Lần đầu có quy chuẩn về tàu lặn biển, tàu chống băng
Từ 1/9/2025, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép có hiệu lực thi hành, trong đó bổ sung quy định về tàu lặn, tàu gia cường chống băng.
![Một mẫu tàu lặn biển trên thế giới - Ảnh internet](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_314_51476660/3659e4fcd6b23fec66a3.jpg)
Một mẫu tàu lặn biển trên thế giới - Ảnh internet
Bộ GTVT vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, mã số quy chuẩn QCVN 21 : 2025/BGTVT, có hiệu lực thi hành từ 1/9/2025. Quy chuẩn mới này thay thế quy chuẩn QCVN 21 : 2015/BGTVT (và các quy chuẩn sửa đổi QCVN 21:2015 năm 2016, 2017, 2018). QCVN 21:2025/BGTVT quy định về kiểm tra phân cấp tàu biển (bao gồm cả các kết cấu nổi trên biển), các hoạt động liên quan đến thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu biển.
Các loại tàu thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn trên bao gồm tàu mang, dự định mang cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài khi thấy cần thiết hoặc có yêu cầu) có đặc điểm: Tự chạy hoặc không tự chạy, có chiều dài từ 20 m trở lên; tất cả các tàu tự chạy (không phụ thuộc vào chiều dài) có tổng công suất liên tục lớn nhất của máy chính từ 75 kW trở lên; tàu khách, tàu kéo, tàu hàng lỏng, tàu chở xô khí hóa lỏng, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm và các tàu có công dụng đặc biệt khác không phụ thuộc vào chiều dài tàu và công suất của máy chính.
Trường hợp tàu không phải là tàu khách, có chiều dài mạn khô dưới 24 m, du thuyền hoặc các tàu phục vụ thể thao, giải trí khác có thể không cần áp dụng quy chuẩn trên nếu đã áp dụng quy chuẩn quy định riêng cho các tàu đó.
QCVN 21 : 2025/BGTVT được chia thành 6 tập, quy định chi tiết các yêu cầu kỹ thuật và quản lý nhà nước về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu biển vỏ thép.
Tập 1: Quy định chung, quy định kỹ thuật (quy định chung, quy định chung về kiểm tra), các quy định về quản lý; trách nhiệm của các tổ chức cá nhân, tổ chức thực hiện.
Tập 2: Kết cấu thân tàu và trang thiết bị tàu có chiều dài từ 90 m trở lên, tàu có chiều dài 90 m trở xuống.
Tập 3: Hệ thống máy tàu, trang bị điện; phòng, phát hiện và chữa cháy.
Tập 4: Hàn, vật liệu, trang thiết bị.
Tập 5: Sà lan vỏ thép, sà lan chuyên dùng; các loại tàu: Công trình, lặn, chở xô khí hóa lỏng, chở xô hóa chất nguy hiểm, tàu khách, tàu mang cấp gia cường đi các cực và gia cường chống băng, tàu sử dụng nhiên liệu có điểm chớp cháy thấp.
Tập 6: Phân khoang, ổn định nguyên vẹn, nạn khô, tầm nhìn từ lầu lái, khu vực sinh hoạt thuyền viên, quy định đối với tàu vượt tuyến một chuyến.
So với quy chuẩn trước, QCVN 21: 2025/BGTVT bổ sung quy định về tàu lặn chở khách và tàu mang cấp gia cường đi các cực và gia cường chống băng. Trong đó, đối với tàu lặn chở khách, một trong quy định là quản lý vận hành tàu lặn phải phù hợp với Bộ luật quản lý an toàn quốc tế hoặc các quy định tương đương. Tàu lặn cũng phải có hướng dẫn vận hành, gồm 25 hạng mục cùng với các bản vẽ cần thiết phải được trình cho thuyền trưởng và sẵn có trên tàu để đảm bảo an toàn của tàu lặn (nhiệm vụ hoạt động, thời gian lặn thiết kế lớn nhất, chiều sâu lặn lớn nhất và các chiều sâu lặn khai thác khác; không khí bên trong để duy trì trạng thái dự kiến cho người trong thân chịu áp lực liên quan đến O2 hoặc nguồn cấp không khí, giảm khí CO2, điều hòa không khí và giới hạn khí độc cho phép; tốc độ lớn nhất và giới hạn chúi ở trạng thái nổi trên mặt nước và khi lặn dưới nước và đặc tính lùi khẩn cấp; Giới hạn địa lý địa điểm lặn; thông tin liên lạc với các tàu hoặc phương tiện trên đất liền…).
Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến các tàu thuộc phạm vi của quy chuẩn: Cục Đăng kiểm VN, các chủ tàu; cơ sở thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác tàu biển; các cơ sở thiết kế, chế tạo vật liệu và trang thiết bị, máy móc lắp đặt lên tàu.
Trong đó, Cục Đăng kiểm VN có trách nhiệm: Thẩm định thiết kế tàu biển và duyệt tài liệu hướng dẫn thẩm định thiết kế tàu biển, các hệ thống, thiết bị, máy, sản phẩm lắp đặt trên tàu biển phù hợp với các quy định của quy chuẩn. Duyệt các tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật tàu biển theo các quy định. Thực hiện việc kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận cho tàu và trang thiết bị lắp đặt trên tàu phù hợp với các quy định của quy chuẩn.