Sức khỏe người mẹ trong thai kỳ có liên quan đến chứng tự kỷ ở trẻ?
Nhiều bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ cảm thấy tội lỗi vì nghĩ rằng đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của mình trong thời kỳ mang thai. Điều này có chính xác không?
1. Không có mối liên hệ giữa sức khỏe người mẹ trong thời kỳ mang thai và chứng tự kỷ
NỘI DUNG
1. Không có mối liên hệ giữa sức khỏe người mẹ trong thời kỳ mang thai và chứng tự kỷ
2. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trong thời kỳ mang thai rất quan trọng
Mặc dù một số nghiên cứu đã báo cáo về mối liên hệ giữa tình trạng sức khỏe của người mẹ trong thời kỳ mang thai và nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở trẻ nhưng một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Medicinecho thấy hầu hết những "mối liên hệ" này đều có thể được giải thích bằng các yếu tố như di truyền, tiếp xúc với ô nhiễm và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe...
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 1,1 triệu ca mang thai trong số 600.000 bà mẹ được liệt kê trong sổ đăng ký quốc gia tại Đan Mạch.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hồ sơ y tế để kiểm tra từng phụ nữ nhằm tìm ra hơn 1.700 chẩn đoán khác nhau. Sau đó, họ điều chỉnh các yếu tố sức khỏe có thể đưa ra lời giải thích thay thế cho mối liên hệ được cho là giữa sức khỏe của phụ nữ mang thai và chứng tự kỷ của đứa con.

Có thể có những yếu tố khác ngoài bệnh tật của người mẹ ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở trẻ.
Người đứng đầu nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vahe Khachadourian tại Trường Y khoa Grossman thuộc Đại học New York cho biết: "Chúng tôi tin rằng đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét toàn diện toàn bộ tiền sử bệnh lý của người mẹ và khám phá nhiều mối liên hệ có thể có, kiểm soát nhiều tình trạng bệnh lý đồng thời và các yếu tố gây nhiễu" .
Sau khi tính đến các yếu tố gây nhiễu này, nhóm nghiên cứu phát hiện ra 30 chẩn đoán ở các bà mẹ vẫn có liên quan về mặt thống kê với chứng tự kỷ ở trẻ em. Ví dụ bệnh đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ lên 19% và trầm cảm lên 49%. Tuy nhiên sau đó, họ đã so sánh những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ với anh chị em của chúng để kiểm tra xem những vấn đề sức khỏe này ở người mẹ có xảy ra cùng với chứng tự kỷ hay không thay vì là nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ.
Các nhà nghiên cứu lý luận rằng, nếu một người mẹ cùng gặp cùng các vấn đề sức khỏe trong quá trình mang thai những đứa trẻ mắc và không mắc chứng tự kỷ, điều đó cho thấy có những yếu tố khác ngoài bệnh tật của người mẹ đã ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở đứa con của họ.
Theo các nhà nghiên cứu, di truyền liên quan đến chứng trầm cảm có mối liên hệ chặt chẽ với chứng tự kỷ. Một người phụ nữ bị trầm cảm trong thời kỳ mang thai có thể chia sẻ các gene gây ra cả chứng trầm cảm và chứng tự kỷ với đứa con của mình, thay vì chứng trầm cảm bằng cách nào đó ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra chứng tự kỷ.
Sau khi tính đến các yếu tố gia đình như vậy, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, chẩn đoán duy nhất của bà mẹ vẫn liên quan đến chứng tự kỷ là các biến chứng thai kỳ liên quan đến thai nhi. Những chẩn đoán ở thai nhi này có thể không gây ra chứng tự kỷ mà là những dấu hiệu sớm của bệnh.
2. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trong thời kỳ mang thai rất quan trọng
Tự kỷ là một tình trạng phát triển thường được chẩn đoán ở trẻ nhỏ và đặc trưng bởi sự khác biệt trong giao tiếp xã hội và hành vi hạn chế lặp đi lặp lại. Do nguồn gốc phát triển thần kinh sớm và mối liên hệ trong thai kỳ giữa mẹ và thai nhi, nghiên cứu về các yếu tố không di truyền liên quan đến tự kỷ đã tập trung vào các phơi nhiễm trong thời kỳ quanh sinh.
Các nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh mối liên hệ giữa chứng tự kỷ ở trẻ em và một số tình trạng của mẹ trong thời kỳ mang thai bao gồm trầm cảm, đái tháo đường, bệnh hệ thống miễn dịch và nhiễm trùng.
Phân tích về vấn đề này, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, vẫn còn nhiều khoảng trống trong kiến thức, ví dụ phụ nữ mang thai gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe khác, hầu hết trong số đó chưa được nghiên cứu liên quan đến chứng tự kỷ ở con cái và sự đồng thời xảy ra của chúng trong thời kỳ mang thai vẫn chưa được tính đến cho đến nay. Hơn nữa, ngay cả đối với các mối liên hệ đã được xác lập giữa một số chẩn đoán của mẹ và chứng tự kỷ thì việc giải thích nguyên nhân vẫn còn nhiều thách thức.
Nghiên cứu trên đã xác định được mối liên hệ mới giữa chẩn đoán của mẹ và chứng tự kỷ, sao chép nhiều mối liên hệ đã được xác lập trước đó và tìm thấy bằng chứng hỗ trợ vai trò của yếu tố gây nhiễu gia đình trong nhiều mối liên hệ này.

Cha mẹ cần chú ý dấu hiệu trẻ mắc tự kỷ để can thiệp sớm.
Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe bà mẹ trong thời kỳ mang thai và củng cố quan niệm rằng nhiều mối liên hệ quan sát được giữa các yếu tố quanh sinh và sự phát triển thần kinh của con cái có thể không phải là nguyên nhân.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, những phát hiện của họ cần được thử nghiệm trên các nhóm người khác để xác minh sức khỏe của bà mẹ không ảnh hưởng đến nguy cơ mắc chứng tự kỷ. Cần phải xác thực những kết luận này trong các tập dữ liệu bên ngoài và điều tra vai trò của các yếu tố gây nhiễu gia đình khác nhau (bao gồm cả các yếu tố di truyền và không di truyền) trong việc thúc đẩy các mối liên hệ này.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo bà mẹ khi mang thai cần được khám thai đầy đủ theo lịch hẹn để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Nên có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tránh tiếp xúc với các chất độc hại và tiêm phòng đầy đủ. Cần chú ý theo dõi sát sao sự phát triển của trẻ, đặc biệt là về ngôn ngữ, giao tiếp và tương tác xã hội. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn và can thiệp kịp thời. Việc can thiệp sớm có thể giúp trẻ tự kỷ phát triển tốt hơn và hòa nhập cộng đồng.