Lan tỏa tinh hoa làng nghề
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc của Hà Nội đã chính thức trở thành 2 làng nghề truyền thống đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu. Kết quả này giúp Hà Nội khẳng định vị thế trên bản đồ văn hóa thế giới, đồng thời là cơ hội để các làng nghề nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo tồn giá trị truyền thống, và đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế…
Tối 14/2, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đã diễn ra Lễ đón nhận làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc là thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu và trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thủ đô năm 2025. Đây là làng nghề thứ 67 và thứ 68 được công nhận trên thế giới và Việt Nam là quốc gia thứ 28 có làng nghề được công nhận là làng nghề thủ công thế giới.
Định vị thương hiệu làng nghề
Hà Nội - thủ đô ngàn năm văn hiến, không chỉ nổi bật với các công trình kiến trúc cổ kính mà còn là nơi gìn giữ tinh hoa văn hóa thông qua hệ thống 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trải qua qua bao thăng trầm thời gian, các làng nghề Hà Nội vẫn giữ được nét đặc trưng riêng có. Và người ta thường nhắc tới tứ trụ tinh hoa trứ danh trên đất Thăng Long xưa: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, đúc đồng Ngũ Xã”.
![Một xưởng dệt lụa ở làng Vạn Phúc (Hà Nội). Ảnh: Việt Văn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_113_51480892/1f21d92beb65023b5b74.jpg)
Một xưởng dệt lụa ở làng Vạn Phúc (Hà Nội). Ảnh: Việt Văn.
Các làng nghề không chỉ lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di tích lịch sử… Nói đến Bát Tràng, người ta không nhắc đến làng gốm cổ hơn 500 tuổi. Không chỉ được biết đến bởi lịch sử hình thành lâu đời, làng gốm Bát Tràng nổi tiếng còn nhờ vào chất lượng gốm sứ bởi kỹ thuật làm nghề tinh xảo, là kết tinh sự sáng tạo của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ…
Trong khi đó, Vạn Phúc có hơn 1.000 năm phát triển nghề dệt lụa, nổi tiếng với lụa tơ tằm mềm mại, óng ả và hoa văn tinh tế, là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đặc biệt, cả hai làng nghề hiện nay đều là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Việc hai làng nghề trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu không chỉ là niềm tự hào của làng nghề Việt Nam, mà còn mở ra những triển vọng mới, trở thành tấm vé thông hành đưa tinh hoa thủ công làng nghề của Việt Nam vươn ra thế giới, hội nhập mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Đây cũng là sự khởi đầu đáng phấn khởi, là tiền đề để nhiều làng nghề khác của Hà Nội và Việt Nam tiếp tục có cơ hội được vinh danh; tạo động lực mạnh mẽ để chính quyền và người dân đầu tư hơn nữa vào việc bảo tồn và phát triển ngành nghề thủ công, đưa thủ đô Hà Nội thành một trong những điểm đến hàng đầu của du lịch sáng tạo và công nghiệp văn hóa.
Điểm đến của du lịch sáng tạo
Theo chuyên gia văn hóa, với danh hiệu này, hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc sẽ có cơ hội tiếp cận những thị trường rộng lớn hơn, nơi mà giá trị của sự thủ công, tinh tế và truyền thống được trân trọng và nâng niu. Và trong tương lai, với những bước tiến vững chắc, Bát Tràng, Vạn Phúc và các làng nghề thủ công Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên bản đồ sáng tạo thế giới, góp phần đưa văn hóa Việt Nam lan tỏa qua từng sản phẩm tinh xảo, đậm chất tâm hồn Việt.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh, việc làng nghề gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu là một bước tiến quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa quốc tế.
Tuy nhiên, ông Hoa cũng cho rằng, để vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa phát triển sản phẩm đáp ứng thị hiếu thị trường quốc tế, các làng nghề cần gìn giữ được kỹ thuật cổ truyền và truyền dạy lại cho các thế hệ kế tiếp. Đồng thời, đổi mới sáng tạo trong thiết kế, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Có thể thấy, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới sẽ mang lại lợi ích lớn không chỉ cho hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc, mà còn cho Hà Nội và ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Các sản phẩm thủ công tinh xảo từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân Việt Nam sẽ có cơ hội xuất hiện trong các không gian sang trọng, được giới thiệu tại các triển lãm danh tiếng và tham gia vào hệ thống bán lẻ cao cấp trên toàn cầu.
Ông Trịnh Quốc Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, đây điều rất vinh dự và là cơ hội để thế giới biết đến hơn nữa về tinh hoa làng nghề Việt Nam. “Đây mới chỉ là 2 làng nghề tiêu biểu. Còn nhiều làng nghề khác cũng có truyền thống lâu đời. Để tiếp tục phát huy và phát triển hơn nữa thì phải có chính sách bảo tồn các tinh hoa của các nghề truyền thống bằng các bảo tàng. Các nghệ nhân có trách nhiệm truyền nghề cho các thế hệ sau. Nghề thủ công mỹ nghệ đã được cha ông sáng tạo, nhưng thế hệ trẻ cần phải có sáng tạo hơn nữa để phát huy thế mạnh của nghề truyền thống” - ông Đạt chia sẻ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_113_51480892/31c8e7c2d58c3cd2659d.jpg)
Ông Nguyễn Đình Hoa.
Mở ra nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, để hỗ trợ các làng nghề khai thác hiệu quả cơ hội từ mạng lưới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá các tour du lịch đến Bát Tràng và Vạn Phúc, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các làng nghề giới thiệu sản phẩm và văn hóa truyền thống.
Cùng với đó, sẽ tiếp tục đào tạo thuyết minh viên và bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân làng nghề. Tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo cho các nghệ nhân và thợ lành nghề, nhằm nâng cao kỹ năng, cập nhật xu hướng mới và thúc đẩy sự sáng tạo trong sản xuất. Triển khai các dự án bảo tồn kiến trúc, không gian văn hóa của các làng nghề, đồng thời khuyến khích việc truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, nhân lực có trình độ đảm bảo kế thừa và phát huy giá trị nghề truyền thống vừa góp phần phát triển làng nghề bền vững.