Đại biểu đề nghị cân nhắc chính sách thuế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng nhưng thu nhập không tăng, có thể ảnh hưởng tới tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng cần có hỗ trợ những người thôi việc ở khu vực công, cần cân nhắc về việc chính sách thuế khi đang có xu hướng điều chỉnh tăng nhiều hơn là giảm thuế.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trong bối cảnh chính sách mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đang có tác động rất lớn đến thương mại thế giới, trong đó Việt Nam không phải ngoại lệ. Đại biểu cho rằng để đạt được mục tiêu 8%, cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, yếu tố tiêu dùng nội địa hiện vẫn đang khó khăn.
Phân tích thực trạng này, đại biểu cũng cho biết, một trong những lý do là việc sắp xếp bộ máy nhân sự công sở đang tiến hành có thể làm cho nhiều người bị ảnh hưởng về việc làm, từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng. Trong khi đó, để thúc đẩy tăng trưởng cần đưa tiền vào nền kinh tế nhiều hơn, giá cả hàng hóa tăng lên nhưng thu nhập không tăng, có thể ảnh hưởng tiêu dùng.
![Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_579_51481602/8c16aff79cb975e72ca8.jpg)
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ).
Do đó, đại biểu cho rằng cần có hỗ trợ những người thôi việc ở khu vực công, cần cân nhắc về việc chính sách thuế khi đang có xu hướng điều chỉnh tăng nhiều hơn là giảm thuế, đặc biệt là những người bán hàng online, bán hàng xuất khẩu... Đồng thời, cần có giải pháp lớn mạnh hơn khơi thông thị trường bất động sản giúp người dân tiếp cận được dự án nhà giá rẻ, bình dân, địa phương cũng tăng thu nhiều hơn.
Góp ý về động lực tăng trưởng, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung thêm động lực sản xuất, kinh doanh và chế biến vì đây là các lĩnh vực sẽ tạo ra sản phẩm cho xã hội góp phần quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Đề án đã chỉ ra 6 nhiệm vụ giải pháp. Về cơ bản, đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp như Đề án và Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần có giải pháp để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trong năm 2025 và những năm tới.
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thứ 4 về “Xây dựng chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa”, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng điều này là cần thiết nhưng chỉ có chính sách về thuế và tín dụng vẫn chưa đủ mà cần xây dựng chính sách về tài khóa, tiền tệ cùng với các gói kích cầu để hỗ trợ sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa và sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), để đạt được mục tiêu trưởng đạt 8% trở lên thì việc huy động tối đa nguồn lực tài chính trong nhân dân phải chú trọng đến tăng lãi suất ngân hàng, mua trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, giải pháp trên sẽ kéo theo tăng lãi suất khi cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng Chính phủ phải linh động tìm các giải pháp hợp lý và hiệu quả để vừa huy động nguồn tiền từ trong nhân dân nhưng vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.