Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Từ người anh hùng tuổi đôi mươi đến vị tướng Tư lệnh Binh chủng, Quân khu - Bài 3: Tư lệnh Quân khu 4 Đoàn Sinh Hưởng - Những dấu ấn sâu sắc (tiếp theo và hết)
Năm 2002, Đoàn Sinh Hưởng được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Quân khu 4. Năm 2005, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân khu 4.
Quân khu 4 còn là biết bao máu thịt của đồng đội ông, không ít những người thân nhất đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh. Khu 4, vùng đất lửa anh hùng với biết bao chiến công đã đi vào huyền thoại. Không phải đến khi trở thành Tư lệnh, ông mới để tâm tìm hiểu vùng đất lịch sử mà ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Đoàn Sinh Hưởng đã rất thuộc Khu 4. Khu 4 với các địa danh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa... đã thấm đẫm biết bao chiến công của các triều đại giữ nước, mở cõi và đánh giặc.
Đối với Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng, các vùng đất Quân khu 4 trong những năm ông giữ trọng trách ở đây có nhiều điều rất đặc biệt. Nói là nghèo cũng không sai. Vùng đất thang mộc hàng nghìn năm của đất nước bao giờ cũng có rất nhiều khó khăn thử thách. Ngay cả thiên nhiên cũng luôn thử thách lòng dạ con người.
Trong nhiều vấn đề phải giải quyết ở Quân khu 4 lúc đó, thì vấn đề giải quyết một hành lang biên giới ổn định để bà con nhân dân hai bên yên tâm sản xuất, tạo dựng đời sống là một vấn đề lớn được đặt ra. Giải phóng đã bao nhiêu năm rồi, bà con hai bên biên giới vẫn nghèo đói, vẫn sống trong tiếng súng của lũ phỉ là điều không chấp nhận được. Thời điểm này, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở Lào đã về nước, nhiều vùng đất của bạn giáp với biên giới Quân khu 4, phỉ trỗi dậy hoạt động rất phức tạp. Có nhiều thời điểm, phỉ còn lộng hành quấy phá sang cả Kỳ Sơn, Quế Phong của Nghệ An.
Ông rất chú trọng đến vấn đề này và báo cáo Bộ tư lệnh Quân khu tổ chức các cuộc diễn tập lớn cho các khối địa phương và khối chủ lực, trong đó có những cuộc diễn tập phối hợp với lực lượng bạn Lào, kết hợp diễn tập với truy quét phỉ, ổn định tình hình an ninh địa bàn.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bên chiếc xe tăng 980 đã theo ông cùng đoàn quân giải phóng thu về bao chiến thắng lẫy lừng trên chiến trường Tây Nguyên. Ảnh: VGP
Đầu năm 2004, quân đội bạn Lào tổ chức chiến dịch truy quét phỉ, làm trong sạch địa bàn các huyện có chung đường biên với Quân khu 4, trọng tâm là các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương (miền tây Nghệ An). Bộ Tham mưu Quân khu đã chỉ đạo một số đơn vị trực thuộc và lực lượng vũ trang các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bộ đội Biên phòng, đoàn kinh tế - quốc phòng phối hợp cùng bạn tổ chức truy quét 19 đợt, diệt và bắt gần 200 tên, thu nhiều vũ khí; làm tan rã nhiều cụm phỉ, bước đầu đập tan âm mưu của địch nhằm tập hợp người Mông ở Lào, Việt Nam tới đón “vua” về để thành lập cái gọi là “quốc gia người Mông” ở Lào.
Không chỉ gây dựng cơ sở, hoạt động chống phá ở đất bạn Lào, phỉ còn xâm nhập, móc nối chống phá ở địa bàn các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, miền Tây Nghệ An. Có những thời điểm hoạt động của phỉ rầm rộ, công khai, thậm chí có lúc phỉ hoạt động khá mạnh ở Kỳ Sơn, Quế Phong, táo bạo phục kích đánh cướp xe trên đường số 7 đoạn biên giới Việt - Lào. Có thời điểm, xe Quân khu đi công tác phải thay biển đỏ. Đó là những nhức nhối không riêng gì của ta hay của bạn mà vấn đề là phải tiễu phỉ một cách có hiệu quả.
Quân khu 4 đã tổ chức một đợt truy quét phỉ khá quy mô ở Quế Phong, Kỳ Sơn. Hàng chục điểm nóng đã được xử lý, hàng trăm tên phỉ đã bị bắt và tiêu diệt. Về phía ta, Trung úy Bộ đội Biên phòng Và Bá Giải đã anh dũng hy sinh, được Bộ đội Biên phòng cả nước nêu gương và học tập.
Nhận thức rõ tuyến hành lang biên giới Việt - Lào là rất quan trọng, khi có quyết định giữ chức Tư lệnh Quân khu 4, Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng đã đề nghị Bộ Quốc phòng lập tức cho tăng cường quan hệ hợp tác với bạn Lào, sau một thời gian có phần xao nhãng kể từ khi chuyên gia quân sự và quân tình nguyện của ta rút về.
Thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề, Bộ trưởng Phạm Văn Trà, Tổng Tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh đồng ý và quyết định chỉ định Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu đoàn cán bộ Quân khu sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng Lào. Trong chuyến thăm, đoàn đã được đồng chí Tổng Bí thư Choummaly Sayasone và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Douangchay Phichit tiếp. Nhiều vấn đề được đặt ra, khơi lại và điều chủ chốt nhất, phấn khởi nhất là tình đoàn kết giữa quân đội, nhân dân hai nước tiếp tục được thắt chặt.
Ngay sau đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng hai nước, bộ đội Việt - Lào đã tiến hành giải quyết ngay cụm phỉ Mường Mộc, Khăng Viêng thuộc hai tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Xiêng Khoảng.
Mường Mộc được xem như sào huyệt của phỉ. Chúng xây dựng cơ sở rất vững chắc ở đây với hàng trăm tay súng và lừa gạt, khống chế hàng chục nghìn dân. Trong 30 năm, bạn Lào nhiều lần đánh cụm phỉ này nhưng không thành công. Phương án tác chiến được đưa ra. Không chỉ dùng súng, bộ đội Việt Nam còn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, làm nhà ở, xây trường học cho vùng dân đã bị phỉ lôi kéo. Kết quả là hàng nghìn dân đã thoát khỏi sự kiểm soát, khống chế của phỉ, nhiều tên phỉ đã ra hàng, số còn lại bị cô lập và bị ta tiến công tiêu diệt.
Về xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố, Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng cùng tập thể lãnh đạo xác định phải xây dựng đồng bộ, trước tiên là hệ thống chính trị (xây dựng cơ sở thôn, xã mạnh; chi bộ, đảng bộ mạnh; bám trụ chắc, làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện...). Tiếp đến là hệ thống công trình giao thông, hạ tầng cơ sở, hệ thống công trình quân sự phục vụ cho tác chiến phòng thủ, là tiềm lực kinh tế - hậu cần đảm bảo; là khả năng tổ chức, động viên nền kinh tế cho nhiệm vụ quốc phòng khi chiến tranh xảy ra (động viên thời chiến)... Xây dựng khu vực phòng thủ - tác chiến khu vực phòng thủ là những vấn đề lớn, liên quan nhiều đến các tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng nhiều lần làm việc với đồng chí Tích, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; đồng chí Lê Doãn Hợp, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; đồng chí Đặng Huy Báu, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; đồng chí Hà Hùng Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; đồng chí Nguyễn Viết Nên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; đồng chí Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh.
Càng về sau, lãnh đạo và chính quyền các địa phương càng đồng thuận và ủng hộ những vấn đề Quân khu đề xuất trong xây dựng khu vực phòng thủ và diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ. Trong huấn luyện tác chiến khu vực phòng phủ, Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng đặc biệt coi trọng kết hợp các đơn vị chủ lực Quân khu với lực lượng vũ trang tỉnh. Sư đoàn 324, Sư đoàn 341, Lữ đoàn Công binh 414... với Nghệ An, Thanh Hóa; Sư đoàn 968 với Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... Cũng do giải quyết tốt các mối quan hệ, nên Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế và cá nhân anh Hồ Xuân Mãn đã ủng hộ, giúp đỡ Bộ tư lệnh Quân khu giải quyết một số vướng mắc khu vực Mang Cá - thành phố Huế - cơ quan Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.
Trong huấn luyện tác chiến phòng thủ, Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng rất coi trọng huấn luyện dân quân tự vệ. Theo đó, Quân khu chỉ đạo Bộ Tham mưu, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh định kỳ hằng năm có chương trình tập huấn cho xã đội trưởng, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ.
Đi sâu tìm hiểu để nắm lực lượng dân quân tự vệ, thấy dân quân ven biển và dân quân trên biển là hai lực lượng khác nhau. Từ đó, Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng xác định hải quân và ngư dân đánh cá xa bờ là lực lượng chủ đạo bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Qua tìm hiểu, tôi biết được thời gian đó cả nước có hơn 320.000 tàu thuyền đánh cá; trong số đó có hơn 25.000 tàu có trọng tải lớn, thường xuyên đánh cá xa bờ. Để huy động được lực lượng hùng hậu này tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo có hiệu quả, tôi nghĩ chúng ta phải phân chia ngư trường. Mỗi tỉnh ven biển phụ trách một ngư trường, tổ chức cho ngư dân đánh cá trên ngư trường đó, có sự hỗ trợ (đầu tư) của Nhà nước. Ngư dân vừa đánh cá vừa là người giữ biển. Đây là vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài, phải đặt nó trong tổng thể chiến lược biển của Đảng và Nhà nước ta.
Trong khoảng thời gian Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đảm đương cương vị Tư lệnh Quân khu, tuyến hành lang biên giới Việt - Lào ngày càng ổn định. Các tỉnh, thành phố Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Hủa Phăn, Khăm Muộn... đều có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với Quân khu. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội hai bên đều thấy rõ hơn tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược Việt - Lào mà nòng cốt gây dựng là những người lính Quân khu 4.
Tư lệnh Đoàn Sinh Hưởng cùng các đồng chí, đồng đội Quân khu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Khi ông thông báo quyết định là mình đã nghỉ qua điện thoại di động, đồng thời mời anh em nhà văn vào để tiếp tục công việc đã đặt ra từ trước, tôi càng thấy rõ sự tĩnh tâm của ông, đã luôn gạt được mọi thứ tầm thường để đạt đến một điều giản dị. Tôi lại một lần nữa cảm thấy mình may mắn khi trở thành người chiến sĩ, trong đó có thời gian từng làm chiến sĩ của ông, và chợt thấy xung quanh luôn có rất nhiều người đã cho mình niềm tin và lẽ sống, từ người dân bình thường đến những vị tướng lĩnh như ông.
Đoàn Sinh Hưởng là vị tướng chiến trường có cuộc đời khá kỳ lạ: Đánh giặc giỏi; trở thành dũng sĩ, anh hùng ở độ tuổi đôi mươi; lấy thực tiễn chiến trường, từ chiêm nghiệm cuộc đời mình mà ứng xử với những gì luôn biến động ở xung quanh. Cuộc đời mạch lạc của ông luôn cho tôi những suy nghĩ về một thế hệ cầm súng vì những điều lớn lao hơn nhiều sự sinh tồn, mọi danh vị của một cá nhân trong dòng chảy lớn.
Ông đã được những vị tướng chiến trường lừng danh quý trọng từ thuở binh nhất, binh nhì, trung úy, thượng úy và cả sau này nữa. Đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308 Vũ Yên; Chính ủy mặt trận Tây Nguyên Đặng Vũ Hiệp; Tư lệnh Quân đoàn 3 Khuất Duy Tiến; Giám đốc Học viện Quốc phòng Nguyễn Hữu An; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà. Đương nhiên những tướng lĩnh tài năng ngoài con mắt xanh nhìn người thì cũng phải thấy rằng nội lực toát ra từ chính Đoàn Sinh Hưởng mới là vấn đề quyết định. Ở những bước ngoặt quyết định, khi ông đảm đương các cương vị Lữ đoàn trưởng, Sư đoàn trưởng, Tư lệnh Binh chủng, Tư lệnh Quân khu, tôi đã thấy một bản lĩnh phi thường của Đoàn Sinh Hưởng.
Nếu trận đánh lịch sử ở Cầu Bông, 4 xe tăng do ông chỉ huy bắn cháy và bắt sống nhiều xe tăng, xe thiết giáp địch đã khẳng định tài đánh giặc trên chiến trường không phải bàn cãi thì những lúc tiếp nhận đơn vị trong các thời điểm đầy thử thách, chỉ chênh chao một chút, tự ái tự kiêu một chút, cuộc đời ông chắc chắn sẽ khác đi rất nhiều. Xưa nay vẫn thế, cuộc đời của những anh hùng không bao giờ phẳng lặng, nhưng cái cách mà ông và người vợ tấm cám của mình sống với nhau, trân trọng nhau đã cho tôi hiểu giá trị thực của lẽ sống ở đời.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng có dáng dấp của một người hiền, người hiền trong những khúc lịch sử sôi động nhất. Từ lúc bước chân khỏi làng Bốn, xã Bình Ngọc, Móng Cái, tôi cho rằng ông đã ý thức được trọng trách của mình trước cha mẹ, tổ tông. Có thể ông không nói ra, nhưng bằng vào trực cảm của người viết, tôi đã thấy rất rõ điều này. Sự dũng cảm, kiên cường, có lúc thật cao cường của người anh hùng nhưng ở những khúc đời thường, ngóc ngách cuộc sống, cái lúc mà chỉ nghiêng bên này lệch bên kia vấn đề đã khác, nhất là khi người ấy ở cương vị chủ trì nhưng ông đã xử lý một cách con người nhất, đã khiến chúng tôi, những người viết văn cảm nhận rõ nhất về ông.
Không dễ dàng gì cho một người anh hùng bước vào cuộc sống sôi động sau chiến tranh, nhưng không hiểu sao mỗi khi nghĩ đến, mỗi khi cần phải đặt những câu hỏi, thậm chí là những truy bức gắt gao của đời sống, thậm chí là đời sống thượng tầng, câu trả lời luôn vang lên ở trong tôi vẫn là niềm tin tuyệt đối.
Tôi luôn có niềm tin tuyệt đối vào những anh hùng nơi chiến trận như ông.
Tết đến Xuân về, tôi xin được kính chúc ông, người anh hùng, người thủ trưởng cũ của tôi, vị tướng mà tôi hằng kính trọng sự bình yên và hạnh phúc.