Cách chăm sóc trẻ bị ho gà và phòng bệnh như thế nào cho đúng?
Với trẻ mắc ho gà ở dạng nhẹ, có biểu hiện như số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường và không tím mặt trong các cơn ho, bố mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Getty images)
Ho gà là truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và dễ dàng gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Ho gà là bệnh có biểu hiện đặc trưng bằng các cơn ho kéo dài, thường dai dẳng từ vài tuần đến vài tháng. Giai đoạn khởi phát thường đi kèm với các dấu hiệu viêm đường hô hấp như sổ mũi, hắt hơi, ho nhẹ hoặc sốt. Sau khoảng 1-2 tuần, cơn ho trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh, bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong nhanh chóng do tình trạng khó thở.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ mũi hoặc họng của người bệnh trong lúc ho hay hắt hơi. Tốc độ lây lan rất nhanh, đặc biệt trong các môi trường kín như nhà ở hay trường học, nơi trẻ nhỏ sinh hoạt gần gũi.
Nguyên nhân trẻ mắc bệnh chủ yếu là do chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine ho gà theo đúng lịch trình. Điều này không chỉ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm mà còn khiến tỷ lệ các ca bệnh nặng và tử vong cao hơn, nhất là ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Điều trị cho bệnh nhi mắc ho gà. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
1. Chăm sóc trẻ bị ho gà
Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến bệnh ho gà, bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, trẻ sẽ được các bác sỹ tiến hành thăm khám kỹ lưỡng, thực hiện các bước chẩn đoán cần thiết và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp để đảm bảo bệnh tình được kiểm soát và chữa trị một cách kịp thời. Việc can thiệp sớm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ.
Đối với trẻ mắc ho gà ở dạng nhẹ, biểu hiện thường gồm số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trẻ vẫn ăn uống bình thường và không tím mặt trong các cơn ho. Trong những trường hợp này, bố mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà.
Khi chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ cần chú ý những điều dưới đây:
- Cần duy trì môi trường sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các tác nhân kích thích như khói thuốc lá, bụi bẩn và hóa chất.
- Cho trẻ thư giãn, giữ yên tĩnh và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích.
- Đối với trẻ còn bú mẹ, tiếp tục duy trì việc cho bú như bình thường. Đối với trẻ đang ăn dặm và trẻ lớn, nên cho trẻ ăn các món lỏng, dễ tiêu, với lượng nhỏ mỗi lần và chia thành nhiều bữa trong ngày.
- Chăm sóc vệ sinh cá nhân cho trẻ, đặc biệt là vùng mũi và miệng. Sau mỗi cơn ho, hãy làm sạch đờm trong miệng trẻ bằng cách dùng khăn mềm thấm nước muối ấm để lau nhẹ nhàng. Bạn cũng có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 9‰.
Đối với trẻ lớn, cần chú ý giúp trẻ vệ sinh răng miệng và hướng dẫn súc miệng bằng nước muối. Đồng thời, cần cách ly trẻ bị bệnh khỏi những trẻ khác để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
- Hãy cho trẻ uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ nếu có.
- Hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay nếu phát hiện trẻ ho kèm theo các dấu hiệu như xuất hiện nhiều cơn ho, mặt đỏ hoặc tím trong lúc ho, mỗi cơn ho kéo dài bất thường; trẻ ăn uống kém, nôn trớ nhiều; ngủ ít hoặc có biểu hiện thở nhanh, khó thở.

Bác sỹ khám cho bệnh nhi hơn 2 tháng tuổi mắc ho gà điều trị tại Trung tâm bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
2. Phòng bệnh ho gà cho trẻ bằng cách nào?
Ho gà là bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết ở niêm mạc mũi họng của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm tăng cao đối với những người sống chung hoặc sinh hoạt trong cùng một không gian như gia đình, trường học. Do đó, bố mẹ cần chú ý thực hiện hiệu quả các biện pháp khác như:
Tiêm vaccine
Tiêm vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, lên tới 90%.
Cách ly người bệnh
Bố mẹ hãy giữ trẻ tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu ho gà. Đặc biệt, những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần hạn chế gần gũi với trẻ nhỏ, nhất là các bé chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Duy trì vệ sinh cá nhân
Việc giáo dục trẻ em về thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước là rất cần thiết, đặc biệt trong các tình huống như trước khi ăn, sau khi ho, hắt hơi hoặc chơi với đồ chơi. Đồng thời, hãy hướng dẫn trẻ sử dụng khăn giấy hoặc khẩu trang để che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
Hạn chế việc đưa trẻ đến nơi đông người
Khi trẻ chưa được tiêm đủ liều vaccine phòng ho gà, nên hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người hoặc các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tăng cường miễn dịch
Chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ, giúp tăng cường khả năng phòng ngừa bệnh ho gà. Đảm bảo cung cấp đầy đủ protein, vitamin và khoáng chất trong thực đơn hàng ngày của trẻ.

(Ảnh: Getty images)
Duy trì độ ẩm thích hợp và thông gió không gian sống
Để tránh tình trạng không khí trong phòng ẩm thấp và ô nhiễm, hãy sử dụng thiết bị hút ẩm và thường xuyên thông gió. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Thăm khám bác sỹ định kỳ
Để theo dõi sức khỏe của trẻ và nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường có thể cảnh báo về một bệnh lý nào đó, qua đó kịp thời áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp./.