Huyện Lấp Vò, Lai Vung phát huy giá trị làng nghề, làng nghề truyền thống

ĐTO - Để nâng tầm giá trị cho các làng nghề, thời gian qua, các ngành, các cấp của huyện Lấp Vò và Lai Vung tập trung nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển theo hướng hài hòa giữa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động khu vực nông thôn.

Nhờ đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất, nghề dệt chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò tạo thu nhập tốt cho người dân

Nhờ đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất, nghề dệt chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò tạo thu nhập tốt cho người dân

Đa dạng sản phẩm làng nghề truyền thống

Huyện Lấp Vò hiện có 12 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được công nhận theo quy định. Trong đó, có 4 làng nghề và 8 làng nghề truyền thống với các sản phẩm đa dạng như: đan lưới, đan thúng, đan bội, sản xuất chổi lông gà, dệt chiếu... Số hộ sản xuất kinh doanh trong các làng nghề khoảng hơn 1.500 hộ, với gần 3.500 lao động thường xuyên. Doanh thu từ các sản phẩm làng nghề ước tính gần 125 tỷ đồng (năm 2024).

Thời gian qua, các làng nghề đầu tư trang thiết bị được các hộ/cơ sở sản xuất áp dụng thực hiện tại làng nghề, làng nghề truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, tại 8 làng nghề truyền thống dệt chiếu ở xã Định An (4 làng nghề) và xã Định Yên (4 làng nghề), hộ dân và các cơ sở sản xuất chiếu đều trang bị máy để dệt chiếu (gần như 100%). Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã thực hiện phương án xử lý nước thải và rác thải bằng các bể tự hoại, không ảnh hưởng đến môi trường trong và ngoài làng nghề theo phương án bảo vệ môi trường đã được UBND huyện phê duyệt...

Bà Nguyễn Thị Kim Quý ngụ xã Định Yên, huyện Lấp Vò, có gần 50 năm theo nghề dệt chiếu, chia sẻ: “Xưa nay, nghề dệt chiếu được xem là truyền thống của gia đình. Trước đây, gia đình chủ yếu sản xuất thủ công, nay đã đầu tư máy dệt chiếu, sản lượng làm ra nhiều hơn. Tôi rất tự hào vì góp phần phát huy giá trị làng nghề dệt chiếu của quê mình”.

Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, cho biết: “Thời gian qua, hầu hết các làng nghề đều có hướng phát triển, sản xuất được cơ giới hóa, nên sản phẩm khá đồng nhất, chất lượng được nâng lên và đa dạng mẫu mã theo nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Cùng với đó, các ngành, các cấp cũng quan tâm hỗ trợ về máy móc sản xuất từ các chương trình khuyến công, nhiều nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa tiêu biểu và các hoạt động xúc tiến thương mại khác để tạo ra các sản phẩm tại các làng nghề, làng nghề truyền thống ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu hàng hóa, nâng cao chất lượng để các sản phẩm tại các làng nghề, làng nghề truyền thống ngày càng được đi xa, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ đó, tạo điều kiện phát triển nhiều dịch vụ hỗ trợ khác, tạo thêm việc làm cho người dân tại địa phương”.

Tại huyện Lai Vung, hiện có 6 làng nghề truyền thống được công nhận gồm: nghề làm nem Lai Vung; nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu; nghề trồng hoa giấy; nghề đan lờ, lọp; nghề đan cần xé; nghề đan bội. Trong đó, Làng nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu và Nghề làm Nem Lai Vung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn huyện một số ngành nghề khác cũng có tiềm năng phát triển như: nghề chất nấm rơm (xã Tân Hòa, Vĩnh Thới, Hòa Long), sản xuất cốm gạo, cốm bắp (xã Tân Thành), bánh tráng (xã Tân Phước), nghề phơi và đan lục bình...

Thời gian qua, các ngành, các cấp của huyện tập trung thực hiện tốt những giải pháp nâng cao giá trị làng nghề truyền thống. Trong đó, quảng bá giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề luôn được lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương, các hộ tham gia sản xuất trong làng nghề quan tâm thực hiện tốt. Các làng nghề đã được UBND huyện cấp phương án bảo vệ môi trường. Huyện phát triển các làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ làm nghề thuộc các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP...

Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Để giữ vững và phát huy giá trị các làng nghề, làng nghề truyền thống, thời gian qua, huyện tập trung tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh các làng nghề, làng nghề truyền thống. Đồng thời hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng cho các sản phẩm của làng nghề, trong đó chú trọng, ưu tiên sự tham gia của các chủ thể sản xuất là các cơ sở làm nghề tại các làng nghề, làng nghề truyền thống...”.

Người dân làng nghề trồng hoa giấy xã Tân Dương, huyện Lai Vung tập trung phát huy thế mạnh, kết nối với thị trường, nâng tầm giá trị sản phẩm

Người dân làng nghề trồng hoa giấy xã Tân Dương, huyện Lai Vung tập trung phát huy thế mạnh, kết nối với thị trường, nâng tầm giá trị sản phẩm

Tiếp tục phát huy giá trị các làng nghề

Theo UBND huyện Lấp Vò, mục tiêu trong năm 2025, địa phương phấn đấu có ít nhất 10% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình OCOP; phấn đấu có ít nhất 20% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản...

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, huyện sẽ tổ chức tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh các làng nghề, làng nghề truyền thống thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, giá trị văn hóa và sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; giới thiệu, phổ biến các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề điển hình hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh và phổ biến kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; tổ chức các lớp tập huấn, truyền nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động trên địa bàn làng nghề để nâng cao tay nghề, nhân rộng mô hình và tạo việc làm tại chỗ.

Bên cạnh đó, ứng dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào sản xuất trong làng nghề, cải thiện chất lượng sản phẩm, sử dụng sản phẩm đã thành phẩm trong làng nghề để tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, mẫu hàng đẹp, chất lượng, thu hút khách tham quan, du lịch như: thảm, túi xách... được làm từ chiếu lác đã thành phẩm...

Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, chia sẻ: “Địa phương sẽ hỗ trợ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ các hộ làm nghề đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật; thông qua chính sách khuyến công, các chương trình, dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ làng nghề đầu tư trang bị máy móc hiện đại, sử dụng công nghệ tự động áp dụng vào một số công đoạn hoặc toàn bộ quy trình sản xuất; đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật...”.

Để giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề, UBND huyện Lai Vung khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống...

Song song đó, các ngành chức năng, hỗ trợ tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế từ các mô hình bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống các địa phương khác nhằm trao đổi, chia sẻ những giải pháp để xây dựng, phát triển làng nghề mới ở địa phương; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề; vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo về sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học để tham gia đào tạo nghề, truyền nghề nhằm duy trì, bảo tồn giá trị cổ truyền, tinh xảo, độc đáo của làng nghề...

Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng cho các sản phẩm của làng nghề, trong đó chú trọng, ưu tiên sự tham gia của các chủ thể sản xuất là các cơ sở làm nghề tại các làng nghề. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua việc đặt hàng thực hiện đề tài, đề án nghiên cứu về khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho các làng nghề; hỗ trợ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất... Huyện cũng thực hiện chương trình phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng qua các vườn cây ăn trái, vườn hoa, cánh đồng hoa màu gắn với làng nghề...”.

Nhật Nam

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/huyen-lap-vo-lai-vung-phat-huy-gia-tri-lang-nghe-lang-nghe-truyen-thong-129268.aspx
Zalo