Nhiều địa phương nỗ lực tăng trưởng kinh tế 8% trở lên
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, nhiều địa phương trên cả nước đã đưa ra những giải pháp, hành động cụ thể.
Điều kiện đạt tăng trưởng 2025
Năm 2025, Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, cao hơn mục tiêu Trung ương Đảng, Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.
Theo TS Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, để cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, mỗi địa phương cũng cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, địa phương đạt được mục tiêu thì cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu.
![Nhiều địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51478859/7af7669454dabd84e4cb.jpg)
Nhiều địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. Ảnh minh họa
Tại Báo cáo số 54/BC-CP của Chính phủ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên nêu rõ, điều kiện để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, bên cạnh cách làm mới, tư duy mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để. Hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 8% trở lên, theo các chuyên gia, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.
Nhằm hỗ trợ các địa phương đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025, Báo cáo số 54/BC-CP về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả kết luận số 97-KL/TW; số 123-KL/TW của Trung ương, Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đồng thời theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động phương án, giải pháp để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra.
![Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 8% trở lên, theo các chuyên gia, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_35_51478859/b38a95e9a7a74ef917b6.jpg)
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 8% trở lên, theo các chuyên gia, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%. Ảnh minh họa
Nỗ lực tăng trưởng 8% trở lên
Thực hiện chủ trương tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ban hành Chương trình hành động số 03/CTr-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 292-KH/TU ngày 20/1/2025 của Thành ủy triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại các buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Trên cơ sở đó, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng 8% trở lên năm 2025, đồng thời xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030, trong đó mục tiêu tăng trưởng đạt 2 con số.
Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã bám sát các chỉ đạo của trung ương và thành phố thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các ngành, lĩnh vực; khẩn trương tổ chức triển khai nhiệm vụ theo quan điểm chỉ đạo, chương trình hành động của UBND thành phố về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2025.
Với tỉnh Vĩnh Phúc, xác định năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng từ 10-11% so với năm 2024.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra nhằm thực hiện chủ trương, nhiệm vụ do Trung ương giao. Đây cũng là yêu cầu hết sức thiết thực mà người phát động phong trào và trực tiếp chỉ đạo là Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số, ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức các cuộc họp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh để bàn các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thực hiện bằng được yêu cầu tăng trưởng 2 con số và đi đến thống nhất, “bàn để làm chứ không phải để có làm hay không?”– Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Khắc Hiếu khẳng định.
Đặc biệt, theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, không chỉ các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực kinh tế được giao nhiệm vụ mà cả các sở ngành khác phụ trách văn hóa, xã hội cũng được giao nhiệm vụ và vào cuộc quyết liệt để thực hiện mục tiêu. Bởi muốn tỉnh phát triển thì phải có sự ổn định, nên công tác an sinh xã hội cũng phải được chú trọng, mảng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh cũng cần được chú ý, trong đó lưu ý đến đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025, Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng vừa đưa kịch bản tăng trưởng năm 2025 với mức tăng trưởng kinh tế 14%, mức cao nhất từ trước đến nay của Quảng Ninh. Mức tăng trưởng này cũng cao hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời cũng tăng hơn 2% so với Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 237/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, Quảng Ninh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó một trong những giải pháp quan trọng nhất lúc này là đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đảm bảo giải phóng toàn bộ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tất cả các dự án đầu tư công đang triển khai phải đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nhanh nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, đảm bảo nhanh chóng đưa các dự án đi vào khai thác, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư và có đủ điều kiện để khởi công ngay trong năm 2025.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, để cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, mỗi địa phương cũng cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, địa phương đạt được mục tiêu thì cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu.