Người Hà Nội xưa ăn bánh chưng với cá kho, làm cỗ Tết cầu kỳ 4 bát 8 đĩa

Mâm cơm nhà đơn giản, còn cỗ Tết của người Hà Nội tinh tế, cầu kỳ. Mâm cỗ Tết gồm 4 bát 6 đĩa hoặc 4 bát 8 đĩa, có nhà 10 đĩa tùy điều kiện. Theo chuyên gia ẩm thực, những gia đình truyền thống đặc biệt chú ý cách bày biện từng món ăn trên mâm. Đây cũng là cơ hội để người phụ nữ trong gia đình trổ tài nữ công gia chánh.

Khác biệt cơm nhà, cỗ Tết

Món ăn truyền thống của người Hà Nội trong cuộc sống thường ngày và mâm cỗ Tết được nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Ánh Tuyết giới thiệu tại chương trình trình diễn di sản ẩm thực diễn ra ngày 11/1.

Chuyên gia ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết khẳng định nhắc đến cơm nhà là nhắc đến những món ăn bình dị, thân thuộc. "Với người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, bữa cơm gia đình là cầu nối gắn kết gia đình. Thời xưa, con gái đi lấy chồng hay được bố mẹ tặng mâm, bát. Mâm, bát gợi nhiều liên tưởng về sự no đủ", chuyên gia nói.

Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết giới thiệu các món ăn truyền thống của người Hà Nội.

Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết giới thiệu các món ăn truyền thống của người Hà Nội.

Mâm cơm ngày thường không cần thiết trang trí quá ấn tượng. Bà Phạm Thị Ánh Tuyết giới thiệu một mâm cơm kiểu mẫu có rau bí xào tỏi là món đem lại nhiều vitamin, tôm, thịt luộc cung cấp protein, cà pháo ăn với canh cua hợp vị....

Mâm cơm nhà đơn giản, còn cỗ Tết của người Hà Nội tinh tế, cầu kỳ. Mâm cỗ Tết gồm 4 bát 6 đĩa hoặc 4 bát 8 đĩa, có nhà 10 đĩa tùy điều kiện. Những gia đình truyền thống đặc biệt chú ý cách bày biện từng món ăn trên mâm. Đây cũng là cơ hội để người phụ nữ trong gia đình trổ tài nữ công gia chánh.

Cỗ Tết cầu kỳ, đủ màu sắc.

Cỗ Tết cầu kỳ, đủ màu sắc.

"Món ăn trên mâm được chế biến tinh tế, từ món chính đến tráng miệng. Món chính như cá kho riềng cũng tốn nhiều thời gian kho. Xôi vò và chè hoa cau hương bưởi tráng miệng tưởng đơn giản nhưng rất sang chảnh. Hương bưởi thơm tho có ý nghĩa quan trọng trong ngày đầu năm. Trong mâm cỗ Tết, bánh chưng và xôi gấc là hai món không thể thiếu. Người Hà Nội xưa thường ăn bánh chưng với cá kho", bà Ánh Tuyết nói.

Biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới

Các chuyên gia về ẩm thực, di sản, du lịch cũng ngồi lại bàn về ý nghĩa của cơm nhà, cỗ Tết và cách phát huy giá trị ẩm thực truyền thống của người Việt. Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh giá trị của ẩm thực phụ thuộc nhiều vào bàn tay người chế biến.

Bà nói: "Bữa cơm chỉ trọn vẹn khi người nấu chỉn chu, biết làm món gì trước, món gì sau. Món cuối cùng được chế biến thường là món canh và món xào. Khi dọn lên mâm, món ăn còn nóng".

Cỗ Tết đầy đủ từ món chính đến xôi chè tráng miệng.

Cỗ Tết đầy đủ từ món chính đến xôi chè tráng miệng.

Mâm cỗ ngày Tết đủ đầy, nhiều màu sắc, hương vị khó quên bởi các cụ xưa thường nói Đói quanh năm, no 3 ngày Tết. Mâm cơm Tết xưa đầm ấm vì có sự quây quần của tam, tứ đại đồng đường.

TS. Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia - cho rằng mỗi món ăn là giá trị di sản văn hóa phi vật thể, là ký ức của mỗi người. Người Hà Nội tự hào với ẩm thực đa dạng. Trải qua thời gian khó, phải chắt chiu nhưng ẩm thực vẫn đi lên, làm nên niềm tự hào cho người dân Thủ đô.

Mâm cơm nhà đủ chất, không cần trang trí cầu kỳ.

Mâm cơm nhà đủ chất, không cần trang trí cầu kỳ.

Trong lộ trình dài định vị thương hiệu du lịch Thủ đô, biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới, các chuyên gia khẳng định cần bộ tiêu chí đánh giá khả năng phục vụ du lịch của các cơ sở ẩm thực. Cách diễn giải di sản, chế biến món ăn phải khơi gợi sự tò mò, chạm đến cảm xúc của khách du lịch.

Tiến sĩ Đặng Thị Phương Anh (Khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho rằng hương xưa vị cũ, nếp nhà truyền thống phải được chuyển tải trong từng món ăn.

Ngọc Ánh - Trọng Tài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-ha-noi-xua-an-banh-chung-voi-ca-kho-lam-co-tet-cau-ky-4-bat-8-dia-post1708849.tpo
Zalo