Bản CV giúp kỹ sư phần mềm qua vòng phỏng vấn Microsoft, Meta, Amazon
Akshay Phadké, kỹ sư phần mềm từng làm việc tại Microsoft, chia sẻ 4 chiến lược giúp CV của anh nổi bật khi ứng tuyển vào các công ty công nghệ lớn.
![Chiến lược CV giúp kỹ sư công nghệ ghi điểm và chinh phục các ông lớn công nghệ. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480804/c273a77d95337c6d2522.jpg)
Chiến lược CV giúp kỹ sư công nghệ ghi điểm và chinh phục các ông lớn công nghệ. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.
Ở tuổi 32, Akshay Phadké đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghệ, trải qua cả môi trường Big Tech lẫn doanh nghiệp startup.
"Tôi luôn mong muốn làm việc trong môi trường có những đồng nghiệp cầu tiến, luôn tìm cách đổi mới và tạo ra giá trị cho xã hội qua công việc", Phadké chia sẻ với Business Insider.
Hiện là kỹ sư phần mềm cao cấp tại Webflow (thành phố Seattle, Mỹ), Phadké bắt đầu sự nghiệp công nghệ với hai kỳ thực tập liên tiếp tại Ericsson khi theo học thạc sĩ Kỹ thuật điện và máy tính tại Viện Công nghệ Georgia.
Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ vào năm 2016, anh được Ericsson tuyển dụng toàn thời gian, sau đó tiếp tục phát triển sự nghiệp tại Microsoft, startup công nghệ tài chính B2B cung cấp phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) Vareto và Webflow.
Ngoài lời mời làm việc từ Microsoft, Phadké còn tiến vào vòng phỏng vấn trực tiếp tại Meta, Amazon, Dropbox và Yelp, đồng thời nhận được đề nghị từ 23andMe và Wayfair.
![Akshay Phadké từng làm việc tại Microsoft và tiến vào vòng phỏng vấn cuối cùng tại Meta, Amazon. Ảnh: Akshay Phadké.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480804/40be2ab018fef1a0a8ef.jpg)
Akshay Phadké từng làm việc tại Microsoft và tiến vào vòng phỏng vấn cuối cùng tại Meta, Amazon. Ảnh: Akshay Phadké.
Tuy nhiên, hành trình để đạt được những cơ hội này không hề dễ dàng.
Phadké cho biết anh đã trải qua vô số buổi phỏng vấn không thành công, và mỗi lần bị từ chối - đặc biệt là khi đã vào đến vòng cuối - đều mang lại không ít thất vọng. Khi nhận được tin vui về lời mời làm việc, anh cảm thấy vừa bất ngờ, vừa hoài nghi, vừa nhẹ nhõm, như thể vừa hoàn thành một cuộc marathon.
Dưới đây là bản CV đã giúp Phadké đạt được những cơ hội này, cùng 4 yếu tố mà anh tin đã giúp mình nổi bật so với các ứng viên khác.
![Bản CV giúp Akshay Phadké ghi điểm với các công ty công nghệ lớn. Ảnh: Akshay Phadké.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480804/c968a266902879762039.jpg)
Bản CV giúp Akshay Phadké ghi điểm với các công ty công nghệ lớn. Ảnh: Akshay Phadké.
Tập trung vào thế mạnh kỹ thuật
Phadké nhận định liệt kê quá nhiều công nghệ có thể gây bất lợi, dù ứng viên thực sự có kinh nghiệm. Điều này dễ khiến nhà tuyển dụng cho rằng ứng viên đang đánh giá quá cao năng lực của mình.
"Những người mới tốt nghiệp hoặc ở giai đoạn đầu sự nghiệp thường muốn đưa vào CV thật nhiều công nghệ mà họ đã từng làm việc để gây ấn tượng. Tuy nhiên, điều này có thể phản tác dụng, vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá kỹ hơn xem ứng viên thực sự thành thạo những gì. Các công ty công nghệ tìm kiếm kỹ sư có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề phức tạp, có quy mô lớn. Những dự án như vậy cần nhiều thời gian và công sức, vì vậy, với người có 5-7 năm kinh nghiệm, số lượng dự án thực sự quan trọng thường không nhiều", anh chia sẻ.
Liệt kê quá nhiều công nghệ cũng có thể gây bất lợi nếu ứng viên bị yêu cầu trả lời chuyên sâu về những lĩnh vực mà họ không thực sự thành thạo trong buổi phỏng vấn.
Trong CV, Phadké chỉ liệt kê những công nghệ mà anh có kinh nghiệm sâu nhất và sử dụng thường xuyên. Đồng thời, anh tự đánh giá mức độ thành thạo của mình với từng công nghệ bằng biểu đồ kỹ năng theo thang điểm 1-5.
"Theo cách này, tôi có thể nhấn mạnh những kỹ năng mình thành thạo nhất, đồng thời thể hiện sự cầu thị với những lĩnh vực còn cần trau dồi. Tôi muốn minh bạch rằng mình không tự nhận là chuyên gia ở tất cả các công nghệ được liệt kê trong CV", anh giải thích.
Anh đặc biệt nhấn mạnh kinh nghiệm làm việc với Apache Spark trong phần mô tả công việc gần đây nhất, vì đây là một trong những công nghệ mà đội ngũ tuyển dụng tại Microsoft đang tập trung phát triển.
Khi được hỏi về những công nghệ mà mình ít kinh nghiệm hơn, Phadké luôn thẳng thắn nếu không có câu trả lời.
"Không ai có thể am hiểu mọi thứ, và theo tôi, việc trung thực thừa nhận không biết vẫn tốt hơn là đưa ra câu trả lời đoán mò", anh nói.
![Chiến lược CV ngắn gọn, súc tích để thu hút nhà tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ảnh: cottonbro studio/Pexels.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480804/653f0b31397fd021896e.jpg)
Chiến lược CV ngắn gọn, súc tích để thu hút nhà tuyển dụng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ảnh: cottonbro studio/Pexels.
Ngắn gọn, súc tích trong mọi yếu tố của CV
Phadké đã áp dụng chiến lược "càng súc tích càng hiệu quả" vào bố cục CV, giới hạn nội dung trong một trang duy nhất.
"Các nhà tuyển dụng chỉ dành 30 giây đến một phút để xem mỗi CV. Tôi muốn đảm bảo CV của mình truyền tải thông tin quan trọng nhất trong khoảng thời gian ngắn đó và thu hút ngay từ đầu", anh cho biết.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc tránh sa đà vào quá nhiều chi tiết kỹ thuật, anh chỉ dành 2-3 dòng để mô tả những dự án quan trọng nhất.
"Cách làm này giúp khơi gợi sự tò mò, và hầu như lần nào tôi cũng nhận được lời mời phỏng vấn kỹ thuật từ quản lý tuyển dụng, vì họ muốn biết thêm về những gì tôi đã làm", anh chia sẻ.
![Tận dụng logo, font chữ hiện đại và thiết kế tinh gọn để thu hút nhà tuyển dụng. Ảnh: MART PRODUCTION/Pexels.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480804/7703180d2a43c31d9a52.jpg)
Tận dụng logo, font chữ hiện đại và thiết kế tinh gọn để thu hút nhà tuyển dụng. Ảnh: MART PRODUCTION/Pexels.
Tạo điểm nhấn về mặt thị giác
Ngay cả khi không có chuyên môn về thiết kế đồ họa, ứng viên vẫn có thể trình bày CV một cách trực quan và thu hút.
Phadké tận dụng logo của các công ty và trường đại học mà anh từng gắn bó để tạo sự liên kết thương hiệu rõ ràng. Anh cũng chọn font chữ sans-serif để mang lại vẻ hiện đại, chuyên nghiệp hơn, đồng thời sử dụng tông màu xám thay vì đen để tạo cảm giác dễ chịu khi đọc.
"Tôi chưa bao giờ tạo CV bằng Microsoft Word hay các phần mềm soạn thảo thông thường. Những CV làm theo cách này thường thiếu điểm nhấn, đặc biệt khi sử dụng template (mẫu) phổ biến mà nhiều người khác cũng dùng", anh chia sẻ.
Thay vào đó, anh sử dụng nhiều công cụ khác nhau như Adobe Photoshop, LaTeX và Figma để thiết kế CV, giúp tạo dấu ấn riêng và nâng cao tính thẩm mỹ.
![Trình bày cụ thể đóng góp cá nhân, tránh biệt ngữ và thể hiện khả năng thích nghi với công nghệ mới. Ảnh: Shvetsa/Pexels.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480804/d927b52987676e393776.jpg)
Trình bày cụ thể đóng góp cá nhân, tránh biệt ngữ và thể hiện khả năng thích nghi với công nghệ mới. Ảnh: Shvetsa/Pexels.
Truyền tải rõ ràng vai trò và thành tựu trong công việc
Một sai lầm phổ biến của ứng viên là không phân biệt rõ thành tích cá nhân và thành tích của cả nhóm trong CV, khiến nhà tuyển dụng khó đánh giá đóng góp thực sự của họ.
Để tránh nhầm lẫn, Phadké chỉ liệt kê những nhiệm vụ anh trực tiếp đảm nhận, không gộp chung với thành tích của nhóm. Anh cũng diễn đạt một cách rõ ràng, hạn chế sử dụng biệt ngữ để đảm bảo nhà tuyển dụng dễ dàng hiểu được.
"Nhà tuyển dụng muốn tìm những kỹ sư có thể trình bày rõ ràng thành tựu của mình và nắm bắt được giá trị mà công việc của họ đóng góp", anh chia sẻ.
Để làm nổi bật phạm vi chuyên môn, Phadké đảm bảo CV của mình bao quát nhiều mảng khác nhau trong kỹ thuật phần mềm, từ hệ thống kỹ thuật, phát triển backend cho web đến kỹ thuật dữ liệu.
Anh nhấn mạnh rằng việc thể hiện khả năng thích nghi với công nghệ và phương pháp mới sẽ giúp nhà tuyển dụng tin tưởng vào năng lực của ứng viên, đặc biệt khi đảm nhận những dự án vượt ngoài chuyên môn quen thuộc.
"Qua CV của tôi, nhà tuyển dụng có thể thấy rằng tôi có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ các công nghệ mới", Phadké nói.