Ngay bên sườn núi A Man (ở thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) có 450 ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử, chưa ai lý giải được.
Ngay bên sườn núi A Man có một khu mộ cổ không còn nguyên vẹn. Nhiều giả thuyết đặt ra về nguồn gốc của chúng nhưng đến nay, chưa ai biết chắc chắn được quá trình hình thành của khu mộ cổ này.
Nơi đây, có 450 ngôi mộ nằm trải rộng trên diện tích khoảng 2.000m², được xây dựng bằng vôi và đá. Hầu hết các ngôi mộ quay mặt về hướng Đông Nam. Trên mộ không có bất kỳ thông tin nào để xác định tên tuổi, quê quán của người đã khuất. Mọi dấu tích chỉ cho biết một điều rằng, những ngôi mộ ở đây đã có từ xa xưa.
Tất cả ngôi mộ đều được phủ bên ngoài một lớp hợp chất vôi cát dày và một số ngôi mộ bị bong tróc lớp hợp chất ở bề mặt, có thể nhận thấy vật liệu xây dựng chủ yếu là đá
Trong số đó, có nhiều ngôi mộ hình yên ngựa được xây theo từng cặp.
Bà Nguyễn Thị Vân - Phó Giám đốc Ban quản lý di tích huyện Tuy An, cho biết, trên núi A Man có tổng cộng 450 ngôi mộ cổ và bà từng cho người đi đánh số thứ tự những ngôi mộ này. Hầu hết những ngôi mộ cổ có 4 dạng gồm loại hình yên ngựa, loại hình mai rùa, loại hình mái nhà và loại hình búp sen. Trong đó, loại hình yên ngựa khá phổ biến và mặt trước của các ngôi mộ được trang trí nhiều dạng hoa văn thể hiện hình tượng tứ bình, tùng hạc.
Theo bà Vân, có thể những ngôi mộ này được xây dựng ở giai đoạn các thế kỷ XVII - XVIII. Thời điển này, vùng đất Phú Yên có nhiều biến động, chiến tranh xảy ra liên miên. Vì thế, khi xây mộ phần người ta không tạo bia hoặc nếu có tạo bia thì sau đó cũng đục phá để tránh tình trạng trả thù bằng hình thức quật mồ mả của người quá cố.
Về nguồn gốc những ngôi mộ này, bà Vân nói rằng, có ý kiến cho rằng đó là khu mộ cổ của người Chăm cổ, có ý kiến cho đó là khu mộ người Việt và người Hoa, cũng có ý kiến cho là binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh đã hy sinh trong những trận chiến khốc liệt với binh sĩ nhà Tây Sơn năm 1793 -1801 và cả tầng lớp quyền quý thời chúa Nguyễn.
"Với các tư liệu nghiên cứu và đối sánh từ một số đặc điểm của các ngôi mộ như kiểu dáng kiến trúc, cách thức trang trí, vật liệu xây dựng…chúng tôi tạm thời đoán định chủ nhân các ngôi mộ cổ A Man chủ yếu là những lớp cư dân người Việt vào định cư, khai khẩn vùng đất này”, bà Vân chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Phú Yên cho rằng: Nguồn gốc 450 ngôi mộ này hoàn toàn là văn hóa mộ táng của người Việt. Chúng được xây dựng cuối thế kỷ XVIII, bởi nó có cùng cách thức xây dựng với một số ngôi mộ cổ ở Phú Yên của các dòng họ đã được xác định chính xác niên đại. Trong đó, những người nằm dưới những ngôi mộ cổ này thuộc lực lượng của chúa Nguyễn Ánh trong những trận chiến khốc liệt với nhà Tây Sơn từ năm 1793 - 1801.
Phó Giám đốc Ban quản lý di tích huyện Tuy An cho biết, quần thể mộ cổ A Man tồn tại trên 3-4 thế kỷ, là công trình ngoài trời, vật liệu xây dựng mộ bằng đá tự nhiên và hợp chất, hiện không có người trông coi nên phần lớn các mộ cổ bị bong tróc, sụp đổ và phong hóa theo thời gian. Hiện nay, đất khu đồi được cấp cho 5 gia đình trồng bạch đàn làm che khuất tầm nhìn các khu mộ ở nơi đây. Dù đã được các nhà khoa học nghiên cứu, được giới truyền thông đề cập nhiều, nhưng hiện nay quần thể vẫn chưa được xếp hạng di tích nên chưa được chú trọng bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
Những ngôi mộ này bị bỏ hoang từ lâu nên không có một nghi lễ, tín ngưỡng nào liên quan. Gần đây, các ni sư trụ trì chùa Châu Lâm (ở thôn Quảng Đức, xã An Thạch) cùng nhiều tấm lòng hậu thế có nguyện vọng lập một đàn tràng cúng tế các vị tiền nhân yên nghỉ dưới chân núi A Man, sau lưng chùa Châu Lâm đã bị bỏ hoang nhiều thế kỷ.