Thời điểm tốt nhất để bổ sung sắt
Bổ sung sắt không đúng thời điểm, cơ thể sẽ không hấp thụ đầy đủ khoáng chất này và làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng không mong muốn…
Thực phẩm, thuốc men, các chất bổ sung khác và một số tình trạng sức khỏe nhất định có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt. Do đó, bổ sung sắt đúng cách sẽ giúp cơ thể hấp thụ tối ưu khoáng chất này và giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ như đau dạ dày….
1. Nên uống sắt vào buổi sáng hay tối?
Người dùng có thể tối ưu hóa quá trình hấp thụ sắt bằng cách uống viên sắt bổ sung vào buổi sáng. Trong một nghiên cứu về phụ nữ bị thiếu máu do thiếu sắt, những người tham gia uống viên bổ sung sắt vào buổi sáng hấp thụ khoáng chất tốt hơn những người uống viên bổ sung vào buổi chiều.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khác không tìm thấy sự khác biệt về khả năng hấp thụ giữa việc uống sắt vào buổi sáng hay buổi tối. Đối với một số người, buổi tối có thể là thời điểm thuận tiện nhất để uống viên bổ sung sắt.
Do đó, uống vào lúc nào cũng được, điều quan trọng là phải nhớ dùng đúng liều, uống vào lúc đói và bổ sung axit ascorbic (vitamin C) giúp cải thiện khả năng hấp thụ.
![Bổ sung sắt không đúng thời điểm, cơ thể sẽ không hấp thụ đầy đủ khoáng chất này.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_94_51486730/f624aa9486da6f8436cb.jpg)
Bổ sung sắt không đúng thời điểm, cơ thể sẽ không hấp thụ đầy đủ khoáng chất này.
2. Có nên bổ sung sắt cách ngày không?
Một số nghiên cứu cho thấy uống sắt cách ngày có thể hiệu quả hơn là uống hằng ngày. Việc bổ sung sắt cách ngày làm tăng khả năng hấp thụ từ 40% - 50% so với việc bổ sung sắt liên tục.
Việc bổ sung sắt cách ngày có thể ít tác dụng phụ ở đường tiêu hóa (dạ dày) hơn, có thể phù hợp với một số người, đặc biệt là nếu các chất bổ sung sắt gây ra các tác dụng phụ khó chịu. Tuy nhiên, việc bổ sung sắt cách ngày sẽ không phù hợp với những người bị thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng.
Nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn đang được tiến hành, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định liệu phương pháp bổ sung cách ngày có phù hợp với bạn hay không.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt
Loại sắt bổ sung
Có nhiều loại thuốc bổ sung sắt và một số loại có thể được hấp thụ tốt hơn những loại khác. Hầu hết các chất bổ sung sắt là sắt (III) hoặc sắt (II) - muối sắt. Các loại phổ biến bao gồm sắt sulfat, sắt gluconat, sắt citrat và sắt sunfat. Nghiên cứu cho thấy sắt II được hấp thụ tốt hơn sắt III. Điều này có thể là do sắt III phải trải qua quá trình tiêu hóa và hấp thụ lâu hơn sắt II.
Bảng thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm bổ sung sẽ bao gồm loại sắt. Ngoài sắt sulfat và sắt gluconat, các dạng sắt khác trong thực phẩm bổ sung bao gồm sắt fumarate và sắt bisglycinate.
Các loại thực phẩm khi dùng cùng với sắt
Tốt nhất là uống viên sắt khi bụng đói. Tuy nhiên, trường hợp cần uống sắt cùng thức ăn, nên tránh loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ. Các sản phẩm từ sữa và các thực phẩm giàu canxi khác không nên dùng chung với sắt. Canxi được phát hiện làm giảm sự hấp thụ sắt. Điều này có thể là do canxi và sắt cạnh tranh nhau khi được hấp thụ trong ruột.
Phytates và polyphenol - các hợp chất thường có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, rau và cà phê - cũng có thể ngăn chặn quá trình hấp thụ sắt. Do đó, nên tránh dùng thực phẩm bổ sung sắt cùng với thực phẩm có nguồn gốc thực vật này.
Cần lưu ý rằng một số thực phẩm, chẳng hạn như thực phẩm có chứa vitamin C, sẽ tăng cường hấp thụ sắt khi dùng chung. Ăn protein động vật cùng với sắt cũng có thể tăng cường hấp thụ khoáng chất này.
![Sắt có thể tương tác với một số loại thuốc.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_94_51486730/bb72e0c2cc8c25d27c9d.jpg)
Sắt có thể tương tác với một số loại thuốc.
Các chất bổ sung khác
Các loại thực phẩm bổ sung khác dùng cùng lúc với sắt có thể làm thay đổi hiệu quả của thực phẩm bổ sung sắt. Không nên uống viên sắt cùng lúc với các chất bổ sung có chứa canxi hoặc phốt pho. Thuốc kháng axit là một chất bổ sung phổ biến có chứa canxi cũng nên tránh dùng đồng thời.
Canxi và sắt cạnh tranh hấp thụ ở ruột, có khả năng làm giảm sự hấp thụ sắt. Tương tự như vậy, phốt pho liên kết với sắt trong quá trình tiêu hóa, làm giảm sự hấp thụ sắt. Để tránh những tương tác này, nên uống sắt cách xa các loại thực phẩm bổ sung có chứa canxi hoặc phốt pho ít nhất hai giờ.
Tương tác thuốc
Sắt có thể tương tác với một số loại thuốc, có thể làm giảm lượng sắt mà cơ thể hấp thụ. Dưới đây là một số thuốc cần lưu ý:
- Thuốc levodopa (được kê đơn cho bệnh Parkinson).
- Levothyroxin (được kê đơn cho các bệnh về tuyến giáp).
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI - được kê đơn cho bệnh trào ngược axit).
Sắt cũng có thể tương tác với một số loại kháng sinh, bao gồm penicillin, tetracyclin và ciprofloxacin… Những loại thuốc này nên được uống cách nhau ít nhất hai giờ so với thuốc sắt để tránh tương tác. Hãy trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung sắt một cách an toàn khi sử dụng loại thuốc này hoặc các loại thuốc khác.
Độ pH của dạ dày
Sắt cần được hấp thụ trong môi trường có tính axit. Dạ dày có tính axit tự nhiên, cho phép sắt được tiêu hóa và hấp thụ đúng cách. Tuy nhiên, một số loại thuốc và các yếu tố khác có thể khiến dạ dày trở nên ít axit hơn. Nếu độ pH của dạ dày trở nên quá cao, cơ thể có thể không hấp thụ được sắt đúng cách.
Thuốc ức chế bơm proton (prevacid, prilosec…) là một loại thuốc làm tăng độ pH của dạ dày, khiến dạ dày trở nên ít axit hơn. Do đó, tránh dùng sắt đồng thời với PPI là điều cần thiết để tránh tình trạng hấp thụ sắt kém.
Trong khi đó, vitamin C có thể hỗ trợ hấp thụ sắt bằng cách tăng độ axit của dạ dày. Tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống giàu vitamin C cùng với chất bổ sung sắt đã được chứng minh là làm tăng hấp thụ sắt.
Tình trạng sức khỏe cụ thể
Những người có tình trạng sức khỏe cụ thể có thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ đủ sắt từ thực phẩm hoặc thực phẩm bổ sung. Những tình trạng sức khỏe này bao gồm:
- Bệnh Celiac
- Viêm tụy mạn tính
- Bệnh Crohn
- Xơ nang
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori ) gây loét dạ dày
- Một số ca phẫu thuật, chẳng hạn như cắt bỏ ruột, cũng có thể dẫn đến tình trạng hấp thụ sắt kém...
4. Tác dụng phụ tiềm ẩn khi bổ sung sắt
Một số người có thể gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc bổ sung sắt. Các tác dụng phụ có thể bao gồm: Phân màu đen, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, răng bị ố vàng, nôn mửa…
Nếu dùng quá nhiều sắt, có thể gặp thêm các tác dụng phụ như đau dạ dày, loét, viêm dạ dày và thiếu kẽm… Để giảm nguy cơ tác dụng phụ, chỉ sử dụng thuốc bổ sung sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ và không bao giờ dùng quá liều.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Những vấn đề sức khỏe khi bị thiếu máu do thiếu sắt.