Những vấn đề cần giải quyết để 'triệt tiêu' dạy thêm, học thêm

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Thông tư 29 rất nhân văn khi hướng tới một nền giáo dục không dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, muốn giải quyết được 'gốc' của dạy thêm, học thêm cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

 Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh minh họa.

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Ảnh minh họa.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng, Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm vừa được Bộ Giáo dục-Đào tạo (Bộ GD-ĐT) ban hành, ngay từ nguyên tắc đã thể hiện quan điểm đúng đắn đó là dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện; việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và phù hợp với khả năng của mỗi học sinh chứ không phải nhồi nhét thêm kiến thức…

Bên cạnh đó, dạy thêm phải có thời lượng phù hợp tâm lí lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe học sinh. Dạy thêm học thêm để học sinh thích học, biết cách học, có thời gian tự học và học có hiệu quả, tiến bộ so với bản thân.

Ngoài ra, việc quy định ba đối tượng được dạy thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền được Bộ GD-ĐT đưa ra khá nhân văn. Bao gồm: học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu ở môn học nào đó; học sinh được chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh hoặc thi tốt nghiệp theo kế hoạch của nhà trường.

Giáo dục vẫn nặng về thi cử, chạy đua theo điểm số

Đồng tình với những quan điểm được Bộ GD-ĐT đưa ra nhưng theo ông Lâm, các quy định có trong thông tư mới chưa thể giải quyết triệt để vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay.

Lý giải cho quan điểm này, vị chuyên gia cho rằng, nền giáo dục của nước ta lâu nay chưa hướng tới thực chất nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng sáng tạo cho từng học sinh mà vẫn còn nặng về thi cử, điểm số.

Mặc dù chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai với mục tiêu giảm truyền thụ kiến thức một chiều và thay đổi phương pháp giảng dạy, nhưng thực tế cho thấy nhiều trường học, phụ huynh và học sinh vẫn chạy đua theo điểm số, thi cử và các chứng chỉ.

"Theo tôi, để giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan thì điều đầu tiên là phải làm rõ vai trò của nhà trường trong việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ra sao, đã đem lại hiệu quả thật sự chưa", ông Lâm nói.

Vấn đề thứ hai là chất lượng giữa các trường học hiện nay không đồng đều, từ cơ sở vật chất đến chất lượng giảng dạy. Điều này dẫn đến việc phụ huynh có tâm lý sẽ lựa chọn trường tốt cho con, tạo ra áp lực cho học sinh trong việc đạt điểm cao để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh. Từ đó, dẫn đến việc học sinh phải chạy đua đi học thêm.

Ngoài ra, nhiều trường học hiện nay xuất hiện tình trạng "sính" thành tích từ các cuộc thi do các đơn vị bên ngoài tổ chức mang danh quốc gia, quốc tế, kêu gọi học sinh tham gia. Từ đó, phụ huynh phải chạy đua, phải cho con học, đi thi.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Thông tư 29 dù nhân văn chưa thể giải quyết được “gốc” của dạy thêm, học thêm. Ảnh: Nguyên Phương.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Thông tư 29 dù nhân văn chưa thể giải quyết được “gốc” của dạy thêm, học thêm. Ảnh: Nguyên Phương.

Cùng với đó, việc Bộ GD-ĐT vừa "cấm" thi tuyển để tuyển sinh lớp 6 các trường THCS chất lượng cao, trường tư nhưng tiêu chí xét tuyển đối với học sinh tiểu học không có gì khác ngoài điểm số trong học bạ, các kỳ thi, giải thưởng, chứng chỉ. Điều này cũng khiến phụ huynh và học sinh muốn đi học thêm để tăng thành tích, có thêm cơ hội vào trường điểm, trường tốp đầu.

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết là Bộ GD-ĐT cùng các tỉnh, thành phố cần có phương án để đảm bảo chất lượng giáo dục các trường học đồng đều, trong đó có cả điều kiện cơ sở vật chất. Các trường học được tự chủ, được quyền tuyển giáo viên, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, khi đó họ phải sáng tạo, hướng đến giáo dục hội nhập.

Ông Lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc dạy thêm học thêm đã có những biến tướng, gây không ít bức xúc cho xã hội. Nguyên nhân một phần đến từ việc giáo viên chưa thể sống được bằng đồng lương nên mới xuất hiện tình trạng "chân trong, chân ngoài".

Khi thu nhập giáo viên đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, dạy thêm sẽ không còn là nhu cầu bức thiết nữa. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đánh giá việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo thực sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

"Theo tôi, cần giải quyết được tận gốc những vấn đề trên, chứ không phải cấm giáo viên dạy thêm học sinh của chính mình, nhưng lại vẫn cho phép học thêm, dạy thêm ở ngoài nhà trường. Chất lượng dạy học ở các trung tâm không có ai chịu trách nhiệm cũng là vấn đề đáng lo ngại. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi hay học sinh yếu kém, theo tôi, nhà trường cũng cần có quỹ trả cho giáo viên, chứ không thể dạy miễn phí", ông Lâm nêu.

Không tạo bất công trong việc tiếp cận giáo dục

Ủng hộ quan điểm trường học hướng tới không dạy thêm, học thêm, ông Lâm cho rằng, ba yếu tố để phát triển ở một đứa trẻ đó là: Cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sống thoải mái, học tập kiến thức - kỹ năng để phát huy hết năng lực của bản thân.

"Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều trường hiện nay đã dạy học 2 buổi/ngày là đủ. Ngoài giờ học, các em cần được tham gia các hoạt động giáo dục khác để rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống. Nếu học sinh có nhu cầu có thể tự học, tự đọc sách vở, nghiên cứu kiến thức mà không cần phải học thêm, trừ các trường hợp học sinh giỏi, học sinh cần bổ túc vì yếu kém. Ngay cả việc dạy thêm cho học sinh yếu và học sinh giỏi trong mỗi nhà trường cũng không nên kéo dài mà chủ yếu giúp các em biết cách tự học", ông Lâm nêu quan điểm.

Không đồng tình với ý kiến cho rằng việc Thông tư 29 được áp dụng vào thực tế cuộc sống sẽ tạo nên những bất công trong tiếp cận giáo dục khi mà học sinh nghèo không thể thuê gia sư, không có cơ hội học thêm ngoài như học sinh có điều kiện, ông Lâm cho rằng, cả phụ huynh và học sinh không nhận thức được việc mình phải tự học, biết cách tự học.

"Ví dụ như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, yêu cầu tiên quyết được đưa ra đó là học sinh phải biết tự học, sáng tạo, càng kém thì càng phải biết tự học. Theo tôi, Thông tư 29 nhân văn nhưng để áp dụng vào thực tiễn thì cần phải có lộ trình chứ không phải nhanh như hiện tại. Trong giai đoạn trước mắt, phải buộc các nhà trường dạy học sinh được cách tự học"- ông Lâm phân tích.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Thông tư 29 không tạo bất công trong việc tiếp cận giáo dục.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Thông tư 29 không tạo bất công trong việc tiếp cận giáo dục.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng, việc tiếp cận giáo dục đối với mỗi học sinh đều công bằng thông qua việc tự học. Chính sự tự học sẽ giúp học sinh dễ dàng tiếp thu cũng như có hứng thú và nắm vững được những kiến thức mà mình cần. "Có không ít trường hợp học sinh gia đình rất nghèo, không có điều kiện để học thêm nhưng nhờ tự học nên họ đều đạt được những thành công trong học tập và cuộc sống". Do đó, không thể cho rằng Thông tư 29 sẽ tạo nên những bất công trong tiếp cận giáo dục.

"Quản lý dạy thêm và học thêm không chỉ là thách thức của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề chung tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi nước đều áp dụng các biện pháp quản lý (chứ không cấm hoàn toàn) nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh và cải thiện chất lượng giáo dục công lập.

Đơn cử như ở Phần Lan, giáo dục tập trung vào chất lượng giờ học chính khóa, giáo viên có quyền tự chủ trong việc thiết kế bài giảng. Hệ thống giáo dục của đất nước này chú trọng vào sự phát triển toàn diện thay vì chỉ tập trung vào điểm số. Chính phủ Phần Lan không khuyến khích dạy thêm và đầu tư mạnh vào các dịch vụ hỗ trợ học sinh ngay trong trường học, giúp đảm bảo chất lượng giáo dục mà không cần đến các lớp học thêm ngoài giờ.

Với Việt Nam, việc học hỏi từ các mô hình quốc tế có thể mang lại giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý dạy thêm, góp phần xây dựng nền giáo dục bền vững".

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ , nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-van-de-can-giai-quyet-de-triet-tieu-day-them-hoc-them-20250212191417196.htm
Zalo