Quốc hội thảo luận tổ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và một số cơ chế, chính sách đặc thù

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14/2, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh thảo luận tại Tổ số 5 gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang và Lào Cai. Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc điều hành phiên thảo luận.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 5 chiều 14/2. Ảnh: PV

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong chủ trì phiên thảo luận tại Tổ 5 chiều 14/2. Ảnh: PV

Thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ.

Việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Tuy nhiên, ĐBQH cũng đề nghị tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của đề án; có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đưa ra quan điểm về tăng trưởng kinh tế, đại biểu Đặng Xuân Phong, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên có thể đạt được gắn với bảo đảm thu nhập bình quân của người dân, kiểm soát lạm phát và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Mặt khác, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách Nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Ngoài các giải pháp Chính phủ đề xuất, đại biểu Đặng Xuân Phong đề xuất cần có thêm giải pháp đột phá để tận dụng nguồn lực tài chính của nhân dân vào đầu tư cho các dự án lớn như xây dựng các tuyến đường sắt cũng như thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, chi tiêu trong nước…

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh thảo luận tại tổ chiều 14/2. Ảnh: PV

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh thảo luận tại tổ chiều 14/2. Ảnh: PV

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh đề nghị cần tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ các dự án, công trình do lỗi chủ quan của doanh nghiệp để treo nhiều năm không thực hiện, thu hồi lại bàn giao cho các nhà đầu tư khác có tiềm năng.

Bên cạnh đó, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính; có các chính sách, nhất là chính sách liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ chiều 14/2. Ảnh: PV

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận tại tổ chiều 14/2. Ảnh: PV

Nhất trí cao với các nhiệm vụ, giải pháp đề án và tờ trình của Chính phủ nêu, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cần có giải pháp để hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2025 và những năm tới. Có chính sách tài khóa và tiền tệ tổng thể để có những gói kích cầu sức mua, tiêu dùng, du lịch và sản xuất, kinh doanh.

“Tại nhiệm vụ, giải pháp thứ 4, đề cập tới xây dựng chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa” là cần thiết, tuy nhiên, chỉ có chính sách về thuế và tín dụng vẫn chưa đủ mà cần xây dựng chính sách về tài khóa và tiền tệ cùng với các gói kích cầu để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa và sản xuất, kinh doanh”, đại biểu Trần Văn Tiến nêu.

Góp ý kiến vào chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, một số ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần xem xét dừng hoạt động của tuyến đường sắt cũ; tính toán kỹ việc bố trí ga đường sắt, lựa chọn công nghệ và phương án thiết kế phù hợp. Đồng thời điều chỉnh chức năng các tuyến ga đặt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung tỉnh Vĩnh Phúc đã được phê duyệt…

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123802//quoc-hoi-thao-luan-to-ve-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-nam-2025-va-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-thu
Zalo