Học tiếng đồng bào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Là lực lượng thường xuyên gắn bó với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, gần gũi với đồng bào các dân tộc, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An đã tích cực học tập, trau dồi tiếng đồng bào dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cán bộ BĐBP Nghệ An tham gia kiểm tra sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng tiếng dân tộc Thái. Ảnh: Lê Thạch
Địa bàn biên giới chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là kiến thức về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Do vậy, với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải biết tiếng đồng bào để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, những lớp học tiếng dân tộc được mở ra không chỉ là nơi truyền đạt ngôn ngữ, mà còn là cầu nối văn hóa, giúp các chiến sĩ hiểu sâu hơn về phong tục, tập quán, tín ngưỡng và đời sống sinh hoạt của đồng bào.
Mới đây, tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Con Cuông tổ chức bế mạc lớp bồi dưỡng tiếng nói và chữ viết dân tộc Thái năm 2024 cho cán bộ các đơn vị. Lớp học tiếng nói và chữ viết dân tộc Thái lần này được tổ chức trong thời gian 45 ngày với 38 học viên tham gia. Các học viên được học tập, rèn luyện theo Chương trình khung ban hành kèm theo Quyết định số 5258/QĐ-UBND ngày 29/11/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về ban hành tài liệu Bồi dưỡng tiếng dân tộc Thái cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng dân tộc, miền núi tỉnh Nghệ An.
Theo báo cáo của Ban tổ chức, lớp được mở trong điều kiện học tập chủ yếu bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, nên còn gặp một số khó khăn trong việc truyền đạt của giáo viên và sự tiếp nhận của học viên. Học viên chủ yếu ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, nên chất lượng đường truyền khi tham gia học trực tuyến còn khó khăn; trong khi đó, học viên vừa học tập, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Nhưng với sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò, quá trình học tập, các học viên đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, chú ý lắng nghe, tiếp thu các nội dung giảng viên truyền đạt, tích cực nghiên cứu học tập, ghi chép đầy đủ nội dung bài giảng, nhiệt tình, tự giác thảo luận, trao đổi tại lớp học, nhất là những từ ngữ khó để có những kiến thức ban đầu về tiếng Thái.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Hóa, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý, lớp trưởng lớp bồi dưỡng tiếng Thái chia sẻ: “Thực tiễn công tác đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải nghe được và nói được tiếng của đồng bào, hiểu được phong tục, tập quán đồng bào thì mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hơn nữa, chúng tôi đã xác định: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” thì việc học tiếng đồng bào góp phần củng cố, gắn bó tình đoàn kết quân dân”.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An thường xuyên tiếp xúc, gần gũi, sử dụng ngôn ngữ của đồng bào phục vụ công tác. Ảnh: Lê Thạch
Kết thúc khóa học, Hội đồng kiểm tra tiếng dân tộc thiểu số của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã tổ chức kiểm tra nghiêm túc nhằm đánh giá kết quả học tập của từng học viên. Cơ bản các đồng chí học viên đã nói được, nghe được và viết được những từ thông dụng trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Đây là điều kiện thuận lợi để bám dân, hiểu dân và cùng cấp ủy, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Thầy Phan Sỹ Tuệ, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Con Cuông, thành viên Hội đồng kiểm tra của lớp học đánh giá: “Mặc dù lớp học diễn ra trong thời gian ngắn, điều kiện thời tiết không thuận lợi và một số khó khăn khác, nhưng các học viên đã phát huy tinh thần tự giác, tự học, tự rèn, tích cực học tập, giao tiếp, hội thoại; qua kiểm tra, đa số học viên đã giao tiếp được bằng tiếng Thái”.
Thượng tá Trương Lâm Tới, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Nghệ An cho biết, thông qua các lớp học tiếng đồng bào, các cán bộ khi trở về đơn vị cần thường xuyên nêu cao tinh thần tự học trên cơ sở kiến thức ban đầu về tiếng đồng bào đã được trang bị; không ngừng học hỏi kinh nghiệm qua các cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc trong đơn vị, qua thực tiễn công tác khi tiếp xúc với đồng bào. Tiếp tục nghiên cứu các nội dung, kiến thức đã được học và vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác ở địa bàn, góp phần xây dựng biên giới ngày càng giàu mạnh. Kết quả của việc học tiếng đồng bào mang lại nhiều giá trị to lớn và thiết thực cho BĐBP trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới và phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn. Trước hết, khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ địa phương giúp các chiến sĩ dễ dàng tiếp cận, trò chuyện và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này tạo ra sự tin tưởng, gần gũi, giúp bà con cảm nhận được sự quan tâm và đồng hành của cán bộ, chiến sĩ trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó, các chương trình tuyên truyền pháp luật, vận động đồng bào tham gia bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm, hay triển khai các chính sách dân sinh được thực hiện hiệu quả hơn.
Trong năm 2024, ngoài lớp bồi dưỡng tiếng Thái do Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An phối hợp tổ chức, các đơn vị còn tổ chức được 6 lớp học tiếng các dân tộc thiểu số Mông, Thái và Khơ Mú cho 215 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia học tập. Thông qua các lớp học, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An thêm tự tin tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp với đồng bào, nâng cao hiệu quả trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giúp họ trở thành những “người con” gần gũi của dân bản.