Ở nơi 'đầu sóng ngọn gió' của bệnh viện
'Trong đợt trực Tết Nguyên đán vừa qua, tua trực của chị Đỗ Mai Mỹ Ngọc là vất vả nhất. Bệnh nhân vào cấp cứu liên tục, có những ca bị tai nạn giao thông rất nghiêm trọng; bác sĩ, điều dưỡng làm việc không nghỉ từ sáng đến đêm. Chị Ngọc theo xe chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên, khi về đến bệnh viện đã gần giao thừa' - bác sĩ chuyên khoa I Ngô Như Định, Trưởng khoa Khám bệnh - cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, mở đầu câu chuyện về công việc của mình và các đồng nghiệp ở nơi 'đầu sóng ngọn gió' của bệnh viện như thế.

Bác sĩ Ngô Như Định, Trưởng khoa Khám bệnh - cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, kiểm tra chức năng tim, phổi cho một bệnh nhi vào viện cấp cứu. Ảnh: H.Dung
Nơi có đủ mọi cung bậc cảm xúc
Điều dưỡng Mỹ Ngọc cho biết, chị làm việc ở khoa đã 8 năm. Hôm 29 Tết vừa qua, trong nhiều ca bệnh cấp cứu, có 2 ca rất nặng. Chị nhớ nhất là trường hợp bé trai 10 tuổi bị té từ trên gác cao xuống. Mẹ bé, một người mẹ đơn thân, đưa con vào cấp cứu trong tình trạng rất lo sợ vì con trai đang lịm đi. Càng lo sợ hơn khi cách đây vài năm, đứa con trai đầu của người mẹ này đã ra đi do tai nạn tương tự.
“Nhận định ca bệnh rất nặng, chúng tôi khẩn trương hồi sức cấp cứu tích cực, thở máy, chống phù não cho bệnh nhi. Kết quả chụp CT cho thấy bé trai bị xuất huyết não nên nhanh chóng chuyển bé vào phòng mổ. Do gia đình bệnh nhi rất khó khăn, mẹ bé kiên quyết không mổ, nhưng được bác sĩ tư vấn “còn nước còn tát”, hãy cố gắng lo cho bé, người mẹ sau đó đồng ý và ca phẫu thuật thành công. Đến nay, sức khỏe bé trai tiến triển tốt và đã được xuất viện” - chị Mỹ Ngọc cho biết.
Người có “thâm niên” nhất ở Khoa Khám bệnh - cấp cứu là điều dưỡng Từ Thị Thu Hồng. Trong 19 năm làm việc ở khoa, chị Hồng đã cùng các đồng nghiệp tiếp nhận hàng chục ngàn ca bệnh với đủ các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Kỷ niệm sâu sắc nhất với chị Hồng là vào một buổi chiều tối, cha của bệnh nhi bế em trên tay chạy xộc vào phòng cấp cứu rồi hốt hoảng, la hét để nhân viên y tế cấp cứu cho bé. Bé gái trong lúc ăn hải sản đã vô tình nuốt phải vỏ sò huyết gây nghẹt đường thở. Lúc vào bệnh viện, bé gái đã tím tái, 2 mắt sưng vù.
“Với chuyên môn được đào tạo bài bản cộng với kinh nghiệm cấp cứu, tôi cùng một đồng nghiệp nữa đã ngay lập tức cấp cứu cho em bé bằng nghiệm pháp Heimlich. Sau 3 lần thực hiện, vỏ sò huyết văng từ họng em bé ra ngoài, bé gái hồng hào trở lại, cả người nhà và nhân viên y tế vui sướng không gì tả nổi” - chị Hồng tâm sự.
Điều dưỡng Đỗ Mai Mỹ Ngọc tâm sự: “Chứng kiến những bệnh nhân khi vào cấp cứu ngưng tim, ngưng thở, tím tái, sau vài giờ hoặc vài ngày, vài tháng được cấp cứu, điều trị khỏi, chúng tôi hạnh phúc vô cùng. Đó chính là động lực để chúng tôi nỗ lực và dù có phải đổ bao nhiêu mồ hôi, phải ăn trưa vào giờ chiều, phải trực gác vào những đêm giao thừa, những ngày lễ, Tết, chúng tôi cũng thấy xứng đáng”.
Khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả
Bác sĩ Ngô Như Định cho biết, toàn khoa hiện có 46 người, gồm 12 bác sĩ cơ hữu và 34 điều dưỡng, hộ lý. Ngoài tiếp nhận cấp cứu cho những bệnh nhân nặng, bệnh nhân từ các tuyến dưới chuyển lên, khoa còn phụ trách khu phòng khám. Bệnh nhân không chỉ ở Đồng Nai, mà cả ở các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu.
So với những khoa khác, nhân viên y tế ở Khoa Cấp cứu gặp nhiều áp lực hơn. Trước hết là do số lượng bệnh nhân cấp cứu đông (từ 100-150 ca/ngày), đến bất chợt, không kể ngày, đêm, lễ, Tết. Hơn nữa, tâm lý của người nhà bệnh nhân thường rất lo lắng, ai cũng muốn con, cháu… mình được cấp cứu trước. Thậm chí, có những người không hiểu quy trình cấp cứu, trong người có hơi men hoặc sốt sắng thái quá nên đôi khi buông lời lẽ không phải…
Thấu hiểu tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, khi tiếp nhận bất kỳ một ca bệnh cấp cứu nào, các y, bác sĩ đều rất khẩn trương, vừa tập trung tìm ra nguyên nhân, nhanh chóng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, vừa phải lựa lời để giải thích, trấn an người nhà bệnh nhân để họ bớt lo lắng.
“Chúng tôi ý thức rõ, với những ca bệnh nặng, cần cấp cứu trong giờ vàng như: sốt co giật, hôn mê, suy hô hấp nặng…, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại những hậu quả, di chứng nặng nề. Vì thế, ai cũng dốc sức để làm tốt nhiệm vụ, cấp cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch mới chuyển đến các khoa khác để điều trị chuyên sâu” - bác sĩ Định cho hay.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Khoa Cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của bệnh viện. Bởi nếu các y, bác sĩ trong khoa làm không tốt, công việc của các khoa chuyên môn sẽ rất nặng nề.
Bởi vậy, các y, bác sĩ ở Khoa Cấp cứu phải có sức khỏe tốt, chuyên môn vững, yêu nghề, phản xạ nghề nghiệp tốt, chịu được áp lực công việc, đặc biệt là khi có dịch bệnh hoặc tai nạn, cấp cứu hàng loạt như dịch sởi, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong năm 2024.
Khi được hỏi có khi nào mong muốn chuyển đến làm việc ở các khoa khác để “khỏe” hơn, nhiều bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ cấp cứu chia sẻ, ở nơi “đầu sóng ngọn gió” tuy phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng chính nơi đây đã “rèn giũa” họ, giúp họ trưởng thành hơn cả về chuyên môn lẫn y đức. Từ đó tự tin tiếp nhận tất cả các ca bệnh, khẩn trương phối hợp nhịp nhàng để xử trí hiệu quả.