Nhiều công nhân phản ứng vì phải đóng bảo hiểm bằng... cà phê

Người lao động bức xúc, cho rằng Công ty cà phê Ia Sao 1 (thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam) yêu cầu đóng bảo hiểm bằng cà phê thay vì đóng tiền là bất hợp lý.

Người dân phản ánh tới phóng viên báo Tiền Phong những bất cập về việc thu bảo hiểm bằng cà phê.

Người dân phản ánh tới phóng viên báo Tiền Phong những bất cập về việc thu bảo hiểm bằng cà phê.

Tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong cho thấy, hiện giá cà phê tăng kỷ lục lên đến hơn 120.000 đồng/kg. Theo phản ánh của một số công nhân, họ nhận giao khoán vườn cà phê của Công ty cà phê Ia Sao 1 đã hàng chục năm. Cụ thể, công nhân sẽ nhận giao khoán vườn và chăm sóc, mỗi vụ đóng sản lượng 4 tấn cà phê tươi, số còn lại họ được hưởng. Công ty sẽ đứng ra đóng bảo hiểm xã hội thay công nhân và thu lại số tiền này vào cuối năm.

Tuy nhiên, hai năm gần đây giá cà phê tăng cao, công ty yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê ở mức hơn 1,7 tấn/người/năm, công nhân cho rằng mức đóng này quá cao so với số tiền công ty thực đóng cho đơn vị bảo hiểm.

Trình bày với phóng viên, bà N.V.T. (45 tuổi, trú ở xã Ya Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cho hay, hai vợ chồng nhận giao khoán 2ha cà phê từ Công ty cà phê Ia Sao 1. Với mức lương công nhân bậc 5 và 6, trước đây vợ chồng bà T. đóng bảo hiểm khoảng 25-28 triệu đồng/người.

“Công nhân chúng tôi thắc mắc nếu tính ở bậc lương cao nhất, tức bậc 6, mức đóng thực tế cho cơ quan bảo hiểm cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, hiện giá thị trường của 1,7 tấn cà phê khoảng 43 triệu đồng, cộng với khoản nộp bằng tiền, giá trị công ty thu của mỗi người trên dưới 50 triệu đồng”, bà T. nói.

Liên quan tới sự việc, trao đổi với báo chí, ông Trịnh Xuân Bảy - Giám đốc Công ty cà phê Ia Sao 1, cho biết, tất cả các phương án của công ty đều thực hiện theo chỉ đạo của Tổng công ty cà phê Việt Nam.

Ông Bảy giải thích, trước đây công ty thu bảo hiểm bằng tiền, không thu bằng sản phẩm. Nhưng sau đó thấy các đơn vị khác chuyển qua thu sản phẩm tốt hơn trong khi công ty không thu được tiền, công nhân cứ nợ nên sau này chỉ đạo đóng bằng sản phẩm. Theo ông Bảy, trước đây từng có tình trạng công nhân nợ tiền rồi bỏ vườn, đến nay tổng các khoản nợ khó đòi của người lao động vẫn còn khoảng 8 tỷ đồng.

Ông Bảy nói thêm, cuối năm 2022, khi xây dựng phương án thu bảo hiểm, giá cà phê chưa tăng đột biến như bây giờ. Nhưng giờ nhìn vào giá hiện nay thấy rõ có độ "chênh".

Theo ông Bảy, về việc thu bảo hiểm bằng cà phê, đơn vị sẽ làm báo cáo Tổng công ty cà phê Việt Nam để xin ý kiến trả lời.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tráng - Phó phòng Nông nghiệp Công ty cà phê Ia Sao 1, thông tin, doanh nghiệp có khoảng 400 công nhân được giao khoán vườn cà phê hằng năm. Theo ông Tráng, sau khi đóng bảo hiểm, số tiền chênh lệch còn lại được “nhập vào doanh thu của doanh nghiệp”.

Tiền Lê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-cong-nhan-phan-ung-vi-phai-dong-bao-hiem-bang-ca-phe-post1717103.tpo
Zalo