Đưa TP.HCM trở thành thành phố điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á

Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho biết đơn vị được UBND TP giao phối hợp với các cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước với sự tập trung cao độ, tích cực nhằm hoàn thiện tốt nhất hồ sơ TP.HCM ứng cử gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.

Dự kiến, ngày 3.3.2025, hồ sơ chính thức được nộp đến UNESCO để TP.HCM trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Nếu được phê duyệt, TP.HCM sẽ là thành phố điện ảnh UCCN (UNESCO Creative Cities Network) đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm điện ảnh sáng tạo của khu vực - Ảnh: Thủy Long

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm điện ảnh sáng tạo của khu vực - Ảnh: Thủy Long

Nếu được công nhận, TP.HCM sẽ trở thành thành phố điện ảnh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á góp mặt trong UCCN, đánh dấu cột mốc quan trọng trên bản đồ điện ảnh thế giới.

TP.HCM sở hữu nhiều lợi thế nổi bật, như môi trường đa văn hóa với 54 dân tộc cùng sinh sống, hệ sinh thái sáng tạo phát triển mạnh mẽ, lượng khách quốc tế đạt 6 triệu lượt vào năm 2024, các danh hiệu du lịch uy tín như “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á” và “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á” do World Travel Awards 2023 bình chọn.

Hiện điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa của TP.HCM. Đến nay, thành phố có 935 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, với hơn 9.000 lao động, doanh thu hằng năm đạt 500 triệu USD, đóng góp 0,43% vào GRDP.

TP.HCM cũng sở hữu hệ thống 52 cụm rạp, 295 phòng chiếu, 10 hệ thống rạp phim lớn và 184 không gian sáng tạo phục vụ nghệ thuật.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh, TP.HCM triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như ưu đãi đầu tư cho các cụm rạp trên 1.000 chỗ ngồi, hỗ trợ lãi suất 0% trong 7 năm với khoản vay lên tới 7,8 triệu USD.

Các doanh nghiệp điện ảnh cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp khi đáp ứng tiêu chí đổi mới sáng tạo.

TP cũng đã kêu gọi đầu tư vào 40 dự án văn hóa, thể thao, trong đó có 5 dự án điện ảnh trọng điểm với tổng giá trị hơn 90 triệu USD.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm điện ảnh sáng tạo của khu vực. TP sẽ tập trung xây dựng hạ tầng làm phim chuyên nghiệp, tổ chức Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) thường niên, mở rộng các chương trình đào tạo chuyên sâu về biên kịch, đạo diễn, quay phim và dựng phim.

Ngoài ra, thành phố còn triển khai các sáng kiến như “Kiến tạo điện ảnh trong học đường” nhằm đưa điện ảnh vào giáo dục, dự án “Sắc màu cuộc sống qua điện ảnh” để tạo điều kiện tiếp cận nghệ thuật cho cộng đồng, đặc biệt là nhóm yếu thế.

Với tầm nhìn dài hạn, TP.HCM sẽ đẩy mạnh chính sách khuyến khích sáng tạo, phát triển hệ sinh thái điện ảnh thông minh ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng thời xây dựng các công viên giải trí mang tính biểu tượng gắn liền với văn hóa sáng tạo.

Bằng những bước đi chiến lược này, TP.HCM kỳ vọng ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7,2% GRDP và tạo thêm nhiều việc làm cho cư dân đô thị trong tương lai.

N.Đ.M - Tường Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dua-tp-hcm-tro-thanh-thanh-pho-dien-anh-dau-tien-cua-viet-nam-va-dong-nam-a-229331.html
Zalo