Trẻ dị ứng sữa công thức nguy hiểm sao?
Khi cho trẻ ăn uống thực phẩm lạ, hãy cho thử một lượng nhỏ, sau đó quan sát và tăng dần. Nếu trẻ có biểu hiện ban đầu của bệnh, lập tức ngừng tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, đưa đến các cơ sở y tế gần nhất.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, vừa qua các bác sĩ đã cấp cứu cho bé Minh (7 tháng tuổi) trong tình trạng nổi mề đay đỏ toàn thân kèm thở rít, nguy cơ tụt huyết áp. Bác sĩ chẩn đoán bé bị phản vệ độ 2.
Gia đình cho biết, do mẹ thiếu sữa nên cho bé bổ sung sữa công thức bò. Cách đây 4 ngày, sau khi uống khoảng 150ml sữa, bé bị phản vệ nhẹ và được cấp cứu tại một bệnh viện. Khi về nhà gia đình ngưng sữa bò, cho bé thử sữa dê. Tuy nhiên, sau 2 tiếng bé nổi phát ban đỏ toàn thân, sưng phù, thở mệt, tức ngực, chảy nước mũi… được đưa đến cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 ngày 5/2.

Khi trẻ bị phản vệ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu (Ảnh BVĐK Tâm Anh).
BS.CKI Cao Hoàng Thiện, khoa Cấp cứu đánh giá tình trạng tuần hoàn, hô hấp, ý thức và các biểu hiện ở niêm mạc, da, chẩn đoán bé bị phản vệ độ 2 gây co mạch nên khó lấy ven. Bệnh nhi được hỗ trợ thở oxy, tiêm thuốc chống sốc, chống dị ứng. Sau 30 phút cấp cứu, bé giảm sưng phù, mề đay, nhịp thở ổn định. Bác sĩ đánh giá nếu đến trễ hơn, bệnh nhi có nguy cơ tụt huyết áp, ngừng hô hấp, tuần hoàn.
Bệnh nhi được lưu tại phòng khám theo dõi và ra về trong ngày. Bác sĩ tư vấn nên thực hiện xét nghiệm dị nguyên để tìm nguyên nhân gây bệnh, đồng thời ngưng toàn bộ sữa công thức từ đạm động vật, thực phẩm chứa sữa, chỉ bú mẹ và ăn dặm.
Bác sĩ Thiện khuyến cáo, bên cạnh dị ứng đạm sữa, trẻ có thể bị phản vệ do dị ứng thuốc (thường gặp nhất là kháng sinh), thức ăn, nọc côn trùng… Khi cho trẻ ăn uống bất kỳ thực phẩm lạ, hãy cho thử một lượng nhỏ, sau đó quan sát và tăng dần. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện ban đầu của bệnh, ngay lập tức ngừng tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất.
Theo chuyên gia y tế, khoảng 10 đến 30% trẻ trong giai đoạn từ sơ sinh đến 1 tuổi bị dị ứng với sữa bột công thức. Tỷ lệ này giảm dần sau khi trẻ lên 1 tuổi và đến khoảng 3 tuổi, 75% trẻ sẽ không còn dị ứng với sữa. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ sẽ bị dị ứng với sữa suốt đời.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng trẻ dị ứng sữa công thức vẫn chưa được tìm hiểu rõ bởi các nhà khoa học. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu y khoa, dị ứng sữa ở trẻ có thể do di truyền từ cha mẹ. Cụ thể, nếu cha mẹ từng có tiền sử dị ứng sữa bột khi còn nhỏ thì nguy cơ trẻ mắc phải dị ứng tương tự dao động từ 50% đến 80%.
Ngoài yếu tố cơ địa và môi trường sống, biểu hiện của các bệnh dị ứng cũng phụ thuộc vào chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. Dấu hiệu của dị ứng sữa thường bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau và những triệu chứng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu trẻ tiếp tục tiêu thụ loại sữa gây dị ứng.
Theo Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, cứ 100 trẻ thì sẽ có 2-3 trẻ bị dị ứng sữa công thức. Chứng dị ứng này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe. Bởi vậy, việc nắm rõ triệu chứng, cách xử trí, phòng tránh cho trẻ là vô cùng quan trọng.