Mùa lễ hội tại thành phố Hà Nội năm 2025:Tăng trải nghiệm của du khách bằng công nghệ số

Mùa lễ hội tại thành phố Hà Nội năm 2025 bắt đầu với hàng loạt lễ hội truyền thống đã diễn ra, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân trong dịp đầu Xuân Ất Tỵ. Ngoài công tác tổ chức theo đúng truyền thống, nhiều lễ hội tiếp tục chú trọng ứng dụng công nghệ trong các hoạt động để tạo dấu ấn riêng.

Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D tại lễ hội Kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa). Ảnh: Viết Thành

Chương trình nghệ thuật bán thực cảnh sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D tại lễ hội Kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa). Ảnh: Viết Thành

Nhiều đổi mới nhờ công nghệ

Những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, chùa Hương (huyện Mỹ Đức) đón hàng vạn người về trẩy hội và đi lễ đầu năm. Du khách đến chùa Hương năm nay cảm nhận rõ sự thanh bình, chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, không còn cảnh chen lấn xô đẩy, lộn xộn, phe vé. Trưởng ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn Bùi Văn Triều cho biết, năm nay, Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương đã số hóa các dịch vụ. Việc sử dụng vé điện tử tích hợp phí thắng cảnh, dịch vụ thuyền, đò thông qua mã QR đã tạo sự thuận tiện, văn minh, an toàn cho người dự hội.

Là du khách trải nghiệm lễ hội chùa Hương năm nay, chị Nguyễn Khánh Ly (quận Đống Đa) nhận xét: “Việc số hóa vé tham quan giúp gia đình tôi thuận tiện và yên tâm khi trải nghiệm lễ hội, không còn sợ bị cò mồi chèo kéo, nâng giá”.

Ứng dụng công nghệ trở thành điểm sáng của mùa lễ hội năm nay. Tại lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa), lần đầu tiên quận Đống Đa tổ chức khai hội vào buổi tối với chương trình nghệ thuật bán thực cảnh có sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D kể lại lịch sử một cách hiện đại và hấp dẫn. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, với nhiều yếu tố mới, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ hiện đại đã góp phần tăng trải nghiệm cho du khách. Năm nay, lượng khách đến với lễ hội tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Còn tại phủ Tây Hồ, từ năm ngoái UBND quận Tây Hồ đã áp dụng công nghệ số trong dịch vụ trông giữ xe, bán hàng, hướng tới việc không dùng tiền mặt. Du khách chỉ cần sử dụng mã quét QR để thanh toán, tìm hiểu thông tin về giá trị lịch sử tại di tích. Điều này đã giúp Ban Quản lý phủ Tây Hồ kiểm soát được lượng du khách, quản lý giá dịch vụ và nguồn thu.

Tại, cụm di tích đình - chùa Hà (quận Cầu Giấy), điểm di tích tâm linh thu hút rất đông du khách, nhất là giới trẻ cũng có nhiều đổi mới. Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, Ban Quản lý di tích đặt mã QR trước cửa ra vào để người dân và du khách thuận tiện tìm hiểu thông tin về di tích và lễ hội đình - chùa Hà; thực hiện niêm yết quy tắc ứng xử nơi công cộng, hướng dẫn người dân đi lễ thắp hương đúng nơi quy định. Chị Nguyễn Hồng Nhung (thành phố Hải Phòng) lần đầu tiên đi lễ tại chùa Hà chia sẻ: “Tôi bất ngờ vì đến đình - chùa Hà tuy đông nhưng rất văn minh, quy củ và trật tự. Việc đặt mã quét QR code giúp cho tôi dễ dàng tìm hiểu thông tin của di tích”.

Để lễ hội văn minh, an toàn, sáng tạo

Du khách sử dụng vé điện tử tích hợp phí thắng cảnh, dịch vụ thuyền, đò tại lễ hội chùa Hương năm 2025.

Du khách sử dụng vé điện tử tích hợp phí thắng cảnh, dịch vụ thuyền, đò tại lễ hội chùa Hương năm 2025.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 1.500 lễ hội, trong đó phần lớn diễn ra vào đầu năm. Cho đến thời điểm này, nhiều lễ hội truyền thống lớn có sức hút hàng vạn người đã và đang được tổ chức như: Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Cổ Loa và lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh), lễ hội đền Và (thị xã Sơn Tây), lễ hội Tản viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì), lễ hội Bia Bà (quận Hà Đông)…

Để bảo đảm cho công tác tổ chức, quản lý lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ trì tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố thực hiện kiểm tra, đôn đốc trước, trong và sau lễ hội. Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng nhận xét, cơ bản các lễ hội bảo đảm không khí trang nghiêm, đúng truyền thống mang đến không khí tươi vui đầu năm mới. Trong đó, nhiều lễ hội có sáng tạo mới, kết hợp công nghệ trong công tác quản lý, tổ chức mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Nhiều lễ hội lớn tổ chức tốt việc phân luồng giao thông, công tác an ninh, môi trường nên đã giảm được tình trạng ùn tắc, tạo điều kiện người dân và du khách du xuân thuận tiện như lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng đền Sóc, lễ hội Bia Bà...

Những nỗ lực đổi mới của các địa phương đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động lễ hội tại thành phố Hà Nội năm 2025. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi đáng khích lệ, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Một số lễ hội còn tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè; vệ sinh môi trường chưa bảo đảm trong những ngày lượng khách đông; nhiều nơi chưa niêm yết giá các dịch vụ…

Mùa lễ hội tại thành phố Hà Nội năm 2025 vẫn còn kéo dài. Để các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, hấp dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài đề nghị, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền quy tắc ứng xử văn minh trong lễ hội; quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự; quản lý tốt tiền công đức. “Bên cạnh việc duy trì nét đẹp truyền thống, các địa phương cần có những sáng tạo, đặc biệt về áp dụng công nghệ trong phần hội, bảo đảm lễ hội diễn ra đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống nhưng vẫn hấp dẫn, mới lạ đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách ”, ông Phạm Xuân Tài lưu ý.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mua-le-hoi-tai-thanh-pho-ha-noi-nam-2025-tang-trai-nghiem-cua-du-khach-bang-cong-nghe-so-693244.html
Zalo