Kiên Giang lo ứng phó hạn mặn
Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh.
Nước sông xuống thấp, mặn tăng
Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, nửa đầu tháng 2, lưu lượng nước tại trạm Kratie (Campuchia) đang giảm chậm, thấp hơn các năm trước từ 3-7%. Mực nước cao nhất tại trạm Châu Đốc thấp hơn năm 2024 khoảng 3cm, nhưng vẫn cao hơn năm 2023 từ 5-15cm. Tại các trạm nội đồng, mực nước nhỉnh hơn năm 2024 nhưng thấp hơn từ 10-15cm so với những năm trước đó.
Xâm nhập mặn có xu hướng tăng mạnh. Trên sông Cái Bé, độ mặn 4‰ đã lấn sâu 14km tính từ cửa biển; trên sông Cái Lớn, mức xâm nhập đã vào sâu tới 36km. Riêng kênh Cái Sắn, độ mặn 4‰ đã tới xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Theo dự báo, từ tháng 2 đến tháng 4/2025, xâm nhập mặn sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Tính đến ngày 11/2/2025, Kiên Giang đã gieo trồng 280.747ha lúa Đông Xuân, trong đó hơn 21.000 ha đã thu hoạch. Diện tích rau màu và cây ăn trái hơn 20.580ha.
Ngành thủy sản tiếp tục phát triển ổn định. Đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt gần 70% kế hoạch, trong đó mô hình nuôi tôm - lúa duy trì ở mức 76.500ha.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang đánh giá, dù hạn mặn diễn biến phức tạp, nguồn nước cấp cho các nhà máy nước và trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn ổn định. Đến nay,chưa ghi nhận thiệt hại nào do hạn mặn gây ra.
Kịch bản ứng phó sớm
Để chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành phương án phòng, chống và chỉ đạo các sở ngành, địa phương trong tỉnh chủ động triển khai các phương án bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.
Tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị đơn vị vận hành các công trình thủy lợi như cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô được vận hành linh hoạt nhằm kiểm soát mặn và trữ ngọt. Hệ thống cống được kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố rò rỉ mặn.
Để bảo vệ lúa Đông Xuân, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư gia cố và đắp mới 29 đập đất tại huyện An Biên, An Minh, đồng thời chủ động vận hành cống Vàm Bà Lịch trong các đợt triều cường tháng 1-2/2025.
Bên cạnh các biện pháp công trình, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền về biến đổi khí hậu, hướng dẫn nông dân kiểm soát mặn trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Nông dân được khuyến cáo gieo sạ sớm theo điều kiện nguồn nước, tránh sử dụng giống lúa dài ngày. Công tác dự báo, theo dõi diễn biến hạn mặn được thực hiện chặt chẽ, giúp người dân chủ động ứng phó.

Đường tỉnh 965 (đê bao U Minh Thượng) bị sạt lở nghiêm trọng xảy ra hồi tháng 3/2024. Ảnh: Nhật Huy,
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, từ tháng 2 đến tháng 4/2025, xâm nhập mặn trên địa bàn sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, với độ mặn cao nhất dự kiến xuất hiện vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Các đợt xâm nhập mạnh dự báo xảy ra vào các kỳ triều cường những ngày 24-27/2, 4-7/3, 21-24/3, 31/3-3/4, 16-19/4, 28/4-1/5.
Chi cục Thủy lợi Kiên Giang sẽ tiếp tục theo dõi, vận hành hệ thống cống để đảm bảo nguồn nước ngọt. Ban Quản lý Dự án sẽ điều tiết nước tại cống Vàm Bà Lịch để hạn chế mặn xâm nhập sâu. UBND các huyện cập nhật tình hình và cảnh báo sớm cho người dân về nguy cơ hạn mặn.
Hiện, tuyến đê bao ngoài Vườn Quốc gia U Minh Thượng (ĐT.965) dài khoảng 60km đối mặt với tình trạng mực nước kênh xuống thấp. Nguyên nhân do nhu cầu bơm tưới cho hoa màu, thủy sản tăng cao, trong khi lượng nước bổ sung không có, cộng với sự bốc hơi mạnh. Dự báo trong thời gian tới, mực nước sẽ tiếp tục giảm nhanh, làm gia tăng nguy cơ sụt lún, sạt lở đất – hiện tượng đã từng xảy ra vào đầu tháng 3/2024.
Trước tình hình này, người dân trong khu vực được khuyến cáo sử dụng nước tiết kiệm, tuân thủ lịch thời vụ, không khoan giếng khai thác nước mặn và không tự ý đặt cống, bọng qua đê bao để tránh ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi.