Đối tác 'giữ' phần lớn tài sản ngắn hạn của Xi măng Quảng Ninh

Khoảng 72,5% tài sản ngắn hạn của Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh đang được 'chiếm dụng vốn' bởi các đối tác, tuy nhiên chi tiết các khoản này không được nêu rõ trong báo cáo tài chính năm 2024.

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận đi lùi

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024 vừa công bố, trong năm Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh (Xi măng Quảng Ninh; UPCoM: QNC) ghi nhận doanh thu tăng hơn 1.616 tỷ đồng, tăng khoảng 178 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong kỳ giá vốn của QNC tăng cao hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp còn 179 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận gộp cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, các chi phí như chi phí quản lý ghi nhận 81 tỷ đồng, tăng gần 50%, cùng với sự thiếu hụt từ khoản lợi nhuận khác so với cùng kỳ năm trước khiến cho lợi nhuận sau thuế năm 2024 của QNC chỉ ghi nhận hơn 40 tỷ đồng, giảm hơn 51% so với cùng kỳ.

Một cơ sở sản xuất xi măng của QNC. (Ảnh: Uongbi.gov.vn)

Một cơ sở sản xuất xi măng của QNC. (Ảnh: Uongbi.gov.vn)

Theo lý giải từ QNC, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận trong năm của đơn vị sụt giảm do sự gia tăng của các chi phí đầu vào như: than, quặng sắt, phụ gia, nhiên liệu... khiến giá vốn tăng cao trong khi đơn vị đầu tư cải tiến công nghệ và dây truyền sản xuất.

Đồng thời, Xi măng Quảng Ninh cũng dự báo khó khăn của ngành sản xuất xi măng khi cung vượt xa cầu. Cụ thể, theo thống kế thì trong năm 2024, cả nước sản xuất khoảng 120 triệu tấn xi măng, tuy nhiên nhu cầu chỉ khoảng 70 triệu tấn, dư thừa 50 triệu tấn, điều này gây nhiều áp lực cho các đơn sản xuất xi măng thời gian tới.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, ngoài sản xuất xi măng, hiện nay QNC tham gia sản xuất kinh doanh các mặt hàng khác như: bê tông, sản xuất và chế biến than, sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại, du lịch, khách sạn, bất động sản,...

Phần lớn tài sản ngắn hạn "gửi" ở đối tác

Về một số chỉ tiêu tài chính cơ bản, tại ngày 31/12/2024, QNC có tổng tài sản đạt 1.838 tỷ đồng, tăng khoảng 150 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong đó tài sản ngắn hạn 905 tỷ đồng. Các khoản mục lớn như: tài sản cố định hơn 834 tỷ đồng, các khoản phải thu khách hàng khoảng 637 tỷ đổng... Trong đó, đáng chú ý là các khoản mà QNC đang "gửi" tại các đối tác dưới dạng phải thu và trả trước chiếm tới 72,5% tài sản ngắn hạn.

Cụ thể, QNC ghi nhận khoản trả trước cho người bán hơn 367 tỷ đồng, tăng gần 180 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 35% tổng tài sản ngắn hạn của QNC; các khoản phải thu là 290 tỷ đồng, giảm 43 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, đi kèm với hàng trăm tỷ đồng phải thu đối tác, QNC đang phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 36 tỷ đồng.

Nhà máy Xi măng Lam Thạch, thuộc QNC.

Nhà máy Xi măng Lam Thạch, thuộc QNC.

Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên chi tiết các đối tác liên quan các khoản mục phải thu và trả trước khách hàng không được QNC nêu rõ trong báo cáo tài chính năm 2024 mà đơn vị này công bố cho các nhà đầu tư.

Về phần nguồn vốn, tại ngày cuối năm 2024, QNC ghi nhận các khoản nợ phải trả hơn 1.155 tỷ đồng, tăng gần 108 tỷ đồng so với cùng kỳ, và gần gấp đôi vốn chủ sở hữu hơn 683 tỷ đồng.

Trong đó, các khoản nợ ngắn hạn là hơn 1.046 tỷ đồng, với hơn 595 tỷ đồng là các khoản nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn, hơn 328 tỷ đồng các khoản trả đối tác...

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, trước đó, QNC nhiều lần trong tình trạng "báo động" về nguy cơ đảm bảo khả năng thanh toán ngắn hạn. Cụ thể, cuối năm 2019, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC nhấn mạnh việc nợ ngắn hạn của QNC vượt quá tài sản ngắn hạn là 644,2 tỷ đồng. Tương tự các năm 2020, kiếm toán ý kiến nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 510,56 tỷ đồng; năm 2021, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn của Công ty là 364,82 tỷ đồng... Tuy nhiên, chỉ tiêu này được cải thiện trong năm 2023 và 2024, khi ngày 31/12/2024, QNC ghi nhận chỉ tiêu nợ ngắn hạn/tài sản ngắn hạn gần cân bằng ở mức 1.046/905 tỷ đổng.

Đồng thời, tương tự với sự cải thiện về khả năng thanh toán ngắn hạn là sự gia tăng đột biến của chỉ tiêu trả trước cho người bán ngắn hạn trong các năm 2020, 2021 và 2022. Cụ thể, QNC ghi nhận chỉ tiêu trả trước người bán cuối năm 2020 là 60,4 tỷ đồng, năm 2021 là 22,2 tỷ đồng, năm 2022 là 54,2 tỷ đồng... và tăng mạnh lên 367 tỷ đồng cuối năm 2024 như nêu trên.

Trong báo cáo quản trị công ty, ông Tô Ngọc Hoàng nắm giữ hơn 38% cổ phần QNC và giữ chức Tổng Giám đốc công ty. Các cổ đông lớn khác như ông Đỗ Hoàng Phúc, Chủ tịch HĐQT năm 2,88%, Nguyễn Trưởng Giang Phó Tổng Giám đốc năm 2,17%...

QNC tiền thân là doanh nghiệp có vốn nhà nước, tới năm 2016, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ hơn 3,28 triệu cổ phiếu QNC.

Nguyễn Hữu Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doi-tac-giu-phan-lon-tai-san-ngan-han-cua-xi-mang-quang-ninh-20425021311463913.htm
Zalo