế cầu 13 và phế cầu 23 để tránh bội nhiễm khi mắc cúm.
Dù có những điểm khác nhau, 4 loại vắc xin đều an toàn, hiệu quả bảo vệ cao.
Hiện nay, giá vắc xin phòng cúm được niêm yết tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC là 356.000 đồng/liều đối với vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan); 350.000 đồng/liều đối với vắc xin GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc); và 315.000 đồng/liều với vắc xin Ivacflu-S (Việt Nam).

Ảnh minh họa
Thời điểm phù hợp để tiêm phòng cúm
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), virus cúm thường lây lan vào mùa thu và mùa đông, với hoạt động đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 12 đến tháng 2 hằng năm, nên tiêm vắc xin vào mùa thu (trước khi trời trở lạnh) có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm hiệu quả.
Theo các chuyên gia y tế, vắc xin cúm phải mất một khoảng thời gian nhất định (khoảng 2 tuần) cơ thể mới sản sinh kháng thể đầy đủ bảo vệ khỏi cúm mùa và phải khoảng 4 tuần sau khi tiêm vắc xin cúm, cơ thể có thể hình thành kháng thể cao nhất bảo vệ khỏi các chủng vi rút cúm có trong vắc xin. Vì vậy, mỗi người nên cần chủ động tiêm phòng từ sớm, trước khi mùa cúm hoạt động, để đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Trong trường hợp đã bị nhiễm cúm trong mùa này, việc tiêm vắc xin cúm vẫn rất quan trọng vì có thể giúp ngăn ngừa bệnh do các chủng virus cúm khác. Dù đã bị nhiễm một loại virus cúm nhưng vắc xin có thể bảo vệ khỏi các chủng chưa từng mắc trước đây.