Chợ tết làng quê

Ngày xưa chợ quê tôi chỉ là những dãy lều tranh cất trên khoảnh đất trống rộng thênh thang mùa đông lạnh buốt. Người ta phải dùng những cái bồ đựng lúa che khuất bên hông sạp hàng. Nền lều chợ là những miếng tre đực già cỗi đóng ghép lại, cứ mỗi lần chủ bán hàng cử động là kêu cót két. Trước mặt lều chợ có những cái móc sắt thòng xuống để chủ bán hàng móc quần áo, giày mũ…

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Hồi đó nếu có các nhà thiết kế ki-ốt cũng chỉ ôm gối chịu thất nghiệp vì quê tôi nghèo lắm! Góp chỗ, bảo vệ, ban quản lý chợ cũng chỉ có một người. Đó là bà Xã Sáu tuổi đời đã nhiều nhưng còn phảng phất nét đẹp thời con gái. Bà Xã Sáu nổi tiếng là người giàu có nhất trong làng song cách nói lại mềm mỏng, thuyết phục nên ai cũng nể trọng. Họ nộp tiền góp chỗ cho bà một cách thoải mái chứ không kèn cựa như bây giờ.

Mỗi lần sắp đến ngày áp tết, quãng 5-6 giờ sáng, đã có nhiều người gồng gánh rau quả đến bán. Đó là những bà mẹ quê một nắng hai sương quần quật, chuyên cần trong mảnh vườn nhà vun trồng cây cà, luống rau… về chợ kiếm từng đồng để mua tấm áo, đôi dép, cái mũ mới cho con mừng ba ngày tết. Là những người mẹ làng biển muối từng lu mắm nhất đợi đến những ngày áp tết mới khui ra đi bán chợ tết, mua bánh mứt, áo quần… cho con trẻ hằng mong.

Chợ quê tôi là trung tâm giao lưu buôn bán của một xã nửa đồng, nửa biển nên đường đến chợ khúc khuỷu, quanh co như những chợ ở miền núi. Mờ sáng, nhiều đoàn người nói cười rộn rã trên những con đường đến chợ tết. Họ đi bán đi mua hàng tết làm cho không khí tết ồn ã lên từng ngày. Những ngày áp tết, các lều chợ ăm ắp quần áo, giày mũ và có cả xoong nồi, chén đũa, nhang giấy, bánh mứt… Quãng 25 tết, chợ làng tôi sôi động hẳn lên. Những cậu bé, cô bé bám theo lưng mẹ đứng nhìn những quầy bán quần áo, giày mũ với đôi mắt thèm thuồng, ao ước.

Bây giờ chợ quê tôi đã được xây dựng khang trang, bề thế, hàng phục vụ tết được phân ra từng gian, từng chủng loại với mẫu mã phong phú, đa dạng, bắt mắt. Ngay cả thực phẩm dùng để nấu ăn cũng thuộc loại cao cấp được đóng hộp. Trẻ con không còn mặc vải rẻ tiền như chúng tôi ngày xưa. Các cô thôn nữ ngày nay không mấy ai còn thi nhau trổ tài làm rim gừng, rim bí, rim rẻ quạt… bởi ở các chợ đầy ắp bánh mứt.

Những ngày áp tết, dọc đường vào chợ quê tôi, các xe tải chở chuối từ vùng cao, vùng xa về chất thành đống và bắt đầu có những chậu cúc, chậu mai vàng được những người chủ bán hoa chăm chút như trứng mỏng. Họ đem cái đẹp đến mọi người, mọi nhà, góp phần tô điểm cho ngày xuân thêm xinh tươi và nhiều ý nghĩa. Buổi chợ 29 hoặc 30 tết là buổi chợ cuối cùng trong năm, thường họp từ lúc canh khuya cho đến xẩm tối. Nhất là chợ hoa kéo dài gần nửa đêm. Những người bán hoa “nhất chín, nhì bù” bán sự hên xui theo cung - cầu. Năm nào nguồn hoa thiếu hụt thì người bán hoa vui như mở hội. Còn năm nào hoa thừa thãi thì họ thua lỗ, xót xa nhìn nụ cười hớn hở của người mua hoa rẻ đêm cuối Chạp.

Những ngày áp tết, những buổi chợ tết là những ngày mà các mẹ, các chị làng quê háo hức nhất. Mỗi ngày đi chợ tới mấy lần, thấy cái gì cũng muốn mua. Đối với các mẹ, các chị, đi chợ còn là để xem chợ tết đông vui, để thấy người nhà giàu đi chợ tết vung tiền mát tay, còn những người phụ nữ nhà nghèo thì đắn đo, suy tính từng đồng khi chọn những mặt hàng bình dị.

***

Mẹ đã về cõi vĩnh hằng từ lâu nhưng tôi không sao quên được những cái tết lon ton chạy theo mẹ ra chợ để mang về niềm vui bằng tấm áo, cái mũ, đôi dép mới cứng từ công sức trồng hoa quả của mẹ trong vườn nhà ngút ngát màu xanh.

TRẦN QUỐC CƯỠNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325364/cho-tet-lang-que.html
Zalo