Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Nghị quyết ban hành phải được thực hiện ngay

'Chúng ta ra Nghị quyết này là để thực hiện ngay. Các nội dung về cơ chế chính sách phải thật sự vượt trội, bứt phá, đột phá, phát huy được tác dụng ngay, khơi thông nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế năm 2025', Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 15.2 của Quốc hội.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Hậu Giang, các đại biểu đều cơ bản đồng tình với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tách bạch cơ chế, chính sách cho tư nhân

Các đại biểu đánh giá cao các chính sách được đề xuất như: quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ; quy định về viên chức, viên chức quản lý tham gia các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ; quy định về nguyên tắc áp dụng khoán chi, nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học, công nghệ; quy định về thành lập các quỹ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy định về ưu đãi thuế, phát triển khoa học công nghệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ, và các nội dung liên quan đến chuyển đổi số quốc gia…

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Bộ Khoa học, Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã hết sức khẩn trương, tích cực để chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. "Chỉ trong chưa đầy 2 tuần đã có sản phẩm trình Quốc hội. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng làm căn cứ để Chính phủ có hướng dẫn cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cho biết, nếu chờ sửa đổi các luật để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thì rất lâu, không kịp nên cần thiết phải thể hiện bằng Nghị quyết này của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Nghị quyết này phải ngắn gọn, tập trung, trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ.

Dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 18 trang, hiện đã rút xuống còn 11 trang. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, có những điểm chung chung còn phải lược bớt, những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ cũng không đưa vào Nghị quyết để khi Quốc hội ban hành là thực hiện ngay. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo để thực hiện cho hiệu quả. "Các vấn đề đưa trong Nghị quyết phải là những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh phải sửa đổi ngay để triển khai", Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 15.2. Ảnh: Lâm Hiển

Nhắc lại quan điểm tới đây phải tiếp tục có cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc để kinh tế tư nhân phát triển, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, vừa qua hầu như là tư nhân đi đầu đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Đơn cử như Giải thưởng của Vingroup đầu tư rất lớn, quy tụ các nhà khoa học tầm cỡ thế giới.

"Do đó, phải có các chính sách để khuyến khích, động viên các nhà khoa học trong nước, ngoài nước có những sáng kiến, sáng tạo, sáng chế cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của đất nước chúng ta phát triển. Làm sao khi Nghị quyết ra đời là triển khai ngay những chính sách thực sự hết sức cấp bách. Muốn tăng trưởng 8% năm nay thì cũng phải dựa vào lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030 cũng phải dựa vào các yếu tố này, đây là nền tảng quan trọng", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh quan điểm của Đảng xác định giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đầu tư cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.

"Chúng ta phải có những chính sách hết sức chi tiết, cụ thể để hướng dẫn cho bộ, ngành và địa phương. Tới đây, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật khác liên quan được sửa đổi, ban hành trong năm 2025. Khi các luật này có hiệu lực thi hành thì Nghị quyết thí điểm này là không còn hiệu lực nữa. Do vậy, chúng ta ra Nghị quyết này là để thực hiện ngay. Các nội dung về cơ chế chính sách phải thật sự vượt trội, bứt phá, đột phá, phát huy được tác dụng ngay, khơi thông nguồn lực, có sức lan tỏa, góp phần kịp thời vào tăng trưởng kinh tế năm 2025. Các chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ, chưa có luật điều chỉnh hoặc cần quy định khác với luật hiện hành", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự thảo Nghị quyết mới chủ yếu tập trung vào hoạt động khoa học và công nghệ, chưa rõ "bóng dáng" của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong khi hai "mảng" này đang là nóng nhất; đồng thời đề nghị, cần phân định rõ chính sách nào là cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, chính sách nào cho lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chính sách nào cho chuyển đổi số.

 Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

"Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia mà nội dung chính sách lại chỉ "nhắm" vào lĩnh vực khoa học, công nghệ thôi là chưa được", Chủ tịch Quốc hội nói.

Về đầu tư kinh phí của Nhà nước cho đơn vị công lập, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải rõ. Cơ chế đầu tư cho tư nhân trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong Nghị quyết cũng cần được tách bạch.

Bổ sung quy trình đánh giá hiệu quả đề tài nghiên cứu để tránh lãng phí

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn), ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đề xuất sửa đổi tên gọi của nghị quyết từ "một số chính sách thí điểm đặc thù" thành "một số chính sách đổi mới, thúc đẩy sự đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" để phù hợp hơn với nội dung giải quyết.

 ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, các chính sách đề xuất trong dự thảo Nghị quyết đều rất đổi mới, đột phá, mang tính cốt lõi như: chính sách về khoán chi trong các hoạt động khoa học công nghệ; chính sách về có cơ chế chấp nhận các rủi ro trong nghiên cứu khoa học… “Đây là những cơ chế phải nói là đột phá trong hoạt động khoa học công nghệ mà từ cấp Trung ương đến cấp địa phương và các nhà khoa học cũng rất mong muốn”, đại biểu nói.

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề nghị làm rõ hơn về quyền quản lý, sử dụng, sở hữu tài sản, trang thiết bị để triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; làm rõ hơn về quyền quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt là vấn đề hạch toán, định giá tài sản; bổ sung quy trình đánh giá hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ nhằm tránh lãng phí.

 ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung nội dung cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để thuê chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào các hoạt động như: xác định danh mục nhiệm vụ khoa học, công nghệ, tư vấn tuyển chọn đề tài để huy động được sự tham gia của các chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm, đặc biệt ở cấp địa phương.

Bổ sung chính sách về cơ chế đổi mới quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ các cấp theo hướng áp dụng phương thức làm việc của các quỹ nghiên cứu độc lập, mời chuyên gia phản biện trực tuyến để đảm bảo tính khách quan. Bổ sung cơ chế kiểm soát, dự đoán và xử lý rủi ro trong quá trình triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm việc xác định thời điểm dừng đề tài khi kết quả không đạt mục tiêu ban đầu.

 ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Lưu Bá Mạc cũngđề nghị tại Điều 6 dự thảo Nghị quyết cần nghiên cứu, cân nhắc bổ sung thêm các cơ chế kiểm soát, dự đoán, rủi ro trong quá trình triển khai đề tài/dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nghĩa là cơ chế để xác định thời điểm dừng, không tiếp tục thực hiện đề tài, tại thời điểm hợp lý, với cơ sở khoa học hợp lý, luận cứ hợp lý, khi biết rằng tiếp tục thực hiện sẽ không đạt được kết quả. Từ đó, hạn chế tối thiểu thiệt hại cho nhà nước.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-nghi-quyet-ban-hanh-phai-duoc-thuc-hien-ngay-post404613.html
Zalo